Tiếng Việt | English

17/01/2024 - 20:00

Chăm sóc lúa đúng cách để phòng trừ sâu năn

Hiện nay, sâu năn xuất hiện và gây hại diện tích lúa tại một số huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An. Nông dân đang tập trung phòng ngừa và tích cực chăm sóc lúa. Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân không nên hoang mang và hạn chế phun xịt thuốc trừ sâu trên các diện tích lúa đã bị nhiễm.

Ngành Nông nghiệp tỉnh khảo sát tình hình sâu năn gây hại trên lúa tại huyện Tân Hưng

Ngành Nông nghiệp tỉnh khảo sát tình hình sâu năn gây hại trên lúa tại huyện Tân Hưng

Sâu năn gây hại nhẹ

Hiện nay, do thời tiết có sương mù, nhiệt độ thấp vào sáng sớm, ẩm độ đồng ruộng cao là điều kiện thuận lợi cho sâu năn phát sinh, phát triển. Bên cạnh đó, đa phần diện tích lúa Đông Xuân đang ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh là giai đoạn tương đối mẫn cảm với sâu năn nên sâu năn vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho các diện tích này.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích gieo sạ lúa Đông Xuân 2023-2024 trên địa bàn tỉnh là 225.059ha; bằng 100,8% kế hoạch, bằng 111,6% so cùng kỳ năm 2023; đã thu hoạch 30.450ha, năng suất ước đạt 55 tạ/ha, sản lượng 167.583 tấn. Hiện nay, trên các trà lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng và Mộc Hóa có ghi nhận sâu năn xuất hiện với diện tích nhiễm khoảng 1.836ha. Trong đó, tỷ lệ hại nhẹ từ 7-20%, diện tích khoảng 1.272ha; tỷ lệ trung bình 20-30%, diện tích khoảng 480ha; tỷ lệ hại nặng 30-50%, diện tích khoảng 84ha.

Ông Lê Thanh Tâm (xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng) than thở: “Sâu năn phát triển nhanh quá nên trở tay không kịp. Vụ này, tôi sạ 9,6ha lúa OM18 mà 9ha lúa đã bị ảnh hưởng bởi sâu năn, trong đó, khoảng 0,4ha coi như mất trắng, số còn lại nhiễm từ 30-50%. Gia đình tôi tích cực chăm sóc với hy vọng lấy lại một phần chi phí bỏ ra”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng - Nguyễn Thị Phương Lan, trên địa bàn xã hiện nay ghi nhận sâu năn gây hại trên lúa Đông Xuân 2023-2024 tại ấp Hà Hưng và Sông Trăng. Trong đó, số diện tích nhiễm dưới 30% là 180ha, từ 30-50% là 84ha, hầu hết trà lúa đều đã trên 40 ngày tuổi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Lê Thành Yên thông tin: “Huyện đã yêu cầu ngành Nông nghiệp huyện và các địa phương tập trung thống kê, nắm bắt tình hình để có giải pháp hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu năn. Đối với diện tích nhiễm dưới 50%, huyện vận động nông dân tích cực bón phân, chăm sóc lúa và phối hợp địa phương để chủ động phòng sâu năn. Theo ghi nhận, lúa bị nhiễm sâu năn là do nông dân gieo sạ sớm so với lịch thời vụ”.

Huyện Vĩnh Hưng cũng có nhiều diện tích lúa Đông Xuân 2023-2024 nhiễm sâu năn với mức độ ảnh hưởng khác nhau. Qua khảo sát, hầu hết diện tích nhiễm chỉ có mật độ từ 10-20%, không ảnh hưởng nhiều đến năng suất nếu chăm sóc đúng cách.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Đinh Châu Phong cho biết: “Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024, toàn huyện xuống giống 28.624ha. Hiện nay, khoảng 50ha lúa ở giai đoạn từ 35-40 ngày tuổi xuất hiện sâu năn với mật độ từ 10-20% và một số ít diện tích có mật độ từ 5-10%. Các giải pháp phòng trừ sâu năn được huyện tập trung triển khai. Cán bộ chuyên môn đến từng hộ để thống kê diện tích, đề xuất giải pháp hỗ trợ; đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân phòng trừ, tránh tái diễn ở những vụ lúa tiếp theo và chủ động phối hợp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu năn gây ra”.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường thông tin: “Theo ghi nhận thực tế tại chuyến khảo sát tình hình sinh vật gây hại trên lúa vào đầu tháng 01-2024, tình hình sâu năn gây hại trên lúa Đông Xuân 2023-2024 không nghiêm trọng. Hiện sâu năn ở giai đoạn phát triển và hóa nhộng, hầu hết các cá thể sâu năn đều bị ong ký sinh nên lứa sâu năn tiếp theo không có khả năng gây hại cho lúa, nông dân không cần quá lo ngại”.

Nông dân cần hạn chế phun xịt thuốc trừ sâu

Ông Trần Văn Đông (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) chia sẻ: “Vụ Đông Xuân năm nay, tôi gieo sạ 2,5ha lúa nhưng bị nhiễm sâu năn làm cho chi phí sản xuất đầu vụ tăng gần 2 lần so với các vụ trước. Tôi đang cố gắng chăm sóc để cứu lúa, hy vọng bù được một phần chi phí bỏ ra”.

Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam - Đỗ Văn Vấn cho biết: Sau khi thăm đồng tại huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, chúng tôi ghi nhận lúa Đông Xuân 2023-2024 đang ở giai đoạn từ 30-40 ngày tuổi, các loại sinh vật hại như sâu cuốn lá, đạo ôn, rầy nâu,... ở mức bình thường, không đáng ngại. Bên cạnh đó, hiện tại, sâu năn xuất hiện và gây hại với mật độ thấp, nông dân cần bình tĩnh chăm sóc lúa, không nên phun xịt thuốc trừ sâu.

“Qua nhiều năm, chúng tôi nhận thấy sâu năn chủ yếu gây hại nặng trong vụ Đông Xuân vì điều kiện thời tiết thường có mưa trái mùa, nhiệt độ thấp. Do đó, chúng tôi khuyến cáo nông dân nên tập trung gieo sạ sớm và tuyệt đối không nên phun xịt thuốc ở giai đoạn đầu vụ, khi phát hiện sâu năn thì chăm sóc lúa bình thường, bón phân, tưới nước theo đúng quy trình để giảm thiệt hại” - ông Đỗ Văn Vấn khuyến cáo./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết