Tiếng Việt | English

07/03/2019 - 14:01

Giải pháp nâng cao giá trị hạt lúa

Hiện nay, lúa Đông Xuân 2018-2019 đang kỳ thu hoạch rộ nhưng giá lúa giảm khiến nông dân thất thu. Trước tình hình trên, có nhiều giải pháp được đưa ra. Trong đó, sản xuất lúa an toàn có nhiều ưu điểm bởi chi phí sản xuất giảm, tăng lợi nhuận; đồng thời, chất lượng sản phẩm được cải thiện, tạo sự an tâm cho người sử dụng.

Cánh đồng sản xuất an toàn

Vụ Đông Xuân 2018-2019, ông Huỳnh Văn Sang, ngụ ấp 3, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An sản xuất 2ha lúa theo hướng an toàn.

Ông Sang cho biết: “Ruộng lúa tôi chuẩn bị thu hoạch. Khi được hướng dẫn áp dụng quy trình sản xuất ngay từ đầu vụ, chi phí đầu tư giảm được 1,8 triệu đồng/ha so với canh tác lúa truyền thống trước đây. Ngoài việc giảm chi phí canh tác, điều làm nông dân mừng hơn nữa là sản xuất an toàn giúp bảo vệ sức khỏe người trồng lúa, môi trường và an toàn cho người sử dụng”.

Còn ông Huỳnh Văn Mạng, ngụ cùng địa phương, phấn khởi: “Tham gia sản xuất lúa an toàn, nông dân được hướng dẫn ghi chép nhật ký đồng ruộng; ghi nhận tình hình sâu, bệnh và cách phòng trị khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả cuối vụ, lúa có màu vàng tươi, hạt sáng. Với giá lúa hiện tại, khi áp dụng quy trình sản xuất an toàn mang lại lợi nhuận cao hơn sản xuất truyền thống khoảng 2,5 triệu đồng/ha”. 

Nông dân tham quan cánh đồng sản xuất lúa an toàn tại xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạnh Hóa - Võ Thu Mộng chia sẻ: “Vụ Đông Xuân 2018-2019, cánh đồng canh tác lúa an toàn được triển khai tại 6 xã và thị trấn của huyện với diện tích canh tác khoảng 1.000ha, trên 560 hộ tham gia. Chúng tôi mong muốn qua chương trình này sẽ gắn kết có hiệu quả giữa nông dân với các nhà khoa học, doanh nghiệp. Qua đây, tạo điều kiện cho nông dân được học tập, trao đổi thông tin lẫn nhau và cùng nhau sản xuất lúa an toàn để tiêu thụ bền vững hơn”.

Bà Võ Thu Mộng cho biết thêm, cuối vụ, trung tâm cùng doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp cho quy trình sản xuất lúa an toàn tiến hành lấy mẫu ngẫu nhiên trên các cánh đồng. Qua kiểm tra, tất cả các mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đều đạt trên mức an toàn. 

Giải pháp nâng cao giá trị hạt lúa

Kết quả cuối vụ về mức an toàn thực phẩm trên lúa làm cho ông Huỳnh Văn Mạng cũng như hầu hết nông dân tham gia cánh đồng sản xuất an toàn phấn khởi. Tuy nhiên, điều mà nông dân còn e ngại là năng suất sản xuất lúa an toàn giảm. Theo bà Võ Thu Mộng, đây là một trong những hạn chế lớn bởi nông dân còn tâm lý về năng suất hơn chất lượng. Thực tế hiện nay, đa số nông dân vì chạy theo năng suất nên sản lượng nhiều nhưng chưa đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp đưa ra. 

Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Nguyễn Văn Chẳn cho biết: “Hiện toàn xã có khoảng 2.000ha lúa, trong đó có 300ha sản xuất lúa theo hướng an toàn. Đến năm 2020, toàn xã sẽ có 400ha sản xuất lúa theo hướng an toàn. Điều nông dân băn khoăn hiện nay là doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm lúa an toàn nhưng giá không chênh lệch nhiều so với lúa sản xuất thông thường. Mong muốn lớn nhất của nông dân là doanh nghiệp bao tiêu hết diện tích sản xuất lúa an toàn và giá chênh lệch nhiều hơn hiện tại để an tâm sản xuất, tránh chạy theo sản lượng”.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Đông Xuân 2018-2019, sản lượng lúa rất cao, khoảng 1.420.000 tấn trên diện tích gieo sạ 230.806ha. Tuy sản lượng đạt cao nhưng trái với sự kỳ vọng của nông dân, giá lúa bán ra tại ruộng không cao, nông dân thu lãi không nhiều. 

Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức cho rằng, giải pháp để tránh tình trạng lúa rớt giá, giảm thu nhập của nông dân như hiện nay là duy trì lúa 2 vụ chất lượng cao và chủ động thủy lợi để ứng dụng cơ giới hóa và kỹ thuật cao. Ngoài ra, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp cùng nông dân phát triển sản xuất các loại lúa gạo an toàn, gạo hữu cơ cho các thị trường đặc biệt. 

Riêng về giải pháp kỹ thuật, tỉnh đang đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố kịp thời danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trên cây trồng phù hợp với quy định của các nước nhập khẩu hàng nông sản chủ yếu của Việt Nam. Từ đó, tỉnh có thể khuyến khích doanh nghiệp, nông dân cùng nhau liên kết sản xuất tạo ra các sản phẩm không chỉ đạt tiêu chuẩn trong nước mà còn đáp ứng quy định của nước ngoài nhằm tạo thị trường đầu ra ổn định./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết