Tiếng Việt | English

09/08/2022 - 08:53

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm

Thời gian qua, các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa của tỉnh được tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi thông tin với DN các tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó, tăng cường xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa của tỉnh.

Kết nối các thị trường tiêu thụ

Thông tin từ Sở Công Thương Long An, từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã hỗ trợ gần 150 lượt DN tham gia 15 sự kiện hội chợ thương mại, kết nối cung - cầu tại các tỉnh, thành phố trong nước; khoảng 170 lượt DN tham gia các sự kiện kết nối giao thương, tư vấn xuất khẩu theo hình thức trực tuyến do Bộ Công Thương tổ chức tại Long An và các tỉnh; gửi sản phẩm tiêu biểu mang “thương hiệu Long An” của 9 DN trên địa bàn tỉnh tham gia kết nối giao thương tại Hy Lạp, Bungari và Trung Quốc.

Cụ thể, Sở đã tổ chức kết nối giao thương các DN trong tỉnh với các DN, hợp tác xã (HTX) của các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các DN lớn của TP.HCM: Hệ thống Co.op Mart, Siêu thị Go, chuỗi San Hà, Bách Hóa Xanh, Bưu điện Long An, Tứ Sơn An Giang, các DN của tỉnh Tây Ninh; kết nối với các DN có đông công nhân trên địa bàn tỉnh,... giúp DN quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Song song đó, Sở phối hợp Bộ Công Thương đón đoàn DN nước ngoài như Cộng hòa Gabon, các nước Nam Mỹ đến tìm hiểu nhập khẩu gạo, chuối Fohla của tỉnh.

Nhiều sản phẩm hàng hóa của tỉnh được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn

Giám đốc Công ty (Cty) Cổ phần Thực phẩm HG (huyện Thủ Thừa) - Dương Thị Trúc Giang cho biết, thông qua các hội chợ thương mại, chúng tôi tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, các sản phẩm cũng được quảng bá rộng rãi hơn. Mặt khác, Cty cũng ghi nhận những đánh giá, cảm nhận của khách hàng về các sản phẩm, qua đó, góp phần định hướng, cải thiện chất lượng các sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của khách hàng.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh - Trần Thanh Toản, để tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại trên môi trường số cho các sản phẩm “made in Long An”, trung tâm duy trì thường xuyên với các hệ thống phân phối như Co.op Mart, Go, San Hà, Siêu thị Tứ Sơn, sàn Tiki, Postmart, Voso,... để kết nối tiêu thụ, tăng lượng mua hàng hóa nông sản của tỉnh; đồng thời, hướng dẫn DN của tỉnh tham gia vào các sàn thương mại điện tử (TMĐT) này.

Bên cạnh đó, trung tâm hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm trên Sàn TMĐT của tỉnh (htttp://tradelongan.com), đã có 181 gian hàng đăng ký tham gia với 485 sản phẩm được trưng bày trên sàn; hỗ trợ đưa sản phẩm của tỉnh lên 6 sàn TMĐT lớn trong nước và sàn TMĐT xuất khẩu Alibaba. Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp Bưu điện tỉnh, Viettel hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh, HTX, DN,... trong tỉnh quảng bá hình ảnh, phát triển sản phẩm và nhận diện thương hiệu trên sàn TMĐT Postmart, Voso; đến nay, có 383 tổ chức, cá nhân bán hàng trên 2 sàn này, với 5.959 sản phẩm được đăng ký bán trên sàn.

Các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh được bày bán tại hệ thống cửa hàng San Hà ở huyện Bến Lức

Chủ cơ sở mật ong Quang Vinh (huyện Thạnh Hóa) - Bùi Minh Quang chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh, sản phẩm của cơ sở có cơ hội xuất hiện trên các sàn TMĐT. Qua đó, giúp cơ sở quảng bá được các sản phẩm của mình tiếp cận nhiều khách hàng hơn”.

Được biết, Sở Công Thương đang xây dựng Phần mềm truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh nhằm chuyển đổi số trong hoạt động thương mại; xúc tiến xuất khẩu qua TMĐT,...

Tính đến cuối tháng 6/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 55.255 tỉ đồng, tăng gần 10,9% so cùng kỳ năm 2021. Song song đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,77 tỉ USD, tăng 9,69%; kim ngạch nhập khẩu đạt 2,62 tỉ USD, giảm 6,3% so cùng kỳ năm 2021.

Xây dựng thương hiệu cho hàng hóa

Những năm qua, nhiều thương hiệu hàng hóa của tỉnh được người tiêu dùng đón nhận: Ống hút cỏ bàng, lạp xưởng tươi Cô Châu, gạo Nàng Thơm Chợ Đào, cải bẹ xanh Long Khê, gạo Huyết rồng,... Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, việc xây dựng thương hiệu không dễ dàng, các DN, cơ sở, hộ kinh doanh cần có định hướng phát triển sản xuất rõ ràng; đồng thời, phải thường xuyên cập nhật xu hướng của khách hàng để nghiên cứu ra những sản phẩm phù hợp, chất lượng và đủ sức cạnh tranh.

Thời gian qua, HTX Nông nghiệp Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Hưng) có nhiều nỗ lực trong việc phục hồi và phát triển gạo Huyết rồng theo hướng hữu cơ. Đây là sản phẩm chủ lực mà HTX đăng ký tham gia đề án OCOP của tỉnh. Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Vĩnh Thuận - Nguyễn Thị Diệu Ngân, HTX đang cố gắng duy trì và mở rộng diện tích lúa hữu cơ hàng năm. Chúng tôi đặt kỳ vọng đây sẽ là sản phẩm tạo nên thương hiệu cho HTX. Hiện nay, ngoài việc tập trung nâng cao chất lượng lúa, gạo Huyết rồng, HTX còn đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho sản phẩm thông qua các hội chợ triển lãm, trưng bày nông sản trong và ngoài tỉnh.

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nâng cao uy tín và đứng vững trên thị trường

“Hiện nay, sản phẩm gạo Huyết rồng của HTX có được một số đơn đặt hàng cố định. Đây là động lực đối với HTX. Hy vọng, thời gian tới, HTX tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ ngành chức năng về chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, đánh giá xếp hạng OCOP để góp phần nâng tầm sản phẩm của HTX” - bà Ngân nói.

Thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ, đến nay, có 92 đơn nhãn hiệu tập thể của Long An đã được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ theo chương trình, kế hoạch hỗ trợ của Sở, trong đó có 84 nhãn hiệu tập thể đã được cấp văn bằng bảo hộ, số còn lại đang được Cục Sở hữu trí tuệ xem xét, thẩm định.

Việc xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, hàng hóa của địa phương không chỉ dừng lại ở giải pháp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà còn phải được bảo vệ, giữ gìn, tiếp tục phát triển nhằm nâng cao uy tín, ảnh hưởng của sản phẩm, dịch vụ mang tên gọi đó cũng như uy tín của địa phương, chủ thể tạo ra sản phẩm qua quá trình quản lý, khai thác và phát triển thương hiệu sản phẩm. Thương hiệu sản phẩm của địa phương cần được tiếp tục quan tâm và coi trọng việc quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, công tác xây dựng và phát triển thương hiệu luôn được các ngành, địa phương của tỉnh quan tâm triển khai, thực hiện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5.498 nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận, 33 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 sao đến 4 sao, 14 sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.

“Hiện Sở tiếp tục đồng hành với các DN hưởng ứng các hoạt động nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ và giúp DN, HTX của tỉnh tiếp cận sâu, rộng hơn với môi trường thương mại, dịch vụ trên thế giới. Trong đó, có các chương trình thương hiệu Quốc gia do Bộ Công Thương phát động. Hiện nay, có 7 DN của tỉnh đăng ký tham gia chương trình này. Ngoài ra, Sở cũng tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ DN tham gia bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao và đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh” - ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết thêm./.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5.498 nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận, 33 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 sao đến 4 sao, 14 sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết