Tiếng Việt | English

24/08/2017 - 09:07

Nâng cao hơn nữa ý thức liên kết trong sản xuất

Liên kết (LK) sản xuất nông nghiệp mang đến hiệu quả kinh tế cao cho người tham gia sản xuất-nhà nông. Tuy nhiên, thời gian qua, việc LK còn lỏng lẻo, bất cập, chưa tìm được "tiếng nói chung" giữa các bên tham gia thực hiện.

Trách nhiệm với sản phẩm
Hợp tác xã (HTX) Gò Gòn, huyện Tân Hưng là một trong những đơn vị tiêu biểu về LK. Để nâng cao giá trị kinh tế cho xã viên, HTX thực hiện các giải pháp tăng lợi ích chung cho ND bằng cách vận động họ xuống giống đồng loạt cùng một loại giống, bón phân, phòng trừ sâu bệnh,... theo quy trình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”,...

Nông dân cần liên kết trong sản xuất để nâng cao hiệu quả, tăng lợi nhuận

Tất cả đều ứng dụng một chuẩn nhất định, mang lại hiệu quả rõ nét: Tăng năng suất, giảm giá thành, tăng lợi nhuận. HTX tham gia cánh đồng lớn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo hướng an toàn, đạt tiêu chuẩn GAP và hình thành chuỗi LK khép kín.

Kỹ thuật, biện pháp canh tác được nhà khoa học hỗ trợ. Giống, vật tư nông nghiệp đầu vào được HTX ký kết với DN cung ứng bằng với giá đại lý cấp một - không tính lãi. Bên cạnh đó, đầu ra sản phẩm được DN bảo đảm thu mua, cao hơn thị trường 100 đồng/kg.

Anh Nguyễn Văn Ngưu - xã viên HTX, hồ hởi: “LK mang lại nhiều lợi ích cho ND. Ở đây, chúng tôi yên tâm sản xuất, từ kỹ thuật, biện pháp canh tác đến giống, phân, thuốc, thu hoạch đều được hỗ trợ và đầu ra sản phẩm được bao tiêu. Lợi nhuận thu về so với trước đây và các hộ không LK tăng từ 4-5 triệu đồng/ha/vụ.

Để được như vậy, chúng tôi cố gắng rất nhiều, thay đổi tập quán cũ theo hướng mới, ghi chép nhật ký đồng ruộng đầy đủ, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, đáp ứng yêu cầu phía DN đề ra và chịu trách nhiệm với chính sản phẩm của mình. Hiện, gia đình tôi canh tác 12ha lúa trong HTX”.

Theo Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Tân Hưng kiêm Giám đốc HTX Gò Gòn - Trương Hữu Trí, từ sản xuất manh mún, nhỏ, lẻ, không hiệu quả, xã viên thay đổi tập quán sản xuất, chuyển sang LK làm ăn tập thể, thực hiện nghiêm túc các quy định.

Điều quan trọng là uy tín, ý thức, trách nhiệm trong sản xuất, tạo được sản phẩm chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao thì sẽ có đơn vị đến LK với mình, lúc đó, ND là người chủ động, có nhiều sự lựa chọn. Hiện, HTX LK với Công ty Cổ phần Tân Đồng Tiến (TP.Tân An) sản xuất lúa đáp ứng các tiêu chuẩn để sản phẩm vào thị trường Mỹ nhiều hơn (hiện tại mới đạt 2.200 tấn).

Chưa chịu liên kết

Một số địa phương, ND “chê”, than khó với những quy định do DN đề ra, không thích ràng buộc, cho rằng ảnh hưởng đến lợi ích nên chưa mặn mà tham gia vào các tổ hợp tác, HTX để LK sản xuất.

Liên kết sản xuất – điều kiện tiên quyết, quyết định kết quả của nền nông nghiệp hiện đại

Bà Nguyễn Thị Hoa, ngụ xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, chia sẻ: “Gia đình tôi sử dụng 500m2 đất trồng dưa leo và khổ qua, chủ yếu bán cho thương lái. Tôi không thích vào tổ hợp tác vì phải thực nhiều nội quy, quy trình rườm rà, tốn thời gian và chưa thấy rõ hiệu quả. Thỉnh thoảng, tôi dự các lớp tập huấn kỹ thuật nhưng hầu như không áp dụng được vào thực tế nên nản lòng”.

Khi chúng tôi đề cập, tham gia LK, ND hưởng nhiều quyền lợi, tránh được rủi ro, đặc biệt, khỏi phải lo đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng “được mùa - rớt giá” thì bà Hoa cho rằng, nông sản của gia đình vẫn tiêu thụ tốt nên chưa nhất thiết phải vào tổ hợp tác.

Cũng như bà Hoa, ông Nguyễn Văn Toàn, ngụ ấp 1, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, cho biết: “Gia đình tôi có 10ha đất trồng lúa. Trước đây, tôi tham gia sản xuất trong HTX nhưng DN đặt ra quá nhiều quy định ràng buộc, phải ghi nhật ký đồng ruộng, chúng tôi không quen như vậy! Quan trọng hơn, năng suất cũng không tăng nhiều, sản phẩm thì DN lúc mua, lúc không.

Bên cạnh đó, khi giá lúa ngoài thị trường tăng, chúng tôi đề xuất tăng giá nhưng hầu như không được chấp nhận. Sau đó, tôi xin ra khỏi HTX, tự sản xuất và bán cho thương lái. Bây giờ, có vận động vào HTX để LK sản xuất thì tôi cũng từ chối, không tham gia”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Trương Văn Điệp, việc LK sản xuất trên địa bàn hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. ND chưa chịu tham gia LK, vẫn thói quen sản xuất cũ, khó thay đổi trong thời gian ngắn. Sản phẩm chủ yếu bán qua thương lái nên thường bị chèn ép. Số lượng DN bao tiêu sản phẩm tại huyện rất ít. Huyện thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền để người dân tham gia LK, kêu gọi DN ký kết bao tiêu sản phẩm nhưng kết quả còn hạn chế.

Cần phải thay đổi

Khó khăn lớn nhất hiện nay là tình trạng ND và DN “bẻ kèo” lẫn nhau vẫn thường xảy ra, còn cơ quan quản lý nhà nước hầu như không can thiệp vì hiện nay, chưa có quy định cụ thể về chế tài đối với các trường hợp vi phạm hợp đồng.

Nông dân phải uy tín, thay đổi tư duy, tập quán, thói quen sản xuất cũ và có trách nhiệm với chính sản phẩm của mình

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng thông tin: LK sản xuất - điều kiện tiên quyết, quyết định kết quả của nền nông nghiệp hiện đại. Mối liên hệ 4 nhà (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà DN), đặc biệt, nhà nông và nhà DN cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau. DN phải thực hiện đúng theo cam kết trong hợp đồng về hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất có giám sát, hỗ trợ một phần chi phí và bao tiêu sản phẩm. ND bắt buộc phải tham gia tổ hợp tác, HTX để LK mới đạt hiệu quả, tăng lợi nhuận.

Đặc biệt, ND phải uy tín, thay đổi tư duy, tập quán, thói quen sản xuất cũ và có trách nhiệm với chính sản phẩm của mình. Lúc đó, sản phẩm tạo ra có chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường, ngay cả thị trường khó tính. Khi đó, ND là người chủ động, thông qua đại diện của mình là tổ hợp tác, HTX quyết định ký kết hợp đồng với DN mà mình mong muốn.

"Nông dân cần liên kết trong sản xuất để nâng cao hiệu quả, tăng lợi nhuận LK sản xuất rất quan trọng đối với nông nghiệp. DN cần phải có uy tín, linh hoạt các quy trình, cơ chế về giá với ND. Đặc biệt, ND cần có ý thức và trách nhiệm hơn nữa trong việc LK vì cuối cùng, người hưởng lợi trực tiếp vẫn là ND", Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thu - Trường Đại học Cần Thơ./.

 

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết