Tiếng Việt | English

07/04/2021 - 12:50

Đưa nông sản sạch, an toàn đến với người tiêu dùng

Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong các sản phẩm nông nghiệp, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi,... là những vấn đề người tiêu dùng đang quan tâm. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh có nhiều biện pháp tích cực để đưa thực phẩm sạch, an toàn đến với người tiêu dùng.

Hiện nay, Long An có 11 sản phẩm được công nhận OCOP

Hiện nay, Long An có 11 sản phẩm được công nhận OCOP

Nâng cao ý thức người dân

Xác định vấn đề cốt lõi nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp là nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, trong đó chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền. Năm 2020, ngành Nông nghiệp tổ chức 13 cuộc tham quan tại 60 mô hình trình diễn, qua đó tuyên truyền cho nông dân về vấn đề ATTP gắn với hoạt động chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT), quy trình sản xuất tiên tiến, hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo đảm ATTP; phối hợp Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An đưa 87 tin tuyên truyền về Năm hành động bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp; tham gia 2 đoàn khảo sát tại 54 hộ trồng rau ứng dụng công nghệ cao ở các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An,... Thông qua công tác tuyên truyền góp phần hướng dẫn, vận động nông dân ứng dụng KHKT, quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất; xây dựng mô hình canh tác theo hướng VietGAP; không sử dụng chất cấm trong nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản;...

Bà Trần Thị Thu Vân, ngụ ấp 4, xã Long Khê, huyện Cần Đước, cho biết: “Từ khi tham gia Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Mười Hai và các lớp tập huấn về ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi biết cách bón phân và phòng trừ sâu, bệnh theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, liều lượng và đúng cách); đồng thời, biết áp dụng KHKT vào canh tác và ghi nhật ký sản xuất. Nhờ đó, vườn rau phát triển tốt, ít sâu, bệnh, giảm sử dụng thuốc BVTV và công chăm sóc, tăng lợi nhuận, góp phần xây dựng thương hiệu rau an toàn HTX Mười Hai”.

Kết quả nổi bật trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp là các cấp, các ngành và địa phương tổ chức tốt việc cho ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Cụ thể, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn đã tổ chức cho trên 97.450 hộ ký cam kết sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Thạnh - Mai Văn On cho biết: “Ngoài tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm về ATTP, ngành Nông nghiệp huyện còn phối hợp UBND xã, thị trấn điều tra số hộ kinh doanh nhỏ, lẻ để vận động ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Bản cam kết nêu rõ về mặt hàng buôn bán, địa điểm sản xuất, kinh doanh, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là trong trường hợp sử dụng phẩm màu, hóa chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng sẽ bị xử lý theo pháp luật”.

Chị Huỳnh Thị Ngân (tiểu thương chợ Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh) kinh doanh các mặt hàng tươi sống như mực, tôm,… hơn 5 năm. Năm 2017, chị Ngân ký bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và vận động các tiểu thương khác cùng tham gia. Chị Ngân bộc bạch: “Tôi thường lấy hàng bán trong 2 ngày, trường hợp bán không hết thì đem bỏ chứ không tẩm ướp hóa chất để bán tiếp vì ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Buôn bán như vậy mới tạo được uy tín với khách hàng”.

Chị Huỳnh Thị Ngân (tiểu thương chợ Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh) cam kết kinh doanh, sản xuất thực phẩm an toàn và tích cực vận động các tiểu thương khác cùng tham gia

Chị Huỳnh Thị Ngân (tiểu thương chợ Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh) cam kết kinh doanh, sản xuất thực phẩm an toàn và tích cực vận động các tiểu thương khác cùng tham gia

Hướng đến sản phẩm sạch, an toàn

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tạo điều kiện và định hướng cho nông dân sản xuất theo hướng an toàn, sạch, góp phần tăng giá trị nông sản, tạo dựng được thương hiệu. Đến nay, tỉnh xây dựng, thành lập 4 liên hiệp HTX; thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thành lập 46 HTX; hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 26 HTX chăn nuôi bò thịt, trồng lúa, rau,...; hỗ trợ 3 HTX sản xuất thanh long, lúa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; 11 sản phẩm được công nhận OCOP; xây dựng được 22 chuỗi cung cấp rau, gạo, thịt gà,... an toàn trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ 516.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc bằng mã QR đối với 5 cơ sở đã được xác nhận chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; xây dựng được 31 điểm bán sản phẩm an toàn;…

Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất, dịch vụ Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) - Đặng Duy Dũng bộc bạch: Những năm qua, HTX Phước Thịnh có sự chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức, sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn gắn với mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với cây rau. Hiện nay, HTX có 30ha sản xuất theo hướng VietGAP, gần 17ha vùng nguyên liệu ứng dụng công nghệ cao với hệ thống nhà màng, nhà lưới, tưới tự động và sử dụng phân hữu cơ vi sinh. Nhờ sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, đến nay, HTX liên kết tiêu thụ sản phẩm với 19 cơ sở,... Trung bình mỗi ngày, HTX tiêu thụ 7 tấn rau.

Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp Vĩnh Thuận sản xuất 5ha lúa hữu cơ, góp phần đem lại sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng

Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp Vĩnh Thuận sản xuất 5ha lúa hữu cơ, góp phần đem lại sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng

Tại HTX Sản xuất nông nghiệp Vĩnh Thuận (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng), việc đem đến sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn được các thành viên HTX quan tâm. HTX đang sản xuất 5ha lúa hữu cơ (gạo đỏ, gạo tím và ST25) theo quy trình khép kín, không sử dụng các loại phân hóa học, thuốc BVTV, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, năng suất trung bình 2,5 tấn/ha. Lúa sau khi được thu hoạch, HTX sấy, xay gạo và đóng gói để bán. Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp Vĩnh Thuận - Nguyễn Thị Diệu Ngân cho biết: “Gạo hữu cơ bán 35.000 đồng/kg vẫn chưa tương xứng với giá trị của gạo và công sản xuất của nông dân. Nhưng vì muốn đem đến sản phẩm sạch cho người tiêu dùng nên HTX chấp nhận bán với giá này để người dân làm quen với thực phẩm sạch, an toàn”.

Bên cạnh kết quả, vấn đề bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp còn gặp khó khăn: Tỷ lệ hộ dân, cơ sở ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn còn thấp; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP còn mang tính hình thức, nội dung chưa phong phú; một số cơ sở không thực hiện đúng quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc mức tự công bố chất lượng sản phẩm;... Để giải quyết những khó khăn này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp các đơn vị liên quan tích cực tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, lấy mẫu và cảnh báo ATTP, trong trường hợp phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm sẽ xử lý nghiêm; tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, điểm bán thực phẩm sạch; đổi mới, đa dạng hình thức, nội dung tuyên truyền về ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp; tích cực hỗ trợ tem điện tử truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của từng địa phương,…”./.

Năm 2020, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh thu 2.388 mẫu nông sản giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, trong đó kiểm nghiệm 742 mẫu, test nhanh 1.646 mẫu. Kết quả phân tích có 27/2.388 mẫu (20 mẫu kiểm nghiệm và 7 mẫu test nhanh) nhiễm các chỉ tiêu về vi sinh (Salmonella, E.coli), kháng sinh (Ciprofloxacin, Enrofloxacin), chất bảo quản (Sodium benzoate), chiếm 1,1%.

Thiên Minh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích