Tiếng Việt | English

20/02/2019 - 09:09

Lễ hội Làm Chay - Tết thứ 2 của người dân Châu Thành

Dù ai buôn bán bộn bề/ Làm Chay mười sáu nhớ về Tầm Vu. Câu ca dao xưa như nằm lòng với mỗi người con quê hương Châu Thành (tỉnh Long An). Và đến ngày 15,16 tháng Giêng, những người xa quê lại trở về. Bởi, với người Châu Thành, Lễ hội Làm Chay như cái tết thứ 2 vậy.

Chung tay làm lễ hội

Từ rất lâu, cứ sắp đến ngày diễn ra Lễ hội Làm Chay, không ai bảo ai, mọi người lại chung tay chuẩn bị để đón lễ hội năm nay lớn hơn năm trước. Đó trở thành cái nếp của người dân quê hương Châu Thành. Cận kề ngày lễ, công tác chuẩn bị càng diễn ra sôi nổi hơn. Các đội làm xe hoa, ghe đăng, trang trí sân lễ tại đình Tân Xuân và không gian lễ hội tại chùa Ông,... càng rộn ràng, tất bật. Mọi người dường như làm việc không ngưng tay để đẩy nhanh tiến độ, kịp đón Lễ hội Làm Chay.

Rước ông Tiêu từ chùa Linh Phước về chùa Ông

Ông Nguyễn Hữu Vân (52 tuổi), ngụ khu phố 1, thị trấn Tầm Vu, chia sẻ: “Hơn 10 năm nay, năm nào cũng vậy, sau Tết Nguyên đán là tôi đến chùa Ông để cùng mọi người phụ chuẩn bị lễ hội. Tôi tham gia quét dọn, cắt tỉa, trang trí đèn, hoa,... Khi được góp công, góp sức cho Lễ hội Làm Chay, tôi rất vui, vì đây là cái tết chung của cả cộng đồng nơi đây”.

Ở một địa điểm khác - nơi đội xe hoa làm việc cũng nhộn nhịp không kém. Năm nay được phụ trách làm biểu tượng đặc trưng của Châu Thành - 2 trái thanh long gồm 1 ruột trắng, 1 ruột đỏ, anh Trần Kim Xít, ngụ xã An Lục Long, bộc bạch: “Được tham gia làm xe hoa, đặc biệt là chịu trách nhiệm về biểu tượng trái thanh long, tôi rất vui và tự hào. Đây là loại trái cây góp phần rất lớn giúp người dân làm giàu và Châu Thành ngày càng phát triển. Do đó, công việc tuy có cực nhưng tôi vẫn rất vui!”.

Bên cạnh đó, tại nhiều gia đình, khu phố, xóm, ấp, mọi người chung tay làm mâm bánh để dâng cúng trong lễ hội. Nếu gia đình làm mâm bánh nhỏ thì tập thể làm cỗ bánh lớn. Mọi người thường bắt tay vào làm cỗ bánh từ ngày 12/15 tháng Giêng. Đó là tấm lòng, sự thành kính của người dân trong dịp lễ hội.

Mấy chục năm nay, cứ đến Lễ hội Làm Chay, người dân ấp Vĩnh Xuân A, xã Dương Xuân Hội lại chung tay làm cỗ bánh. Ai có bao nhiêu thì đóng góp bấy nhiêu, tùy khả năng. Cỗ bánh năm nay, ấp Vĩnh Xuân A làm biểu tượng chiếc thuyền với hoa sen và trái thanh long, đồng thời có thêm biểu tượng của con giáp năm nay là con heo. Ông Lê Văn Tèo chia sẻ: “Tham gia làm cỗ bánh, ai cũng phấn khởi. Do đó, việc riêng có bận rộn bao nhiêu cũng cố gắng sắp xếp thời gian. Cỗ bánh dâng cúng là tấm lòng của người dân ấp Vĩnh Xuân A để cầu một năm mới “mưa thuận gió hòa”, “quốc thái dân an””.

Làm lễ rước ông Tiêu tại chùa Linh Phước

Sôi nổi các hoạt động

Lễ hội Làm Chay diễn ra, mọi người nô nức đi trẩy hội, làm không khí tại thị trấn Tầm Vu càng thêm vui tươi và náo nhiệt. Mở màn cho lễ hội là hội thi múa lân. Tiếng trống, tiếng chập chả, phèn la, lân múa,... như tưng bừng thông báo lễ hội chính thức bắt đầu.

