Tiếng Việt | English

07/06/2019 - 08:50

Triển khai thực hiện dự án hạ tầng công nghiệp, khu dân cư: Còn nhiều hạn chế

Qua giám sát của HĐND tỉnh Long An và tình hình thực tế cho thấy, việc triển khai một số dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp (K,CCN) và khu dân cư (KDC) thương mại với diện tích lớn trong thời gian qua còn nhiều bất cập, thiếu sót. Đó là thông tin mà Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Cang thẳng thắn nêu tại cuộc giám sát UBND tỉnh về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng công nghiệp và dân cư trên địa bàn tỉnh.

Giải trình nhiều nội dung, dự án cụ thể

Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 31 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với tổng diện tích 11.391,07ha. Hiện có 42 chủ đầu tư hạ tầng, có 24 KCN đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với diện tích hơn 8.183,65ha. Trong 24 KCN đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, có 16 KCN hoạt động, tổng diện tích quy hoạch 3.862,89ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có khả năng cho thuê là 2.230,728ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 82,55%.

Theo Quy hoạch CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt, có 62 CCN với tổng diện tích 3.106,5ha. Trong đó, có 54 CCN với diện tích 2.743,2ha được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Hiện có 22 CCN, diện tích 1.095,5ha đã đi vào hoạt động, tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp.

Thời gian gần đây, HĐND tỉnh giám sát một số dự án công nghiệp, dân cư trên địa bàn tỉnh

Cũng theo UBND tỉnh, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 176 dự án KDC, diện tích 6.655ha đã có chủ trương đầu tư. Trong đó, có 19 dự án, diện tích 253ha đã hoàn thành hạ tầng, đi vào hoạt động; 50 dự án, diện tích 3.355ha đã gia hạn nhưng tiếp tục trễ tiến độ; 39 dự án, diện tích 1.386ha trễ tiến độ nhưng chưa gia hạn; 68 dự án triển khai đúng tiến độ. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 65 dự án khu tái định cư, diện tích 1.575ha đã có chủ trương đầu tư. Trong đó, có 25 dự án, diện tích 509ha đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành; 32 dự án, diện tích 940ha trễ tiến độ; 8 dự án, diện tích 126ha triển khai đúng tiến độ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần, trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tính từ 2017 đến nay, toàn tỉnh triển khai được 98 dự án với tổng diện tích đất đã thu hồi 348,834ha, tổng số tiền chi trả bồi thường, hỗ trợ là 1.771,8 tỉ đồng. Năm 2019, UBND tỉnh xác định công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án là nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo thực hiện quyết liệt. 

Ngoài những vấn đề trên, UBND tỉnh cũng báo cáo với Đoàn giám sát HĐND tỉnh nhiều nội dung liên quan đến việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các dự án hạ tầng K,CCN và dự án dân cư, việc thực hiện quy hoạch xây dựng của dự án; việc thực hiện tái định cư, giao nền, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; theo dõi, chỉ đạo đôn đốc các vấn đề liên quan đến xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật dự án; đánh giá công tác bảo vệ môi trường tại dự án; chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, rà soát, thu hồi, gia hạn, xử phạt các dự án; đánh giá việc các sở, ngành chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương thể hiện vai trò, trách nhiệm thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh; đánh giá về khó khăn, hạn chế và nguyên nhân trong thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các dự án K,CCN và dự án dân cư.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh và một số lãnh đạo sở, ngành còn giải trình bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung, quan điểm xử lý của tỉnh liên quan đến một số nội dung, dự án khác mà đoàn giám sát đề nghị như dự án CCN Vissan, huyện Bến Lức; dự án KCN Việt Phát, huyện Thủ Thừa; dự án KCN Nam Tân Tập, huyện Cần Giuộc; dự án Khu đô thị mới Vàm Cỏ Đông, huyện Bến Lức; dự án KCN Cầu cảng Phước Đông, huyện Cần Đước; dự án KDC, thương mại, dịch vụ, huyện Cần Giuộc; dự án Khu đô thị mới Đông Nam Á; dự án CCN Phát Hải, huyện Cần Giuộc; dự án CCN Tiểu thủ công - Vật liệu xây dựng Lộc Giang, huyện Đức Hòa; CCN Nhựa Đức Hòa, huyện Đức Hòa;...

Chỉ ra nhiều hạn chế

Trước khi giám sát UBND tỉnh, HĐND tỉnh giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật trong thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng công nghiệp và dân cư tại một số địa phương: Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa, Thủ Thừa. Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Thanh Cang, bên cạnh những kết quả đã đạt, qua giám sát và tình hình thực tế cho thấy, việc triển khai một số dự án hạ tầng K,CCN và KDC, tái định cư thương mại với diện tích lớn trong thời gian qua còn nhiều bất cập, thiếu sót.

HĐND tỉnh khảo sát thực tế một dự án tại huyện Bến Lức

Cụ thể, một số dự án kéo dài thời gian triển khai so với quy định trong giấy chứng nhận đầu tư. Có dự án thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, được cơ quan chức năng giao đất nhưng lại không triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, gây lãng phí tài nguyên đất và thất thu thuế. Hiện còn nhiều dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa hoàn chỉnh, “da beo”, kéo dài. Một số chủ đầu tư dự án có năng lực tài chính yếu, dẫn đến chậm triển khai thực hiện, từ đó xuất hiện tình trạng chuyển nhượng dự án, thay đổi tỷ lệ góp vốn, thay đổi thành viên hội đồng quản trị nhưng dự án vẫn giữ pháp nhân cũ. 

Ông Nguyễn Thanh Cang còn chỉ ra những hạn chế khác như một số dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm nhưng kéo dài, chậm triển khai, ảnh hưởng trực tiếp, làm hạn chế quyền sử dụng đất của người dân, gây bức xúc. Công tác bảo vệ môi trường ở các K,CCN có mặt chưa bảo đảm. Quá trình thực hiện dự án còn phát sinh một số bất cập như người dân sống ở địa phương khác có đất bị thu hồi thì được hỗ trợ nền tái định cư khi thu hồi đất; còn người dân sống ở địa phương đó, có đất bị thu hồi và có đất ở nơi khác thì khi thu hồi đất không được hỗ trợ nền tái định cư;...

Một số nguyên nhân chủ yếu của các tồn tại, hạn chế, bất cập này cũng được Đoàn giám sát HĐND tỉnh nêu tại cuộc giám sát UBND tỉnh. Theo ông Nguyễn Thanh Cang, nguyên nhân khách quan là chính sách về đất đai, bồi thường thay đổi. Long An giáp với TP.HCM nên giá bồi thường đất bị ảnh hưởng, năng lực của chủ đầu tư yếu; nảy sinh nhiều dự án dân cư nhỏ, lẻ dưới 10ha, tác động lớn đến giá đền bù các dự án khác,... Nguyên nhân chủ quan là công tác kê biên, kiểm đếm kéo dài, có lúc thiếu chính xác; chưa mạnh dạn xử lý các trường hợp cố tình cản trở, đòi hỏi giá đền bù quá đáng; chưa thường xuyên theo dõi, rà soát và kiên quyết xử lý các dự án kéo dài đã đủ điều kiện xử lý;...

Một dự án dân cư tại địa bàn huyện Bến Lức

 “Thời gian qua, UBND tỉnh rất kiên quyết trong chỉ đạo, điều hành về phát triển công nghiệp nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. UBND tỉnh cũng nhìn nhận trách nhiệm trong xử lý những tồn tại, hạn chế. Trong đó, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các sở, ngành. Tỉnh ghi nhận những tồn tại, hạn chế mà đoàn giám sát chỉ ra để có giải pháp xử lý. Mong rằng, HĐND tăng cường giám sát nhằm phát hiện những hạn chế, tồn tại, chậm trễ, qua đó góp ý kịp thời để UBND tỉnh xem xét, có giải pháp chấn chỉnh” - Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần nói. 

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần, đối với các dự án chậm triển khai vì chủ quan của nhà đầu tư thì kiên quyết thu hồi. Đối với các dự án đã giao, cho thuê đất mà chậm triển khai thì thu hồi dự án gắn với thu hồi đất theo Điều 64, Luật Đất đai. Đối với những dự án vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc do việc thực hiện thủ tục của cơ quan Nhà nước thì cho gia hạn, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bồi thường. 

Đối với các dự án mới có chủ trương thì tập trung theo dõi tiến độ, tiến hành thủ tục về đất đai; nếu khi có dự kiến phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư mà nhà đầu tư không có khả năng chuyển ứng trước tiền bồi thường thì kiên quyết xử lý; UBND cấp huyện phải thông báo kịp thời nội dung này cho các sở, ngành, UBND tỉnh. Song song đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng; chủ động rà soát, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ đã được phê duyệt; giải quyết nhanh chóng, kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích