Tiếng Việt | English

19/10/2021 - 09:23

Tuân thủ lịch thời vụ, xuống giống vụ Đông Xuân 2021 - 2022

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Long An, tình trạng xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2021-2022 có khả năng đến sớm và tương đương mùa khô năm 2020 - 2021. Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân tập trung xuống giống vụ Đông Xuân (ĐX) 2021 - 2022 theo lịch thời vụ để tránh thiệt hại.

Nông dân làm đất chuẩn bị gieo sạ vụ lúa Đông Xuân 2021-2022

Nông dân làm đất chuẩn bị gieo sạ vụ lúa Đông Xuân 2021-2022

Vụ ĐX là vụ sản xuất chính trong năm và đóng vai trò quan trọng đối với việc thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp cả năm. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 38.000ha lúa ĐX sớm, trong đó, các huyện phía Nam gieo sạ trên 11.100ha, tập trung ở huyện Cần Đước, Cần Giuộc và Bến Lức.

Riêng vùng Đồng Tháp Mười có trên 26.900ha, chủ yếu ở các huyện: Tân Thạnh, Tân Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường. Theo dự báo của ngành chức năng, năm nay, lũ thấp nên đồng ruộng ít được phù sa bồi đắp. Bên cạnh đó, cỏ dại, lúa chét phát triển tạo điều kiện lưu tồn sâu, bệnh sang vụ ĐX 2021 - 2022. Ngoài ra, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, mưa giông trái mùa cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến sản xuất.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương, đến nay, nông dân trên địa bàn huyện đã hoàn thành việc gieo sạ lúa ĐX và lúa mùa năm 2021 theo lịch thời vụ do ngành Nông nghiệp khuyến cáo.

Hiện lúa trong giai đoạn đẻ nhánh, nông dân đang tập trung tỉa giặm, chăm sóc để bảo đảm lịch thời vụ. “Giống lúa nông dân sử dụng chủ yếu là Nàng thơm và Tài nguyên. Ngoài ra, ở một số xã như Long Hựu Đông, Long Hựu Tây,... nông dân tập trung sản xuất các giống lúa trung vụ để bảo đảm thời gian sinh trưởng, tránh thiệt thại do hạn, mặn cuối vụ. Để sản xuất đạt hiệu quả cao, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp các địa phương khuyến cáo nông dân nên bón phân cân đối, tránh để lúa bị đổ ngã, thường xuyên thăm đồng, phòng trừ sâu hại, đặc biệt là rầy nâu và sâu cuốn lá” - ông Chương cho biết thêm.

Ông Lê Ngọc Hùng (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) cho biết: “Vụ ĐX năm nay, tôi xuống giống 1,2ha lúa OM 5451. Ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã được ngành Nông nghiệp huyện thông tin về kế hoạch mùa vụ và hướng dẫn gieo sạ theo lịch khuyến cáo. Việc này giúp nông dân tránh được thiệt hại nếu xâm nhập mặn đếm sớm, gây thiếu nước ở cuối vụ”.

Tại huyện Tân Thạnh, vụ ĐX 2021 - 2022, nông dân chủ yếu gieo sạ giống lúa OM18 và IR4625. Hiện nay, nông dân đang tích cực chăm sóc, phun, xịt thuốc phòng trừ sâu, bệnh cho lúa; đồng thời, vệ sinh đồng ruộng để xuống giống đợt 2 đúng khung lịch thời vụ khuyến cáo. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Tân Thạnh, đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện đã xuống giống vụ lúa ĐX 2021 - 2022, đợt 1 được gần 20.000ha, trong đó, có gần 2.000ha ở giai đoạn đẻ nhánh, trên 18.000ha ở giai đoạn mạ. Tất cả diện tích lúa đều ở trong vùng đê bao an toàn, có trạm bơm điện, tập trung chủ yếu ở các xã: Tân Ninh, Nhơn Ninh, Hậu Thạnh Đông, Hậu Thạnh Tây.

Để bảo đảm cho nông dân xuống giống hiệu quả, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Thạnh - Trần Văn Bưởi cho biết, trong vụ lúa ĐX, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ, tập trung vệ sinh đồng ruộng nhằm loại bỏ độc trong đất, hạn chế ngộ độc hữu cơ. Đồng thời, ngành Nông nghiệp huyện cũng tập trung rà soát, gia cố những tuyến đê bao xung yếu để chủ động quản lý nguồn nước.

Tương tự như năm trước, năm nay, lịch gieo sạ lúa ĐX 2021-2022 của ngành Nông nghiệp tỉnh cũng được đẩy lên sớm hơn 1 tháng nhằm tránh tác động bất lợi của hạn, xâm nhập mặn. Theo đó, lịch gieo sạ đợt 1 từ ngày 15 đến 23/10 áp dụng cho các vùng cao, vùng gò biên giới của các huyện vùng Đồng Tháp Mười và các huyện phía Nam có khả năng bị hạn, mặn như Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ.

Đợt 2 từ ngày 13 đến 28/11 áp dụng cho các huyện vùng đất trung bình, vùng có đê bao, các xã chủ động nguồn nước ở các huyện phía Nam. Đợt 3 sẽ gieo sạ từ ngày 13 đến 25/12 áp dụng đối với các huyện vùng trũng thuộc vùng Đồng Tháp Mười, đê bao chưa khép kín. Về cơ cấu giống, khuyến cáo nông dân sử dụng một số giống lúa như ST 24, ST 25, RVT, Đài thơm 8, OM 5451, OM 6976, OM 4900, IR 50404,...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện thông tin: “Trên cơ sở lịch gieo sạ đã khuyến cáo, Sở yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tùy theo điều kiện địa phương để xây dựng lịch thời vụ gieo sạ cụ thể, xoay quanh khung thời vụ chung của tỉnh, hạn chế đến mức thấp nhất những diện tích lúa gieo sạ ngoài lịch.

Đối với các huyện phía Bắc, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo sạ dứt điểm vụ lúa ĐX 2021 - 2022 trong tháng 12/2021. Đối với các huyện phía Nam, cần chú ý theo dõi những khu vực dễ bị ảnh hưởng của triều cường, xâm nhập mặn, nên chuyển sang các cây trồng ngắn ngày, cây trồng sử dụng ít nước tưới và áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước tưới cho cây trồng.

Đặc biệt, các khu vực bị ảnh hưởng xâm nhập mặn cần chủ động nạo vét ao, kênh, mương nội đồng, sử dụng biện pháp tích trữ nước cho cây ăn trái, tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân gieo sạ dứt điểm vụ lúa ĐX 2021 - 2022 trong tháng 11 và không xuống giống trong tháng 12”./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết