Tiếng Việt | English

13/10/2017 - 01:50

Đức Hòa: Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong phát triển công nghiệp

Thời gian qua, việc phát triển công nghiệp ở huyện Đức Hòa không chỉ góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH ở địa phương mà còn thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ để phát triển bền vững. Bí thư Huyện ủy Đức Hòa - Nguyễn Văn Út dành cho phóng viên (PV) Báo Long An cuộc trao đổi về các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này.

Trong quá trình phát triển công nghiệp, huyện còn gặp khó khăn về vấn đề tái định cư► PV: Ông có thể cho biết, tình hình phát triển công nghiệp của huyện Đức Hòa hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Út: Đức Hòa là một trong những huyện trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh. Diện tích đất công nghiệp được phê duyệt quy hoạch là 7.118ha, gồm 10 khu công nghiệp (KCN) với diện tích 5.976ha và 10 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích 1.200ha; trong đó, có 7 KCN và 8 CCN đi vào hoạt động, thu hút hơn 2.200 doanh nghiệp thứ cấp đầu tư, tỷ lệ lấp đầy trên 50% diện tích. 9 tháng năm 2017, huyện tổ chức công bố và kiểm đếm thực địa 19 dự án mới các loại; đang áp giá, lập phương án bồi thường 27 dự án (10 dự án chuyển tiếp từ năm 2016) với diện tích đất thu hồi 256,46ha. Tổng số tiền phê duyệt bồi thường ước tính 878 tỉ đồng; trong đó, 422 hộ được chi trả tiền bồi thường với số tiền 245 tỉ đồng; bố trí tái định cư (TĐC) bằng đất và bằng tiền của 4 dự án cho 104 hộ thuộc đối tượng TĐC với tổng số tiền 11 tỉ đồng.

► PV: Quá trình phát triển công nghiệp của huyện còn những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Út: Hiện nay, việc phát triển công nghiệp của huyện còn khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng; môi trường ở một số K,CCN chưa bảo đảm và việc bố trí TĐC cho những người bị thu hồi đất còn bất cập, hạn chế.

► PV: Những khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí TĐC cụ thể thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Út: Công tác kê biên, áp dụng các chính sách bồi thường thiệt hại, TĐC khi thu hồi đất ở một số dự án chưa được người dân đồng thuận cao. Từ đó, ảnh hưởng tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng và TĐC, gây bức xúc trong người dân và chủ đầu tư dự án; ảnh hưởng đến môi trường sống và môi trường đầu tư của huyện. Điển hình như khu TĐC KCN Nam Thuận ở xã Mỹ Hạnh Nam có tổng diện tích đất thu hồi hơn 490.000m2, có 58 hộ và 1 tổ chức bị giải tỏa với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ hơn 61,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 34 hộ nhận tiền bồi thường, 24 hộ còn lại chưa nhận.

Một số khu TĐC chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Khu TĐC Hải Sơn thuộc xã Đức Hòa Hạ được phê duyệt diện tích 73.798m2, phân bố 9 khu với tổng số 320 lô nền. Hiện nay, đã bố trí TĐC cho 150 hộ/190 lô nền và có 117 hộ dân vào ở. Dù đã san lấp 100% diện tích nhưng hạ tầng kỹ thuật trong khu TĐC còn hạn chế. Tất cả trục đường giao thông chưa láng nhựa, chỉ trải đá 0x4 và không được duy tu, bảo dưỡng hàng năm nên lầy lội trong mùa mưa. Mạng lưới điện trong khu hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng việc bố trí đèn đường thắp sáng chưa tốt. Cống thoát nước và hố ga cũng được bố trí nhưng chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định về chất lượng. Hiện nay, chỉ hoàn thiện phần bó vỉa, vỉa hè chưa có nên đa số hộ dân xây dựng các công trình phụ trên phần vỉa hè. Nhìn chung, cảnh quan, vệ sinh môi trường trong khu TĐC chưa bảo đảm mỹ quan.

Ngoài ra, các địa phương không nắm được tình hình đời sống của người dân sau khi giải tỏa, di dời; chưa có hướng dẫn chi tiết của tỉnh trong việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động có đất thu hồi. Nhiều đối tượng chưa kịp thích nghi với việc chuyển đổi nghề nghiệp, sử dụng các khoản bồi thường thiệt hại, hỗ trợ chưa phù hợp nên rơi vào cảnh thiếu việc làm hoặc thu nhập bấp bênh, không đủ trang trải cuộc sống, nhất là lao động từ 40 tuổi trở lên. Một số nhà đầu tư chưa thực hiện tốt các chính sách trợ giúp xã hội, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp để ổn định cuộc sống cho người dân vùng dự án.

Một số khu tái định cư trên địa bàn huyện chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, ảnh hưởng đời sống người dân

► PV: Thưa ông, lĩnh vực môi trường còn những hạn chế nào?

Ông Nguyễn Văn Út: Ngoài một số K,CCN cơ bản bảo đảm công tác bảo vệ môi trường theo quy định, vẫn còn những nơi chưa thực hiện tốt. KCN Xuyên Á thuộc xã Mỹ Hạnh Bắc dù có xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng trong vận hành xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải. Nước thải chưa được thu gom triệt để về hệ thống xử lý. Còn CCN Hoàng Gia ở xã Mỹ Hạnh Nam có xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa vận hành xử lý nước thải phát sinh từ quá trình hoạt động của CCN. Tình trạng ô nhiễm do xả thải không đạt quy chuẩn còn tiếp diễn.

CCN tự phát ở xã Đức Hòa Hạ, xã Đức Hòa Đông hiện chưa có hệ thống xử lý nước thải lập trung. Ngoài ra, một số đơn vị ngoài K,CCN hoạt động không bảo đảm thủ tục đầu tư theo quy định và trong hoạt động gây ô nhiễm môi trường: Cơ sở Hòa Ký, Công ty Sức Ép, Cơ sở Quang Vinh,... gây bức xúc cho người dân; huyện đang tập trung giải quyết dứt điểm. Tình trạng quá tải rác thải sinh hoạt cũng là gánh nặng của huyện hiện nay.

► PV: Ông có thể cho biết, những giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển công nghiệp của huyện?

Ông Nguyễn Văn Út: Thời gian tới, sẽ tăng cường sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy trong việc tháo gỡ các khó khăn, hạn chế trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, TĐC trên địa bàn huyện theo thẩm quyền. Từ năm 2016, định kỳ hàng quí, Ban Thường vụ Huyện ủy nghe UBND huyện báo cáo tình hình phát triển công nghiệp, dân cư, đô thị và cho ý kiến về những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, giải tỏa. Hàng tháng, UBND huyện phải báo cáo tiến độ thực hiện một số dự án tồn đọng để Ban Thường vụ Huyện ủy nắm và có định hướng giải quyết, tháo gỡ kịp thời.

Ngoài ra, lãnh đạo huyện tập trung chỉ đạo công tác giải tỏa, đền bù, TĐC các dự án còn vướng mắc và các dự án triển khai mới; chú trọng xử lý các dự án dở dang mà các nhà đầu tư cần mặt bằng, dân bức xúc. Đối với các công trình trọng điểm, huyện sẽ thành lập Ban Vận động của huyện do Phó Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban và các ban, ngành, đoàn thể huyện là thành viên để vận động, giải thích và kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân bị ảnh hưởng trong các dự án, phản ánh đến cơ quan chức năng có hướng giải quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án. Rà soát các dự án mà chủ đầu tư không đủ năng lực để kiến nghị thu hồi.

Trong việc hỗ trợ người dân các khu TĐC, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, nhà đầu tư và người dân đối với yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội khu vực phải thu hồi đất nông nghiệp; tổ chức thực hiện tốt chính sách chuyển đổi nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, bảo đảm cuộc sống và việc làm tốt hơn cho người dân trước khi thu hồi đất nông nghiệp; thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao khả năng phòng, chống rủi ro khi chuyển đổi nghề. Ngoài ra, nhà đầu tư phải có trách nhiệm khẩn trương hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu dân cư, nhất là giao thông, điện, nước sinh hoạt, thoát nước,...

Về môi trường, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo UBND huyện, đảng ủy xã, thị trấn nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quản lý môi trường tại địa phương, kịp thời phát hiện, báo cáo các doanh nghiệp, K,CCN gây ô nhiễm môi trường với cơ quan thẩm quyền để xử lý. Tập trung tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường sống, không đổ, vứt rác nơi công cộng, gây ô nhiễm môi trường.

► PV: Huyện có những đề xuất, kiến nghị gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Út: Huyện kiến nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại CCN Hoàng Gia, KCN Xuyên Á; sớm có kế hoạch chỉnh trang hạ tầng 2 CCN tự phát ở xã Đức Hòa Hạ và Đức Hòa Đông, đầu tư hệ thống nước thải tập trung. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cần tăng cường kiểm tra đối với các K,CCN trên địa bàn huyện và kiên quyết xử lý nếu phát hiện vi phạm.

► PV: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Ngọc (thực hiện) 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích