Tiếng Việt | English

02/11/2017 - 00:40

Vĩnh Hưng: Quyết tâm thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Theo kế hoạch, đến năm 2020, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An có ít nhất 4.500ha lúa sản xuất ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC). Huyện đang tập trung thực hiện theo lộ trình. Cụ thể, năm 2018 tiếp tục triển khai các mô hình điểm trên 1.400ha ở các xã trong vùng quy hoạch.

Vẫn còn khó khăn

Theo đánh giá của huyện, bên cạnh những kết quả bước đầu trong thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số khó khăn, việc triển khai còn chậm, lúng túng, sản xuất nông nghiệp vẫn còn lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, hoạt động các hợp tác xã bước đầu có hiệu quả nhưng chưa cao,...

Đầu ra sản phẩm còn được quan tâm

Theo Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Hưng Phú (xã Khánh Hưng) - Lưu Văn Hoài, vụ Hè Thu 2017, HTX được tỉnh chọn làm điểm xây dựng mô hình sản xuất lúa ƯDCNC. Sản xuất lúa theo mô hình này giảm được lượng phân bón, thuốc trừ sâu, giống nên giảm giá thành, tăng lợi nhuận.

Cụ thể, sản xuất theo hướng ƯDCNC giảm chi phí từ 1-1,5 triệu đồng/ha, năng suất bình quân tăng từ 100-300kg/ha và lợi nhuận tăng thêm 1,5-2 triệu đồng/ha/vụ”. Tuy nhiên, định mức hỗ trợ còn rất thấp, trong khi đó, vốn đối ứng của người dân trong mô hình còn cao: San bằng mặt ruộng bằng tia laser, máy cấy lúa, trạm bơm điện,…

Ông Trần Văn Hoàng - xã viên HTX Hưng Phú, cho biết: Khi tham gia mô hình, nông dân áp dụng kỹ thuật tiên tiến (làm đất, sang phẳng mặt ruộng bằng tia laser, ứng dụng máy cấy, áp dụng quy trình 1 phải - 6 giảm, cơ giới hóa trong thu hoạch,...) nhằm giảm giá thành, tăng năng suất.

“Việc thực hiện giảm giống bằng phương pháp kết hợp giữa cấy và sạ thưa, năng suất chênh lệch không cao, trong khi đó, việc sử dụng máy cấy trong mô hình còn nhiều lỗi kỹ thuật, nông dân phải tốn thêm một khoản chi phí, bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng nông thôn chưa được đầu tư đúng mức, điện 3 pha chưa được đầu tư làm trạm bơm điện nên tăng giá thành trong sản xuất” - ông Trần Văn Hoàng cho biết thêm.

Quyết tâm thực hiện

Năm 2018, huyện có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác, HTX hoạt động hiệu quả, đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Cụ thể, xây dựng 11 mô hình sản xuất lúa ƯDCNC với diện tích 550ha ở các xã: Khánh Hưng, Thái Bình Trung, Vĩnh Bình, Hưng Điền A, Vĩnh Trị và Vĩnh Thuận (vụ Đông Xuân 2017- 2018, tỉnh thực hiện 2 mô hình, huyện 3 mô hình; vụ Hè Thu, tỉnh thực hiện 2 mô hình, huyện 3 mô hình), trong đó, 100% sử dụng giống lúa xác nhận, 50% diện tích áp dụng biện pháp giảm giống, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu. Đồng thời, nhân rộng các mô hình này với diện tích 1.400ha.

Để thực hiện kế hoạch, huyện tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án, chương trình của tỉnh, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực, thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư, đồng thời đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là hệ thống giao thông, điện, thủy lợi nội đồng nhằm đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa, vận chuyển hàng hóa, máy móc, nông sản được thuận lợi, lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của huyện có khả năng nhân rộng, bảo đảm hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho nông dân,…

“Huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nông dân tham gia Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC, đồng thời, tích cực vận động nông dân tham gia tổ hợp tác, HTX nhằm tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp, có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho HTX, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, triển khai các công trình do tỉnh làm chủ đầu tư,…” - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Hữu Hồng cho biết./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết