Tiếng Việt | English

19/06/2017 - 14:25

Nhà báo Hàn Ni: Muốn “vững” với nghề, phải xây dựng “thương hiệu” cá nhân

Nhằm trao đổi nghiệp vụ báo chí, Ban Biên tập Báo Long An tổ chức cuộc gặp gỡ giữa nhà báo Hàn Ni (Báo Sài Gòn Giải Phóng) - người được biết đến với loạt bài viết về vụ án quán cà phê Xin Chào (Bình Chánh, TP.HCM) gây “bão” dư luận thời gian qua, với phóng viên, biên tập viên của tòa soạn. Tại cuộc trao đổi trên, nhiều vấn đề từ cách lấy thông tin, bảo vệ nguồn tin, hoạt động điều tra báo chí được “mổ xẻ” một cách sinh động.

Muốn có đề tài hay, phải nuôi dưỡng và khai thác nguồn tin

Trong vai trò người “truyền lửa”, nhà báo Hàn Ni đã thổi cho các phóng viên trẻ sự tự tin với nghề nghiệp. Chị chia sẻ nhiều kỹ năng trong việc tiếp cận nguồn tin, khai thác thông tin chính xác, đầy đủ, cách viết tin ngắn gọn, dễ hiểu,...

Muốn có được nguồn tin, theo nhà báo Hàn Ni: “Bạn phải là người chân thành, đáng tin trong tất cả các mối quan hệ. Khi được tin tưởng, bạn sẽ có những nguồn tin bất ngờ, “đáng giá”, mà không chỉ là từ những cuộc họp”.

Đó là lý do chị khuyên các phóng viên trẻ ngay từ bây giờ, phải ý thức tạo dựng và nuôi dưỡng các mối quan hệ. Điều đó sẽ mở ra cho chính mình nhiều cơ hội trong nghề.

Nhà báo Hàn Ni chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp Ảnh: Phong Nhã

Làm nghề báo cũng phải có kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Ngoài việc chạy theo thời sự, mỗi phóng viên phải tự mình nuôi dưỡng đề tài chuyên sâu, để có được những loạt bài tạo dấu ấn.

Nhà báo Hàn Ni chia sẻ về loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT” phản ánh các doanh nghiệp bán lẻ, trung tâm thương mại bán hàng không xuất hóa đơn, hàng hóa trôi nổi lại liên tục báo cáo lỗ, còn được hoàn thuế.

Chị cho biết, từ khi có ý tưởng đề tài, chị phải đi tìm hiểu mỗi ngày, thậm chí khai thác cả những người từng làm ở các DN và đã nghỉ để hỏi. Tuy lấy được thông tin nhưng quan trọng là phải kiểm chứng xem thông tin chính xác hay không, muốn vậy phải có số liệu từ cơ quan chức năng.

Càng khó khăn hơn, khi các cơ quan chức năng không cung cấp thông tin để đối chiếu. Nếu thông tin đăng báo không chính xác thì chính nhà báo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Do vậy, nhờ sự “đáng tin” mà cả quá trình xây dựng, cuối cùng, chị xác minh được các con số trước khi loạt bài được khởi đăng.

Ngoài ra, chị cũng nhấn mạnh, để tìm được đề tài hay, nhà báo cần có tư duy logic, óc quan sát, phản biện, kết hợp giữa phân tích, phán đoán,... Không chỉ “nhìn” mà phải phối hợp đồng bộ các giác quan và các phương pháp nhận thức khác thì mới phát hiện được đề tài hay.

Để làm được điều đó, mỗi phóng viên cần trang bị cho mình nhiều kiến thức, siêng đọc, cập nhật thông tin mới nhằm nâng cao trình độ cho bản thân. Khi có kiến thức sẵn thì tiếp nhận thông tin, nhà báo mới đối chiếu kịp thời.

Nắm luật, giúp người, bảo vệ mình

Trách nhiệm với từng câu chữ, từng nội dung bài viết - đó là nhiệm vụ của người cầm bút. Còn với người viết điều tra, phải chịu nhiều áp lực, nhưng cái hay của nghề là góp phần mang lại công bằng, làm sáng tỏ những vụ việc sai trái.

Vì thế, việc học luật với người viết điều tra là điều cần thiết, học không có nghĩa là tới trường mà thường xuyên đọc, nghe, trao đổi với giới chuyên môn và cập nhật thường xuyên kiến thức pháp luật.

Qua đây, nhà báo Hàn Ni cũng nhắc lại một số điều luật cơ bản cần thiết cho các anh chị em phóng viên trong quá trình hoạt động nghiệp vụ. Nhà báo phải biết bảo vệ nguồn tin, hiểu rõ pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ phóng viên thì mới hoạt động đúng chức năng, nghiệp vụ của mình.

Kể về những áp lực khi thực hiện bài về quán cà phê Xin Chào, nhà báo Hàn Ni cho biết: “Để viết một bài báo với khoảng 1.900 chữ, tôi phải nghiên cứu bộ hồ sơ với 300 trang giấy đủ bút lục. Khi nắm rõ sự việc, chỗ nào còn thắc mắc liên quan đến các chuyên ngành thì tôi gọi điện thoại cho những người bạn học luật làm ở các cơ quan chuyên ngành để hỏi. Sau khi nghiên cứu kỹ tài liệu, tôi bắt tay vào viết. Rồi khi báo đăng, cộng đồng mạng xôn xao, các báo khác vào cuộc, quyền lợi của một số người bị đụng chạm cũng khiến tôi rất áp lực. Tuy nhiên, đã biết, đã nghe, đã thấy người dân bị oan mà không làm thì sẽ rất day dứt”.

Đó là minh chứng cho hoạt động nghiệp vụ báo chí. Cả quá trình học tập, trau dồi kiến thức trên nhiều lĩnh vực, khi tiếp cận hồ sơ án thì nhà báo điều tra mới có thể nhận định được cái nào đúng, cái nào sai, dựa trên quy định pháp luật nào. Có như vậy, nhà báo mới mang lại công bằng, bảo vệ người bị oan sai và thậm chí là bảo vệ bản thân mình trước pháp luật.

Kết thúc cuộc trao đổi, nhà báo Hàn Ni nhắc các phóng viên trẻ hãy luôn học tập, trang bị cho mình nền tảng kiến thức vững chắc để làm nghề. Thành công lớn nhất của nghề báo là bài viết phải có tác động xã hội, bảo vệ lẽ phải. Và khi thành công, niềm tin bạn đọc gởi mình càng lớn, thì trách nhiệm mình càng cao, càng phải cố gắng làm sao để đáp lại niềm tin đó./.

Thùy Dương

Chia sẻ bài viết