Tiếng Việt | English

18/02/2016 - 14:37

Văn hóa lễ hội

Tình hình lễ hội ở Long An diễn ra lành mạnh, hạn chế đến mức thấp nhất những biểu hiện mê tín dị đoan và hủ tục khác. Năm 2015, Long An là 1 trong 8 tỉnh trong cả nước được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tặng bằng khen về công tác quản lý lễ hội là một tín hiệu mừng.

Lễ hội Làm Chay ở Châu Thành (Ảnh: Thùy Hương)

Là vùng đất được khai phá sớm và có mối quan hệ giao lưu nhiều mặt với toàn khu vực, Long An là nơi có nhiều lễ hội gắn với tín ngưỡng dân gian được gìn giữ và lưu truyền, thể hiện những giá trị lịch sử - văn hóa của cộng đồng cư dân nơi đây như: Ước vọng hài hòa tự nhiên, ước vọng phồn sinh, ước vọng thịnh vượng, tính cộng đồng và tính lịch sử.

Nhiều lễ hội thể hiện được những giá trị tiêu biểu, được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như Lễ hội Làm Chay (Châu Thành), Đại lễ Kỳ Yên đình Tân Phước Tây (Tân Trụ), Lễ hội vía bà Ngũ Hành Long Thượng (Cần Giuộc); một số lễ hội như Lễ hội Chùa Nổi (Vĩnh Hưng), Lễ Kỳ Yên đình Vĩnh Phong (Thủ Thừa),… trở thành một phần hình ảnh của địa phương.

Tình hình lễ hội ở Long An diễn ra lành mạnh, hạn chế đến mức thấp nhất những biểu hiện mê tín dị đoan và hủ tục khác. Trong bối cảnh lễ hội ở một số nơi trong cả nước có những biểu hiện lệch lạc, không phù hợp với đời sống đương đại, thậm chí kém văn minh, phản cảm,… mà báo chí phản ánh, việc năm 2015, Long An là 1 trong 8 tỉnh trong cả nước được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tặng bằng khen về công tác quản lý lễ hội là một tín hiệu mừng.

Dù vậy, đây đó vẫn còn những vấn đề đáng quan tâm như tình trạng đốt vàng mã mất kiểm soát, cờ bạc, càn quấy hay nói tục, ăn mặc gây phản cảm, khoe mẽ, chiếm dụng không gian, an toàn vệ sinh thực phẩm… Hay nhìn cảnh tượng người chen chúc, dâng cúng những lễ vật đắt tiền cứ như thể tin rằng, đấng linh thiêng sẽ mang đến tài lộc cho bản thân mình (chứ chưa hẳn là những người xung quanh) mà có cảm nhận họ đi lễ nhằm cầu tài cho bản thân, tìm sự hỗ trợ của thần thánh trong những toan tính vụ lợi… chứ chưa hẳn để tìm về cội nguồn, tôn vinh tiền nhân, đề đạt nguyện vọng, tâm linh hướng đến “quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh”.

Điều đó cho thấy, do tính chất văn hóa - tâm linh nên bên cạnh tạo ra môi trường pháp lý với những giải pháp quản lý chặt chẽ, khoa học, việc tuyên truyền, giáo dục cộng đồng hướng đến giá trị đích thực của lễ hội để mỗi cá nhân ứng xử đúng đắn, điều chỉnh hành vi của mình sao cho hài hòa, phù hợp với đời sống văn hóa đương đại, là giải pháp hàng đầu để xây dựng văn hóa lễ hội./.

Nguyễn Tấn Quốc

Chia sẻ bài viết