Ngày 14, 15, 16 tháng Giêng, mọi người tập trung về đình Tân Xuân - không gian chính diễn ra lễ hội ngày càng đông đúc. Mọi hoạt động dù ngày hay đêm đều thu hút mọi người đến dự.

Đêm 14 tháng Giêng, khu vực đình Tân Xuân rực rỡ ánh đèn. Từ người già đến trẻ con tập trung trước sân đình xem hát bội. Vở tuồng Thần nữ dâng ngũ linh kỳ mang lại nhiều cảm xúc cho người xem. Bà Phạm Thị Sáu (78 tuổi), ngụ thị trấn Tầm Vu, tâm sự: “Lâu lắm rồi tôi mới xem được vở tuồng hát bội, cảm xúc vẫn như ngày xưa. Các nghệ sĩ diễn rất hay. Đây cũng là một trong những bộ môn nghệ thuật mà tôi thích”. Nếu xem hát bội làm người già nhớ về những cảm xúc xưa thì người trẻ xem hát bội cũng hứng thú không kém. Phan Thị Thảo Nguyên - học sinh lớp 8/2, Trường THCS An Lục Long, thổ lộ: “Lần đầu tiên được xem hát bội, em cảm thấy rất thú vị. Các nghệ sĩ hóa trang đẹp, đạo cụ biểu diễn phong phú làm vở tuồng thêm đặc sắc. Em hy vọng sẽ được xem hát bội nhiều lần nữa”.

Sau phần mở màn ấy, sáng ngày 15 tháng Giêng, Lễ hội Làm Chay diễn ra hoạt động rước Tiêu diện Đại sĩ (ông Tiêu) từ chùa Linh Phước về chùa Ông để thờ cúng một đêm, đến ngày 16 tháng Giêng rước về đình Tân Xuân. Ông Tiêu chính là đối tượng chính của lễ hội, hóa thân của đức Quán Thế Âm Bồ Tát theo thức Phật giáo và tâm thức dân gian là vị đứng đầu và cai quản thế giới ma quỷ. Ông Tiêu cũng là chỉ huy trưởng của cả lễ hội. Do tính chất quan trọng ấy, hình ảnh ông Tiêu trong Lễ hội Làm Chay được thể hiện rất công phu và nghi thức rước ông Tiêu cũng rất trang nghiêm.

Vở tuồng hát bội Thần nữ dâng ngũ linh kỳ được biểu diễn tại đình Tân Xuân trong dịp lễ hội

Bên cạnh các hoạt động ấy, trong ngày 15 tháng Giêng (19/02), Lễ hội Làm Chay còn diễn ra nhiều hoạt động: Viếng nhà bia liệt sĩ, viếng mộ nhà yêu nước Đỗ Tường Tự, diễu hành xe hoa quanh thị trấn Tầm Vu và một số xã thuộc huyện Châu Thành,... Đặc biệt, Lễ hội Làm Chay còn diễn ra hoạt động đãi cơm, nước uống miễn phí cho người tham gia lễ hội. Đây là một trong những nét đẹp của Lễ hội Làm Chay. Anh Đỗ Tường Phương (39 tuổi), ngụ ấp 1, xã Hiệp Thạnh, tự hào nói: “Cứ mỗi năm, lễ hội lại lớn hơn, chu toàn hơn.

Cứ có thời gian là tôi lại hòa mình vào các hoạt động của lễ hội. Đây thực sự là ngày tết của riêng quê hương tôi”. Trong ngày 16 tháng Giêng (20/02), lễ hội diễn ra phần hội với các trò chơi dân gian: Kéo co, đập nồi, nhảy bao bố, bóng chuyền, cờ tướng, thả vịt,... Ngoài ra, phần lễ gồm thỉnh cỗ bánh các nơi phụng cúng, thỉnh Tiêu diện Đại sĩ lên giàn, chiêu u đường bộ, chiêu u đường sông; xe hoa thỉnh kinh đánh động thỉnh thầy, diễu hành ghe đăng và cuối cùng là xô giàn vào lúc 0 giờ ngày 21/02.

Lễ hội Làm Chay bắt đầu, mọi người lại hòa mình vào các hoạt động của lễ hội và không quên cầu mong một năm “mưa thuận gió hòa”, “quốc thái dân an”; đồng thời, tưởng nhớ những bậc nghĩa khí trung kiên đã hy sinh để bảo vệ quê hương, đất nước./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích