Tiếng Việt | English

01/10/2019 - 20:15

Còn nhiều khó khăn trong phát triển vùng tôm Tân Chánh

Xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An giáp sông Vàm Cỏ, có điều kiện thuận lợi trong nuôi tôm nước lợ. Hiện toàn xã còn trên 100ha có thể nuôi tôm nhưng nông dân không có vốn đầu tư. Mặt khác, đường giao thông không thuận lợi cũng là rào cản cho người nuôi tôm.

Sớm đầu tư cống Bà Nghĩa để thúc đẩy việc nuôi tôm ở xã Tân Chánh

Sớm đầu tư cống Bà Nghĩa để thúc đẩy việc nuôi tôm ở xã Tân Chánh

Công chức Địa chính, Giao thông - Thủy lợi xã Tân Chánh - Nguyễn Hoàng Vũ chia sẻ: “Trên địa bàn xã còn 20 cây cầu xe tải chưa lưu thông được. Ngoài ra, còn gần 200 cây cầu nhỏ cần được đầu tư nâng cấp, sửa chữa”. Hiện, giao thông tại một số khu vực trên địa bàn xã còn chưa thuận lợi, do đó, việc vận chuyển, chuyên chở thức ăn cho tôm, thuê mướn máy múc đào đất lại càng khó,…

Ông Nguyễn Hoàng Vũ thông tin thêm: “Nhiều tuyến đường trục chính trên địa bàn xã, nhất là đoạn giáp sông Vàm Cỏ bị sạt lở rất nặng, ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa, nuôi thủy sản”. Việc nuôi tôm công nghiệp ngoài nguồn nước lợ, đường đi thuận lợi còn cần có điện để quạt sục khí. Mỗi hộ muốn hạ bình trung thế để nuôi tôm phải đầu tư trên 100 triệu đồng. Anh Hồ Văn T. - người mới đào ao nuôi tôm cho biết, ước tính, chi phí ban đầu đầu tư nuôi tôm công nghiệp trên 100 triệu đồng/1.000m2; chưa kể tiền giống, thức ăn, thuốc đặc trị.

Theo UBND xã Tân Chánh, trên địa bàn xã có 10 tổ hợp tác nuôi tôm, 1 hợp tác xã (HTX) cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, được sự hỗ trợ của UBND tỉnh và UBND huyện Cần Đước, năm 2018, địa phương mới thành lập thêm HTX Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao Hòa Quới, bước đầu hoạt động hiệu quả. HTX Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao Hòa Quới hiện có 7 xã viên, nuôi gần 2ha tôm, vụ 2018 lãi 400 triệu đồng, vụ đầu năm 2019 lãi 100 triệu đồng. Anh Vũ - thành viên HTX, chia sẻ: “Hiện nay, do ao tôm của HTX ở sâu phía trong nên chi phí vận chuyển tăng cao. Nếu được đầu tư cầu, đường để xe tải vào được ao tôm HTX thì lợi nhuận sẽ cao hơn”.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Chánh - Phạm Văn Xum cho biết: “Toàn xã có trên 600ha nuôi tôm công nghiệp, nhiều hộ rất muốn đầu tư nuôi tôm nhưng thiếu vốn. Mặt khác, đường giao thông vào vuông tôm cũng chưa thuận lợi nên nông dân lo ngại chi phí tăng cao”.

Nuôi tôm công nghiệp ở ấp Đông Trung, xã Tân Chánh

Nuôi tôm công nghiệp ở ấp Đông Trung, xã Tân Chánh

UBND xã tạo mọi điều kiện hỗ trợ nông dân vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, UBND huyện Cần Đước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường đầu tư nạo vét kênh, rạch; mở các lớp tập huấn, trình diễn mô hình, hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm ƯDCNC.

Theo số liệu từ UBND huyện Cần Đước, đến nay, diện tích hoang hóa của xã Tân Chánh khoảng 143ha, có thể cải tạo để nuôi tôm. Tuy nhiên, vị trí đất hoang hóa đa số nằm ở vùng sâu, xa, không có đường giao thông và điện trung thế nên rất khó đầu tư nuôi tôm công nghiệp.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, với mục tiêu cải thiện hạ tầng, điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho xã Tân Chánh, sở tham mưu UBND tỉnh ghi vốn chuẩn bị đầu tư các công trình thủy lợi như xây mới cống Bà Nghĩa (xã Tân Chánh) nối vùng nuôi tôm với sông Vàm Cỏ, dự kiến triển khai vào năm 2020./.

Đ.Lâm

Chia sẻ bài viết