Tiếng Việt | English

08/03/2018 - 19:57

Hồn thơ Ngọc Bích trong tình ca Bắc Sơn

Lần đầu chúng tôi biết đến “Tháng mấy em về” qua giọng hát ca sĩ Hương Lan. Với âm điệu nhẹ nhàng, lời ca da diết nhớ thương, “Tháng mấy em về” như một lời tâm sự, thủ thỉ, như tiếng lòng người ở lại ngóng trông! “Tháng mấy em về” là một trong những sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Bắc Sơn. Và đây cũng là “đứa con chung” đầu tiên của cố nhạc sĩ tài hoa và người vợ hiền của mình - cố nhà thơ Ngọc Bích.

Sự đồng điệu, đồng cảm giữa đôi vợ chồng nhạc sĩ - nhà thơ

Ca sĩ Hạ Châu - con gái nhạc sĩ Bắc Sơn và nhà thơ Ngọc Bích, kể: Tháng mấy em về là bài hát đầu tiên nhạc sĩ phổ nhạc cho thơ của vợ mình. Khi đó, cả hai đều còn rất trẻ, bối cảnh đề cập trong bài hát là cảnh thật quê nhà của nhạc sĩ Bắc Sơn nên bài hát ấy có thể xem là đỉnh cao sự đồng điệu tâm hồn của vợ chồng nhạc sĩ Bắc Sơn - nhà thơ Ngọc Bích. Bài thơ được nữ thi sĩ viết tặng một người học trò của chồng lúc đó đi định cư ở nước ngoài. Những lời thơ da diết thấp thoáng bóng dáng quê nhà như được chắp thêm đôi cánh khi trở thành lời ca ngọt ngào:

Bích Thủy - người con thứ 9 trong vòng tay của mẹ - nhà thơ Ngọc Bích

Bích Thủy - người con thứ 9 trong vòng tay của mẹ - nhà thơ Ngọc Bích

“Bây giờ em đi xa, nhớ thương xin để lại nhà 
Gửi cho đọt mướp, luống cà và bụi bông... 
Bây giờ anh ở lại, để chiều chiều... ra đứng cửa sau 
Ngó mong đường đắp nhớ nhau ít nhiều...”.

Là vợ chồng nên nhà thơ Ngọc Bích và nhạc sĩ Bắc Sơn có sự đồng cảm trong cuộc sống. Vì đã “hòa làm một” nên người vợ hiền mới có thể trân trọng và yêu quý học trò của chồng như chính người thân của mình. Để đến lúc chia xa, những lời thơ dành tặng thay tiếng giãi bày, cũng là nói hộ những tình cảm mà gia đình nhạc sĩ dành cho người học trò yêu quý. Có lẽ chính vì thế nên ngay khi đọc được những vần thơ của vợ, nhạc sĩ Bắc Sơn nhanh chóng đồng cảm và phổ nhạc cho bài thơ, biến Tháng mấy em về thành “đứa con chung” ý nghĩa. 

Và rồi, đứa con tinh thần ấy nhanh chóng “chạm vào trái tim” người yêu nhạc, trở thành một trong những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Bắc Sơn mãi cho đến bây giờ. Ca sĩ Hạ Châu - người con thứ 5 gần gũi nhất của nhạc sĩ Bắc Sơn, cũng rất yêu thích bài Tháng mấy em về trong rất nhiều ca khúc mà cha phổ nhạc cho thơ của mẹ mình. Ca sĩ Hạ Châu chia sẻ: “Trong số những bài nhạc sĩ Bắc Sơn phổ thơ của nhà thơ Ngọc Bích, tôi thích nhất bài Qua nhịp cầu tre, vì đây là bài hát nói lên hình ảnh hạnh phúc của ba mẹ tôi. Và đây cũng là ca khúc thể hiện rõ sự đồng điệu, đồng cảm của hai người. Vì những hình ảnh đó trong khu vườn của nội tôi”.

Nghệ sĩ Tâm Tâm và Khánh Tuấn biểu diễn bài Tháng mấy em về. Ảnh: Thùy Hương

Nghệ sĩ Tâm Tâm và Khánh Tuấn biểu diễn bài Tháng mấy em về. Ảnh: Thùy Hương

Hồn thơ Ngọc Bích

Rồi từ đó, thơ Ngọc Bích bắt đầu có mặt trong những khúc tình ca của Bắc Sơn như một điều rất đỗi bình thường và hiển nhiên. Nếu không nói ra, chắc cũng không ai biết đâu là tác phẩm của riêng ông, đâu là bài hát bắt nguồn từ lời thơ của hiền thê tác giả. 

“Anh quên chưa anh, lần đi qua nhịp cầu 
Cầu tre rung đôi chân, tay nắm bàn tay lần đầu 
Xóm nhỏ quê nghèo, mà mình thương mình nhiều 
Bày hàng ngoài ven ao mình mua bán lá thu”.

Những lời thơ trở nên “có cánh” khi hóa thân thành lời hát trong ca khúc Qua nhịp cầu tre. Bắc Sơn là nhạc sĩ có nhiều sáng tác mang âm hưởng dân ca, gần gũi và dung dị nên những tác phẩm nổi tiếng của vợ chồng ông cũng là sự đồng cảm về tình yêu quê hương. Đâu đó trong bài thơ của nhà thơ Ngọc Bích được chính chồng bà phổ nhạc đều có bóng dáng quê nhà. 

Chiếc cầu tre, con đường đê bình yên đầy nhung nhớ đi vào thơ rồi hóa thành lời nhạc, phải chăng đó chính là sự đồng cảm, hòa điệu tâm hồn của những người đang rất yêu nhau. Nên đến cả cách nhìn, cách yêu và cách sáng tác cũng rất hợp với nhau. Và trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Bắc Sơn dành không ít thời gian cho những bài thơ của vợ. Ca sĩ Hạ Châu tiết lộ với chúng tôi rằng, nhạc sĩ phổ nhạc cho cả một tập thơ của vợ mình bằng tất cả tình yêu và sự đồng cảm dành cho người bạn đời yêu quý. Tuy nhiên, tập nhạc ấy đến nay vẫn được gìn giữ như một kỷ vật của gia đình mà chưa phát hành! 

Tượng sáp của cố nhạc sĩ Bắc Sơn và nhà thơ Ngọc Bích

Tượng sáp của cố nhạc sĩ Bắc Sơn và nhà thơ Ngọc Bích

Nhạc sĩ Bắc Sơn nổi tiếng với hàng loạt ca khúc: Còn thương rau đắng mọc sau hè, Em đi trên cỏ non,... Và trong suốt quá trình làm nghệ thuật lừng danh ấy luôn có sự đồng hành của người bạn đời - nhà thơ Ngọc Bích! Có những tác phẩm của ông xuất phát từ bài thơ tình của vợ, cũng có những nhạc phẩm ông sáng tác mang dáng dấp “nàng thơ” Ngọc Bích và chắc chắn rằng, để nhạc sĩ tài hoa an tâm sáng tác thì người vợ hiền Ngọc Bích phải gánh vác trên vai cả một gia đình! Nên để nói về hồn thơ Ngọc Bích trong tình ca Bắc Sơn, chúng tôi mạn phép nói rằng, trong mỗi tác phẩm của ông đều có dáng hình của gia đình yêu quý, của người vợ ông thương - nhà thơ Ngọc Bích!

Hoàng Thúy

Chia sẻ bài viết