Tiếng Việt | English

26/06/2019 - 10:14

Bến Lức: Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW

Vận dụng quan điểm của Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI) trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An có nhiều nhóm giải pháp để triển khai, thực hiện trên tinh thần nghiêm túc, đổi mới, sáng tạo.

Toàn huyện có 15 tuyến đường đang trong giai đoạn tập trung hoàn thiện và nhân rộng

Toàn huyện có 15 tuyến đường đang trong giai đoạn tập trung hoàn thiện và nhân rộng

Từng bước xây dựng văn hóa 

Bí thư Huyện ủy Bến Lức - Trần Hoàng Nhân cho biết, thời gian qua, huyện tổ chức quán triệt Nghị quyết số 33-NQ/TW (NQ33), Chương trình hành động của Huyện ủy đến toàn thể cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã, thị trấn. Từ đó, từng cơ quan xây dựng kế hoạch cụ thể hóa, phù hợp với điều kiện của cơ quan mình để tổ chức thực hiện. Huyện còn linh động lồng ghép thực hiện NQ33 với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), đồng thời cụ thể hóa vào nội dung các phong trào, cuộc vận động về xây dựng văn hóa, gia đình trên địa bàn.

Thực hiện NQ33, huyện Bến Lức nghiêm túc triển khai thực hiện quy ước xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, tâm hồn, các quy tắc ứng xử trong cộng đồng. Đến nay, toàn huyện có 97,83% gia đình văn hóa và 100% ấp, khu phố văn hóa. Bên cạnh đó, văn hóa truyền thống được giữ gìn, vun đắp và phát huy, các thiết chế tín ngưỡng dân gian, tôn giáo được chính quyền và nhân dân chung tay chăm lo, xây dựng và trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng. Các hoạt động như Lễ hội Kỳ yên, cúng miếu, lễ kỷ niệm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh được tổ chức trang trọng, thu hút đông đảo người dân tham gia. 

Bến Lức nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh nên chịu tác động từ nhiều mặt cũng như nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển như nhà ở công nhân, an ninh công nhân, an ninh nông thôn. Trước tình hình này, Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, xã hội được triển khai và các ngành tích cực tham gia với nhiều mô hình, phần việc cụ thể: Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo; Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo; Nuôi con khỏe, dạy con ngoan; Gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Các mô hình này đều hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phát huy vai trò chủ thể của người dân

Long Hiệp là xã liền kề với TP.HCM, thu hút rất nhiều doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh. Xã hiện có 2 khu công nghiệp (KCN): Vĩnh Lộc và Phúc Long đang hoạt động với khoảng 60 doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất. Từ đó, trên địa bàn có 117 nhà trọ với 1.864 phòng cho hơn 3.700 công nhân thuê lưu trú, tạm trú. Trước tình hình này, Long Hiệp đẩy mạnh thực hiện NQ của Huyện ủy và kế hoạch của UBND huyện về xây dựng khu nhà trọ công nhân văn hóa. 

Chủ tịch UBND xã Long Hiệp - Huỳnh Thanh Phong cho biết, để thực hiện mô hình Khu nhà trọ công nhân văn hóa, năm 2017, chính quyền xã vận động 3 chủ cơ sở kinh doanh nhà trọ trên địa bàn ấp Chánh và Lò Gạch đăng ký thực hiện mô hình theo bộ tiêu chí của UBND huyện. Qua đó, hàng tháng, Công an xã cùng cán bộ văn hóa - xã hội tiến hành rà soát, đánh giá kết quả thực hiện theo từng thang điểm của bộ tiêu chí nhằm giúp chủ cơ sở kinh doanh nhận ra những ưu điểm, hạn chế để thực hiện tốt hơn. Một trong những tiêu chí quan trọng của bộ tiêu chí Khu nhà trọ công nhân văn hóa là phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. 

Qua rà soát và đánh giá, 3 khu nhà trọ công nhân văn hóa đăng ký ban đầu đều đạt các tiêu chí trong bộ tiêu chí. Từ thành công này, năm 2019, UBND xã Long Hiệp xây dựng kế hoạch nhân rộng trên địa bàn toàn xã. Trong buổi triển khai kế hoạch vào tháng 4-2019, có thêm 10 chủ cơ sở kinh doanh đăng ký thực hiện. Ông Huỳnh Thanh Phong chia sẻ thêm, đối với chủ cơ sở kinh doanh chưa mạnh dạn đăng ký “Khu nhà trọ công nhân văn hóa” thì chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền để họ nắm được bộ tiêu chí và hướng dẫn họ từng bước thực hiện, hoàn thiện tốt từng thang điểm. Bên cạnh đó, chính quyền xã còn vận động chủ cơ sở kinh doanh và người đến lưu trú nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Chủ tịch UBND xã Thanh Phú - Lê Văn Lộc chia sẻ, trong quá trình thực hiện NQ33 trên địa bàn xã thời gian qua, người dân đóng vai trò chủ thể, là yếu tố quyết định sự thành công trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Theo đó, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là giải pháp hàng đầu. Kế đến, tất cả mọi việc làm đều có sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công sức, vật chất và chủ động thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ của người dân. Mọi cách thực hiện đều phải phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách. Chính quyền địa phương đóng vai trò lãnh đạo, theo dõi sâu sát từng việc làm và có cách tháo gỡ khó khăn cũng như vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách. 

Với cách làm trên, thời gian qua, Thanh Phú tập trung triển khai, thực hiện hiệu quả những mô hình mới do huyện phát động như cơ sở thờ tự văn hóa, khu nhà trọ công nhân văn hóa, tuyến đường trật tự, sáng - xanh - sạch - đẹp. Những mô hình này khi triển khai vào thực tiễn góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư, tạo động lực thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. 

Ông Lê Văn Lộc chia sẻ thêm, hiện Thanh Phú xây dựng được 1 cơ sở thờ tự văn hóa, 4 khu nhà trọ công nhân đạt chuẩn và đăng ký 2 tuyến đường trật tự, sáng - xanh - sạch - đẹp. Xã tiếp tục phát động xây dựng 5 tuyến đường khác trật tự, sáng - xanh - sạch - đẹp thông qua chỉnh trang lại cổng rào, trồng hoa ven hai bên đường, lắp đặt hệ thống camera an ninh, trật tự, hệ thống đèn chiếu sáng. Ngoài ra, các tổ dân cư ở các ấp trong xã còn thường xuyên thực hiện việc nhặt rác ven các tuyến đường trong ấp, đường dọc theo tuyến cao tốc. Tuyến đường trật tự, sáng - xanh - sạch - đẹp không chỉ được thực hiện tại xã Thanh Phú mà còn thí điểm tại các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện vào năm 2017. Đến nay, toàn huyện có 15 tuyến đường đang trong giai đoạn tập trung hoàn thiện và nhân rộng. Tất cả các tuyến đường này đều do người dân trong khu vực đảm trách xây dựng, duy tu và trồng, chăm sóc hoa. 

Ông Trần Hoàng Nhân nhận định, bên cạnh những mặt tích cực, trong quá trình thực hiện NQ33, Bến Lức vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, thiếu tính bền vững. Đó là vẫn còn một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức vi phạm đạo đức công vụ, nhiều đơn vị sau khi được công nhận đạt chuẩn văn hóa có biểu hiện thỏa mãn, chưa củng cố. Thời gian tới, Bến Lức tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức và quần chúng nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác tham gia các phong trào thi đua yêu nước thông qua xây dựng đời sống văn hóa ở nơi làm việc, khu dân cư, trở thành nếp sinh hoạt, ứng xử hàng ngày./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết