Tiếng Việt | English

20/05/2018 - 10:53

Vượt rào cản thương mại, cá tra Việt Nam vẫn 'bơi' ra thế giới

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Đa Quốc gia (IDI), thuộc Sao Mai Group. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Đa Quốc gia (IDI), thuộc Sao Mai Group. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Với việc chủ động trong đàm phán và linh hoạt trong tìm kiếm các thị trường thay thế, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nỗ lực vượt các rào cản thương mại để cá tra-basa Việt Nam tiếp tục có mặt tại thị trường Mỹ và nhiều thị trường lớn khác trên thế giới. 

Tìm kiếm các thị trường thay thế 

Phán quyết lần thứ 13 của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) với việc áp thuế cao nhất từ trước tới nay với mặt hàng cá tra-basa philê đông lạnh của Việt Nam đang khiến cho cánh cửa vào thị trường Mỹ ngày càng trở nên hẹp hơn với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. 

Tuy nhiên, với kinh nghiệm ứng phó các lần áp thuế vô lý của DOC trước đây, Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp Thủy sản Miền Nam đã có sự chuyển hướng kinh doanh, tìm kiếm các thị trường mới thay thế như Trung Quốc, Nam Mỹ, Trung Đông, Nga và một số nước châu Âu để giảm thiểu các tác động bất lợi của phán quyết thuế chống bán phá giá này. 

Công ty cũng phát triển các sản phẩm mới có tính đặc trưng, có giá trị gia tăng cao như xúc xích cá tra, humbuger cá, cá viên để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm ăn nhanh của khách hàng nước ngoài. 

Thu hoạch cá tra ở quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Thu hoạch cá tra ở quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp Thủy sản Miền Nam, cho biết với việc tìm kiếm thị trường như vậy cũng như chủ động được tới 90% nguồn nguyên liệu đầu vào, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra-basa của Công ty vẫn tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2017 cho dù DOC áp thuế chống bán phá giá vô lý lên sản phẩm cá tra-basa phi lê đông lạnh của Việt Nam. 

Về phía Công ty Godaco - bị đơn bắt buộc mà DOC chọn xem xét hồ sơ áp dụng biên độ phá giá 2,39 USD/kg, Tổng Giám đốc Công ty Godaco Nguyễn Văn Đạo cho biết cá tra-basa Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ và các thị trường mới nổi sau này hoàn toàn có thể thay thế thị trường Mỹ. 

Vì vậy, Godaco đang tính toán phương án dừng hoạt động xuất khẩu sang Mỹ, thay vào đó sẽ tập trung khai thác những thị trường thuận lợi hơn như EU, Trung Quốc. 

Cùng quan điểm này, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) Trương Đình Hòe nhìn nhận cá tra Việt Nam vẫn có sức hút trên thị trường thế giới. Hiện thị trường EU, Nam Mỹ đang phục hồi trong khi thị trường Trung Quốc đang tăng trưởng tốt với nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm có giá trị cao. 

Chủ động đàm phán với phía Mỹ 

Là một trong số hai doanh nghiệp hiếm hoi của Việt Nam không phải chịu áp thuế chống bán phá giá cao của Mỹ lần này cũng như trong tám năm liên tiếp vừa qua, ông Ngô Quang Trường, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Biển Đông, cho biết Biển Đông và Công ty Thủy sản Vĩnh Hoàn đã chủ động đàm phán với nguyên đơn là Hiệp hội Cá nheo của Mỹ dựa vào các tính toán về mức giá bán ở Mỹ, mức giá trị thay thế ở nước thứ ba và các vấn đề sản xuất chưa phù hợp...

Nhờ vậy, hai doanh nghiệp đã không phải chịu mức thuế bán chống phá giá cao lần này và sản phẩm cá tra-basa của Biển Đông, Vĩnh Hoàn vẫn tiếp tục được xuất khẩu sang Mỹ mà không có sự trở ngại nào. 

Nhìn nhận về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại - Bộ Công Thương Chu Thắng Trung khẳng định có nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Trong đó, việc theo đuổi các vụ kiện như doanh nghiệp Việt Nam thường thực hiện chỉ là một cách tiếp cận. Ngoài ra, tham vấn, trao đổi và đàm phán giữa các bên liên quan để đạt được thỏa thuận chung đem lại lợi ích cho các bên cũng chính là cách tiếp cận hiệu quả trong bối cảnh hiện nay. 

Tiên quyết vẫn phải là chất lượng 

Thực tế là trong hội nhập kinh tế thế giới, muốn xuất khẩu được thủy sản qua thị trường các nước thì doanh nghiệp phải tuân thủ các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây chính là điều kiện tiên quyết để vượt qua mọi rào cản bảo hộ và bám trụ thành công tại các thị trường lớn nhưng khó tính như Mỹ, EU, Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe khẳng định. 

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Gò Đàng. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Gò Đàng. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Với hướng tiếp cận thị trường như vậy, Tổng Giám đốc Công ty Biển Đông cho biết từ nhiều năm trước Công ty đã định hướng chọn phân khúc thị trường có chất lượng cao và giá tốt để xuất khẩu cá tra-basa. Theo đó, Công ty đã đầu tư vùng nuôi chất lượng, an toàn từ khâu con giống, thức ăn... để cả quy trình đạt được tiêu chuẩn BAP về thực hành tốt của Mỹ hoặc các tiêu chuẩn của EU. Chiến lược này ban đầu cũng gặp khó khăn bởi nhiều doanh nghiệp khác luôn lấy tiêu chí hạ giá bán để vào thị trường Mỹ. 

Tuy nhiên, sự kiên định lấy tiêu chí chất lượng để cạnh tranh này là hướng đi đúng và sản phẩm cá tra của Biển Đông đã được người tiêu dùng tại các siêu thị lớn của Mỹ chấp nhận lâu dài ngay cả khi giá bán cao hơn so với sản phẩm cá tra của các doanh nghiệp khác. 

Đây cũng là phần quan trọng nhất của “bí quyết” tám năm liên tiếp Biển Đông thoát khỏi danh sách bị áp thuế chống bán phá giá của DOC, ông Trường chia sẻ. 

Nhiều chuyên gia cũng khẳng định trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng như hiện nay thì giải pháp hữu hiệu để trụ vững trên thị trường thế giới là phải chung tay nâng cao chất lượng sản phẩm tránh tính trạng xuất khẩu bằng mọi giá để rồi bị áp thuế cao của nước ngoài. 

VASEP cho biết với những giải pháp doanh nghiệp đang triển khai, xuất khẩu cá tra của Việt Nam năm 2018 sẽ hoàn thành mục tiêu kim ngạch trên 1,8 tỉ USD cho dù xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ đang gặp khó khăn./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết