Tiếng Việt | English

14/10/2019 - 08:38

Trăm năm nguồn cội - Vinh danh giá trị trường tồn của cải lương

Bắt đầu buổi công diễn đầu tiên từ tháng 7/2019 đến nay, trải qua 10 suất diễn tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM), cải lương Trăm năm nguồn cội để lại nhiều ấn tượng trong lòng người mộ điệu. Không chỉ là một chương trình nghệ thuật đơn thuần, đến với Trăm năm nguồn cội, khán giả, nhất là những người trẻ có thêm rất nhiều kiến thức về bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc Nam bộ, để từ đó biết trân quý, tự hào và phát triển tinh hoa của thế hệ tiền nhân truyền cho hậu thế.

Ca ra bộ - tiền thân của cải lương sau này (Trong ảnh: Ca ra bộ Bùi Kiệm - Nguyệt Nga)
Ca ra bộ - tiền thân của cải lương sau này (Trong ảnh: Ca ra bộ Bùi Kiệm - Nguyệt Nga)

Theo dòng lịch sử

Điểm độc đáo của Trăm năm nguồn cội là chương trình như một “bài học” xuyên suốt từ quá trình hình thành đến sự phát triển ngày nay của nghệ thuật cải lương. Sân khấu tái hiện thuở sơ khai của cải lương đến khi phát triển rực rỡ trong thời kỳ hoàng kim. Ai chưa từng biết, chưa “mặn mà” với cải lương, thử một lần đến với Trăm năm nguồn cội, sẽ thấm, hiểu và yêu mến bộ môn nghệ thuật này. Với Trăm năm nguồn cội, khán giả được “cắt nghĩa” để hiểu rõ cải lương là gì, giới thiệu từng giai đoạn lịch sử, tác phẩm nổi tiếng gắn liền với tên tuổi tác giả và nghệ sĩ trình bày cùng bối cảnh ra đời và ý nghĩa. 

Trong hành trình trăm năm, không thể không nhắc đến đờn ca tài tử được hình thành từ vào cuối thế kỷ XIX, bắt đầu từ nhạc lễ - nhã nhạc cung đình Huế rồi trở thành một loại hình nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Nam bộ. Năm 1906, nhóm nhạc tài tử của Nguyễn Tống Triều dự Hội chợ triển lãm thuộc địa tại Marseille (Pháp) học được cách diễn xướng theo kiểu của người phương Tây, khi về trình diễn trong nước thì được mọi người đón nhận. Các nghệ nhân ban đầu ngồi đờn hát trên bộ ván, về sau chuyển thành vừa đứng hát, vừa diễn tả động tác, điệu bộ, gọi là lối Ca ra bộ, với bản đầu tiên là Bùi Kiệm - Nguyệt Nga. Đây chính là tiền thân của cải lương sau này.

Sau đó, khán giả lại được tiếp tục theo chuyến xe thời gian đến với một đêm rằm tháng 8/1919, khi nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác bản Dạ cổ hoài lang. Được biết, tác phẩm này có rất nhiều dị bản. Tuy nhiên, trong đêm diễn, khán giả được thưởng thức bản gốc của tác phẩm, đắm mình vào một đêm trăng để thưởng thức bản Dạ cổ hoài lang qua tiếng ca của Ngọc Đợi. Bởi, bất cứ tác giả nào khi cho ra đời tác phẩm cũng đều nâng niu, ấp ủ trong từng câu, chữ. Tôn trọng tác giả, tôn trọng sự thật chính là sự văn minh trong thể hiện và thưởng thức cải lương. 

Tiếp nối chương trình là thời kỳ cải lương vươn đến đỉnh cao với Đời cô Lựu qua sự biểu diễn xuất thần, khóc - cười cùng nhân vật của Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết. Khán giả lại tiếp tục ấn tượng với sự kết hợp nhuần nhuyễn từ ánh mắt, cử chỉ hòa quyện cùng giọng ca của các nghệ sĩ tài năng qua lớp Xử án Thượng Dương trích trong tuồng Câu thơ yên ngựa (tác giả: Hoàng Yến, Ngọc Văn, Thanh Tòng). Bên cạnh nội dung nguyên bản, trích đoạn còn có thêm phần độc diễn của Hoàng hậu Thượng Dương. Phần viết thêm như lời thanh minh của linh hồn Thượng Dương với tiên đế, là bài học răn đe đời sau, đừng vì ích kỷ mà mất đi lòng ái quốc. Lớp độc diễn kết thúc trên nền nhạc bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam - Nam Quốc Sơn Hà. Phần viết thêm này được sự đồng ý của gia đình cố soạn giả Thanh Tòng, ủng hộ cho tinh thần cải cách, tiến bộ, văn minh luôn có của cải lương. Chỉ vài trích đoạn tiêu biểu nhưng khán giả cũng đủ hiểu rằng, cải lương không đơn thuần là biểu diễn mà lồng ghép nhiều bài học quý báu về lòng yêu nước, tình nghĩa vợ chồng, tình người với người trong xã hội. 

Các nghệ sĩ hợp diễn trích đoạn Xử án Thượng Dương

Các nghệ sĩ hợp diễn trích đoạn Xử án Thượng Dương

Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc 

Không chỉ có biểu diễn, xen kẽ giữa từng tiết mục, khán giả có cơ hội biết thêm nhiều kiến thức về cải lương. Khi thì tìm hiểu về các loại nhạc cụ biểu diễn từ khi chỉ có “tứ tuyệt” (kìm, cò, tranh, bầu) hoặc có thể thêm đờn sến rồi đến khi được sử dụng guitar phím lõm, guitar điện ngày nay; được nghe về những tên tuổi của các nghệ sĩ, soạn giả tiêu biểu; biết quá trình ra đời của vọng cổ hài, rồi tân cổ giao duyên của soạn giả Viễn Châu; sự tài hoa, cái tâm và công lao của Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há - người có công lớn trong sự nghiệp đào tạo, truyền nghề cho rất nhiều môn sinh và có rất nhiều học trò nổi tiếng, góp phần đưa nghệ thuật cải lương đến đỉnh cao như nghệ sĩ Thanh Nga, Thanh Sang, Bạch Tuyết, Minh Vương, Lệ Thủy,…

Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết và Trinh Trinh trong trích đoạn Đời Cô Lựu

Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết và Trinh Trinh trong trích đoạn Đời Cô Lựu

Ngoài ra, khán giả cũng được giới thiệu về những dòng tộc nổi tiếng trong việc truyền thụ, giữ lửa nghề cải lương, đặc biệt là dòng tộc Minh Tơ với các nghệ sĩ nổi tiếng: Minh Tơ, Huỳnh Mai, Thành Tôn, Bạch Lê, Bạch Liên, Bạch Long, Thành Lộc, Thanh Tòng, Quế Trân, Tú Sương, Trinh Trinh,… Khán giả còn được tìm hiểu về hát bội, cải lương Hồ Quảng, cải lương tuồng cổ,…

Được biết, Trăm năm nguồn cội do nghệ sĩ Quang Thảo viết kịch bản và đạo diễn. Chương trình không cầu kỳ, phô trương nhưng vẫn rất chỉn chu, được chăm chút từng chi tiết. Sân khấu, âm thanh, ánh sáng hòa quyện hết sức duyên dáng, dẫn dắt khán giả đi từ tiết mục này đến câu chuyện khác một cách logic. Thậm chí, có những chi tiết rất nhỏ nhưng vẫn được khéo léo “xen” vào tiết mục thật nhuần nhuyễn, thậm chí nhỏ bé như tiếng côn trùng kêu trong đêm trường cũng không được bỏ sót. Hoặc tinh tế hơn nữa, mỗi đoạn giới thiệu về cải lương và các nghệ sĩ, 2 bên khán đài cũng chuẩn bị sẵn phụ đề tiếng Anh để phục vụ khán giả nước ngoài. Những chi tiết này góp phần không nhỏ cho sự thành công của chương trình, thể hiện sự tôn trọng khán giả và nói lên cái tâm của người làm nghệ thuật. Để từ đó, những người chưa quan tâm đến cải lương, nhất là những người trẻ, sau khi xem chương trình sẽ có suy nghĩ khác, sẽ hiểu, tự hào và trân trọng bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Bạn Nguyễn Nguyệt Huyền (sinh viên Trường Đại học Công nghiệp, TP.HCM) chia sẻ: “Sau khi xem chương trình, tôi cảm thấy yêu mến rất nhiều dù trước đây chưa hề ấn tượng với cải lương. Chưa một lần tôi nghe trọn vẹn một bản vọng cổ hay một tuồng cải lương, thế nhưng hôm nay, được xem một vài trích đoạn, tôi đã rất thích và sẽ tìm hiểu về cải lương nhiều hơn”.

Chị Phan Ngô Minh Nguyệt (ngụ quận 6, TP.HCM) cho biết: “Chương trình gồm rất nhiều tiết mục nhưng không hề rời rạc mà có sự chuyển đổi nhịp nhàng, phù hợp, lôi cuốn người xem chứ không hề nhàm chán. Hy vọng chương trình sẽ tiếp tục duy trì để phục vụ nhiều khán giả hơn”.

Chỉ khoảng 2 giờ ngắn ngủi, khán giả được đắm chìm vào một không gian tiếp nối liên tục, cả chương trình như một chuyến xe từ quá khứ đến hiện tại, tái hiện những ngày đầu sơ khai đến cải lương hiện đại ngày nay. Tạm khép lại sau 10 suất diễn, chương trình để lại nhiều tình cảm trong lòng người mộ điệu, có người đi xem nhiều lần vẫn bùi ngùi luyến tiếc. Hy vọng rằng, không chỉ cải lương Trăm năm nguồn cội, những vở tuồng, những chương trình ý nghĩa như thế này sẽ còn tiếp tục và thăng hoa để cải lương luôn trường tồn, phát triển./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết