Tiếng Việt | English

27/06/2017 - 19:36

Tìm đầu ra cho nông sản - Bài 2: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - Giải pháp đột phá

Xây dựng mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) nhằm phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh.


Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa tại Tân Hưng

Nâng cao giá trị

Lúa là cây trồng chủ lực tại các huyện Đồng Tháp Mười nên các địa phương và người dân tại đây luôn chú trọng sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị thương hiệu, tạo lợi thế khi đưa ra thị trường. Để lúa đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường, các địa phương vận động người dân ƯDCNC vào sản xuất. Huyện Tân Hưng xây dựng kế hoạch đến năm 2020, có 4.500ha lúa ƯDCNC. Huyện tổ chức họp dân (những hộ nằm trong dự án và thành viên hợp tác xã (HTX)) phối hợp ngành trình diễn các mô hình để người dân thấy được hiệu quả từ ƯDCNC, an tâm, tin tưởng.

Anh Nguyễn Văn Ngưu - xã viên HTX Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng), cho biết: “Từ khi tham gia HTX, không chỉ lợi nhuận tăng mà nông dân còn được hỗ trợ về kỹ thuật, chi phí giống, thu hoạch. Sản xuất lúa theo hướng ƯDCNC, chi phí ban đầu tuy cao hơn sản xuất theo truyền thống nhưng vụ Đông Xuân năm 2016-2017, lợi nhuận tăng nhiều so với trước đây. Vụ Hè Thu, gia đình tôi có 12ha tham gia HTX”.

HTX Gò Gòn thành lập từ năm 2005, lúc đầu, các thành viên mạnh ai nấy làm, hiệu quả không cao. Năm 2013, HTX bắt tay thực hiện mô hình cánh đồng lớn theo liên kết “4 nhà”, sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu cho sản phẩm.

Giám đốc HTX - Trương Hữu Trí cho biết, hiện tổng diện tích lúa của HTX hơn 1.000ha (bao gồm diện tích liên kết ngoài HTX). Sản phẩm của HTX được sản xuất theo hướng nâng cao giá trị nông sản, theo quy trình VietGAP. Điều quan trọng, các xã viên giữ chữ tín trong sản xuất nên phát huy liên kết “4 nhà”. Vụ Đông Xuân 2016-2017, HTX được chọn làm điểm trình diễn mô hình ƯDCNC với 50ha. Từ việc làm đất san bằng tia laser, áp dụng quy trình “1 phải - 6 giảm” vào sản xuất, tiết kiệm chi phí, phân bón, giống và sự hỗ trợ tích cực từ các lãnh đạo, doanh nghiệp, mô hình trình diễn được đánh giá đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, nông dân tham gia mô hình thay đổi thói quen, hướng tới sản xuất chuyên nghiệp, khoa học hơn, có sổ ghi chép đầy đủ hàng ngày để theo dõi quá trình sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Hoàng Văn Sinh đánh giá, lợi nhuận của những hộ dân tham gia mô hình từ HTX Gò Gòn, thực hiện cánh đồng lớn cao hơn so với các hộ bên ngoài. Huyện tiếp tục nhân rộng mô hình gắn với liên kết “4 nhà” vào sản xuất nhằm tăng lợi nhuận cho người dân, tạo thương hiệu lúa của địa phương.


Cơ giới hóa trên đồng ruộng Tân Hưng. Ảnh Lê Đức

Thâm nhập thị trường tiềm năng

Châu Thành là huyện có diện tích thanh long phát triển nhanh. Thời gian qua, giá thanh long biến động, không ổn định, thị trường phụ thuộc vào Trung Quốc nên không chủ động được đầu ra. Nhận thấy thực tế trên, lãnh đạo địa phương tuyên truyền, vận động người dân trồng thanh long theo hướng an toàn, đạt tiêu chuẩn GAP nhằm nâng giá trị thương hiệu sản phẩm, hướng đến thị trường tiềm năng.

Theo kế hoạch đến năm 2020, huyện Châu Thành có 2.000ha thanh long ƯDCNC (sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sử dụng xông đèn bằng đèn compact, tưới nước tiết kiệm, kết nối sản xuất theo chuỗi,...) mở ra hướng đi bền vững cho thanh long. Huyện phối hợp các ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cho các xã viên HTX và người dân trên địa bàn.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Thanh long Long Trì - Nguyễn Văn Vĩnh chia sẻ: “Chúng tôi nhận thức rõ việc sản xuất ƯDCNC có ý nghĩa khá quan trọng. HTX được hỗ trợ sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, máy xác định lượng nước, lượng phân phù hợp để tạo ra trái thanh long sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, tăng sức cạnh tranh, có cơ hội thâm nhập vào thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản,... ƯDCNC góp phần vào kết quả thẩm định đạt chứng nhận VietGAP (hơn 60ha thanh long của HTX đạt tiêu chuẩn VietGAP), kết nối tiêu thụ tại các tỉnh miền Bắc (ký 34 hợp đồng mua bán với các cửa hàng phân phối, tiện ích)”.


Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thanh long. Ảnh: Dương Hoàng Hạnh

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Võ Thanh Hồng đánh giá, để hoàn thành mục tiêu thanh long ƯDCNC, vai trò của HTX, tổ hợp tác rất quan trọng. Đây là đầu mối cho các hoạt động sản xuất theo chuỗi giá trị. Huyện chú trọng công tác quy hoạch đồng ruộng, khuyến khích các hộ dân hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để thanh long đạt tiêu chuẩn GAP, nâng sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, huyện thường xuyên phối hợp các ngành liên quan xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. Đến nay, huyện có hơn 5.000 hộ dân với diện tích 2.000ha sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2017, huyện phấn đấu thực hiện thành công 685ha thanh long ƯDCNC với trên 1.800 hộ tham gia.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh nhận định, ngoài các mô hình ƯDCNC nêu trên, tại tỉnh còn một số mô hình ở các địa phương khác: Huyện Cần Giuộc, Cần Đước,... ƯDCNC vào sản xuất là giải pháp ưu việt, tạo hướng đi mới trước tình hình nông nghiệp có nhiều biến động như hiện nay. Các sản phẩm nông nghiệp ƯDCNC được sản xuất theo hướng sạch, an toàn, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, tăng sức cạnh tranh, giúp nông dân yên tâm sản xuất, tránh các rủi ro. Hướng tới, sở triển khai hỗ trợ kinh phí đầu tư, chính sách thực hiện với những hộ dân trong vùng dự án./.

Thanh Nga-Thanh Mỹ
(còn tiếp)

Bài 3: Những "điểm nghẽn" trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Chia sẻ bài viết