Tiếng Việt | English

09/12/2015 - 15:35

Nỗi buồn di tích

Có những địa danh đi vào lịch sử nhưng đến hôm nay, việc trùng tu, tôn tạo vẫn chưa được thực hiện nên theo thời gian, những vết tích năm nào dần mờ nhạt. Còn ở một vài nơi, khi di tích được trùng tu, tôn tạo thì công tác bảo quản lại chưa được chú trọng.

 

Đám lá tối trời năm xưa giờ là đầm nuôi tôm

Nhếch nhác ở một di tích

Di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa (thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa) là nơi từng ghi dấu sự kiện lịch sử quan trọng. Nơi đây, ngày 4-6-1930, đồng chí Châu Văn Liêm – Bí thư liên tỉnh Gia Định – Chợ Lớn và đồng chí Võ Văn Tần – Bí thư Quận ủy Đức Hòa lãnh đạo hơn 5.000 nông dân Đức Hòa tập trung trước Dinh Quận trưởng đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, chống đàn áp.

Cuộc biểu tình bị đàn áp đẫm máu, đồng chí Châu Văn Liêm cùng nhiều đồng bào, đồng chí khác hy sinh. Sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, để khủng bố tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân Đức Hòa, thực dân Pháp lập đài xử bắn các chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa quận Đức Hòa – cách dinh Quận khoảng 200m. Và để tưởng nhớ tấm gương oanh liệt của đồng bào, đồng chí đã chiến đấu, hy sinh, tỉnh đã xây dựng tượng đài chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa ở nơi đây.

Tượng đài khánh thành tháng 11-2015, tuy nhiên, di tích này đang rơi vào cảnh nhếch nhác. Vào mỗi giờ cao điểm buổi sáng, chiều, những xe thức ăn, quần áo cũ... bày bán tràn lan phía trước di tích.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Đức Hòa – Trần Bảo Quốc cho biết: “Lực lượng công an, quân sự thường xuyên dọn dẹp, chấn chỉnh tình trạng buôn bán tự phát trước tượng đài nhưng việc này như bắt cóc bỏ dĩa. Khi lực lượng chức năng đến thì người buôn bán bỏ chạy, còn khi lực lượng chức năng không có thì đâu lại vào đấy. Thị trấn sẽ quyết tâm chấn chỉnh tình trạng này trong thời gian tới”.

Vào buổi chiều những ngày gần đây, người dân vào khu vực tượng đài đánh cầu lông, học sinh đánh bóng chuyền. Theo anh Nguyễn Văn Hiếu – Ban quản lý Di tích Lịch sử Ngã tư Đức Hòa, nhắc nhở người dân sinh hoạt thể thao nên chọn nơi khác phù hợp hơn. Ngoài ra, rác cũng là một “nhân tố” làm di tích mất vẻ mỹ quan, trang nghiêm. Dù Ban quản lý dọn dẹp mỗi ngày nhưng tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn còn. Những hộp trà sữa, túi nylon của học sinh nằm “vô tư” dưới chân tượng đài...

“Hãy để di tích “sống” trong lòng người!”
Đó là câu nói thật nhưng cũng lắm xót xa của ông Nguyễn Hữu Tâm ở ấp Long Bình, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức – cháu nội ông Nguyễn Tấn Tảo (xã Tảo), chủ nhân nhà Long Hiệp xưa.

Nhà Long Hiệp là ngôi nhà gỗ 3 gian. Tại đây, vào tháng 11-1930, Tỉnh ủy đầu tiên tỉnh Chợ Lớn được thành lập. Gắn liền với sự kiện lịch sử quan trọng đó, nhà Long Hiệp trở thành một địa điểm lịch sử đánh dấu quá trình hình thành, xây dựng và phát triển lãnh đạo của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Long An trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Với ý nghĩa lịch sử này, ông Tâm và người dân nơi đây từng mong muốn, nhà Long Hiệp sẽ được phục dựng lại trên địa điểm cũ để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, theo lời ông Tâm, sau nhiều lần đến khảo sát, đến nay, chuyện trùng tu nhà Long Hiệp vẫn chưa được tiến hành.

Sau nhiều năm mong chờ nhưng di tích chưa được trùng tu nên gần đây, ông Tâm đã san nền, lấp đất trồng chuối, dừa. Kể từ đó, những tán cột – vết tích còn lại của nhà Long Hiệp xưa cũng phủ lên một lớp đất trắng. 

Những tán cột xưa của nhà Long Hiệp nằm vùi trong đất

Và khi nhắc lại chuyện tôn tạo nhà Long Hiệp, ông Tâm chậm rãi bảo “hãy để di tích “sống” trong lòng người!”.

Đám lá tối trời từng là căn cứ quan trọng trong hệ thống liên hoàn các căn cứ kháng chiến của tỉnh Long An trong suốt 30 năm (1945-1975). Ngày 16-8-1948, thực dân Pháp huy động lực lượng lớn, dùng xe bọc thép và tàu chiến bao vây căn cứ với ý đồ tiêu diệt lực lượng cách mạng đang trú đóng nơi đây.

Tuy nhiên, cuộc hành quân của chúng thất bại vì gặp phải địa hình phức tạp, dưới thì sình lầy, trên thì âm u, rậm rạp, khó tìm được lối ra - nếu không thông thạo địa hình. Vì thế, chúng gọi nơi đây là Đám lá tối trời và cũng từ lúc này, Đám lá tối trời trở thành một địa danh nổi tiếng gắn liền với lịch sử kháng chiến chống xâm lược của đất và người Long An.

Bây giờ, trở lại Nhựt Ninh và nhắc đến Đám lá tối trời, người dân hay nói chua xót “bây giờ là đám lá sáng trời”. Thật vậy, căn cứ năm nào giờ là những đầm nuôi tôm. Đám lá còn lại là những rặng dừa nước lưa thưa ở ven sông. 

Ông Phạm Văn Xem, 79 tuổi, nhà ở gần di tích Đám lá tối trời kể: “Lúc trước, tỉnh về khảo sát, quy hoạch để phục dựng lại mô hình Đám lá tối trời, người dân nơi đây mừng lắm! Chúng tôi chuẩn bị ươm lại dừa nước để có nguyên liệu phục dựng. Nhưng đến nay, nơi này chỉ có bia truyền thống. Mong rằng, Đám lá tối trời sẽ được phục dựng để thế hệ hôm nay hiểu và thêm tự hào về truyền thống lịch sử”.

Mong mỏi của ông Xem cũng như người dân về một Đám lá tối trời được phục dựng lại cần sớm được thực hiện. Bởi, những chứng nhân như ông Xem hiện nay chỉ còn số ít. Theo thời gian, những chứng nhân này tuổi càng cao, sức càng yếu thì lời kể để làm cứ liệu phục dựng di tích cũng gặp khó khăn.

 Theo Phó trưởng Ban quản lý di tích Lịch sử Văn hóa tỉnh –
Nguyễn Văn Thiện
 

Toàn tỉnh hiện nay có 104 di tích lịch sử - văn hóa; trong đó có 20 di tích cấp quốc gia và 84 di tích cấp tỉnh. Hiện nay, những di tích cấp quốc gia hầu như được trùng tu, tôn tạo, chỉ những di tích khảo cổ chưa trùng tu. Riêng nhà Long Hiệp, Đám lá tối trời là di tích cấp tỉnh có quy hoạch, có tờ trình UBND tỉnh nhưng chưa được phê duyệt. Thời gian tới, những di tích này sẽ được phục dựng nhưng xếp theo thứ tự ưu tiên vì kinh phí còn khó khăn.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết