Tiếng Việt | English

15/04/2017 - 15:05

Kiểm tra, giám sát, quản lý hàng đa cấp: Còn nhiều khó khăn

Công tác kiểm tra, giám sát mạng lưới bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh Long An hiện nay gặp nhiều khó khăn do hoạt động bán buôn của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp rất rộng.

Theo Phòng Thương mại, Sở Công Thương Long An, công tác kiểm tra, giám sát mạng lưới bán hàng đa cấp, hiện nay gặp nhiều khó khăn do hoạt động bán buôn của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp rất rộng, đa dạng, hàng hóa mua bán được thỏa thuận riêng và giao hàng đến tận tay người tiêu dùng, không có cửa hàng kinh doanh cụ thể.

Ảnh minh họa: Internet

Còn đại diện lãnh đạo Cục Hải quan cho rằng: Tồn tại của loại hình kinh doanh này là các khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ và chưa hoàn thiện. Công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp chưa thực sự bài bản và chưa có sự phân công rạch ròi nhằm bảo đảm hiệu quả của các cấp. Hiện tại, quản lý bán hàng đa cấp theo quy định của các nghị định và thông tư hướng dẫn được phân cấp cho chính quyền của địa phương và ngành Công Thương tại các địa phương để quản lý trực tiếp các hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đáng chú ý là bán hàng đa cấp một thời có sức hút rất lớn khi hướng vào những lợi nhuận siêu khủng để thu hút một bộ phận lớn người dân tham gia. Gần đây, hàng đa cấp tràn về nông thôn, nơi mà nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, dễ bị “quyến rũ”  bởi lợi nhuận mà hình thức bán hàng đa cấp đưa ra.

Điển hình như Amway được quảng cáo là một công ty bán hàng đa cấp của Mỹ, hoạt động tại hơn 110 quốc gia, có 2 nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Amata (Đồng Nai) và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (Bình Dương). Là nhà đầu tư lớn và cam kết hoạt động lâu dài tại Việt Nam, Amway được trao nhiều giải thưởng uy tín: Rồng Vàng, Doanh nghiệp phát triển bền vững 2016,... Mỹ phẩm của hãng Amway thu hút khá đông chị em tại TP.Tân An tham gia bán hàng.

Chị N.T.L. chia sẻ, để tham gia bán hàng cho nhãn hiệu này phải là thành viên. Muốn là thành viên phải tham gia lớp tập huấn gọi là "kỹ năng mềm" về bán hàng, đóng một khoản phí,... Khi tham gia lớp kỹ năng bán hàng, hầu hết đều được tư vấn sẽ kiếm được nhiều tiền và không mất nhiều thời gian, không cần tốn nhiều công sức. Sau khi bỏ ra hơn 20 triệu đồng mua mỹ phẩm từ một đại lý cấp trên của nhãn hàng Amway về bán lại, chị L. được trích hoa hồng 2 triệu đồng. Thế nhưng, sau hơn 1 năm, số mỹ phẩm gồm: Sữa tắm, sữa dưỡng da, nước rửa chén, dầu gội,... chị L. vẫn chưa bán được bao nhiêu.

Chị cho biết: Những người mà chị chào hàng đều cho rằng, giá mỗi loại đắt hơn sản phẩm trên thị trường là hàng Việt Nam chất lượng cao gấp 3-4 lần, lại là những mặt hàng được gắn tem, nhãn quá lạ lẫm nên họ không chọn mua. Những loại sản phẩm này, công ty cũng không đưa ra mức giá chính thức, người bán muốn lãi cao thì “hét” giá cao. Với số hàng tồn đọng, chị L. xem như mình bỏ ra hơn 18 triệu đồng để mua... một bài học về hàng đa cấp.

Còn chị L.T.K.T., ngụ khu phố 2, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa cho biết: "Cách đây hơn 3 năm, có 2 người phụ nữ đến tận nhà mời mua hàng gia dụng nhà bếp, tôi được họ giới thiệu là nhân viên thuộc Công ty H.C, có trụ sở tại huyện Bình Chánh, TP.HCM. Họ giới thiệu, nếu tôi đồng ý tham gia thì được hưởng nhiều chính sách ưu đãi.

Họ còn "chiêu dụ" tôi bằng cách, nếu tôi "giới thiệu" người thân cùng tham gia thì sẽ được hưởng hoa hồng theo số lượng người theo cấp số nhân. Tuy tôi ở nhà làm nội trợ nhưng cũng thường xuyên theo dõi báo, đài và biết được một ít thông tin về kiểu bán hàng đa cấp. Tôi thấy cách họ chèo kéo, mời mọc ngờ ngợ là bán hàng đa cấp nên tìm cách trì hoãn, hẹn họ lần sau trở lại thì tôi sẽ tham gia và giới thiệu người khác cùng tham gia, nhưng từ đó đến nay không thấy họ xuất hiện nữa".

Các công ty bán hàng đa cấp thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo nhằm quảng bá và lôi kéo người dân vì ham lợi nhuận tham gia vào (Ảnh minh họa)

Chị P.T.B., 47 tuổi, ngụ ấp An Hưng, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa cũng suýt "dính bẫy" HĐC. Chị cho biết, năm trước, chị được một người bạn ở gần nhà rủ đến TP.HCM dự hội thảo giới thiệu về các loại thực phẩm chức năng. Ðể trở thành nhân viên của công ty, người tham gia được giao cho một số sản phẩm và được công ty "mở tài khoản" để "chuyển lương" hàng tháng. Muốn trở thành nhân viên, mỗi người phải đóng khoảng 25 triệu đồng. Trong hội thảo, công ty cũng bố trí cho hàng chục người được nhận "hoa hồng" lên phát biểu.

Theo chị B., có thể đây là trò bịp để những người chưa mua các gói dịch vụ sập bẫy bởi số tiền hoa hồng cao.

Thực tế cho thấy, hoạt động bán hàng đa cấp ngày càng lan rộng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, song không chỉ công tác quản lý khó khăn mà ngay cả nhận thức của người dân cũng còn hạn chế. Trong khi đó, các công ty đa cấp lại đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh, nhiều mà không cần trình độ, bằng cấp, làm ít hưởng nhiều,... khiến nhiều người bị cuốn vào vòng xoáy và trở thành những tín đồ mê muội. Để tránh khỏi và không phải trở thành nạn nhân của hàng đa cấp, trước mắt, mọi người không nên tham gia bất kỳ mạng lưới bán hàng đa cấp nào khi chưa hiểu rõ về lĩnh vực này./.

Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết