Tiếng Việt | English

13/03/2016 - 16:20

Mua vé máy bay giá rẻ dễ bị lừa

Vụ bán vé máy bay giả của Facebook Vi Tran tại Úc chưa lắng xuống thì mới đây, hàng chục hành khách mua vé của hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) qua mạng tại thị trường Nhật lại bị sập bẫy

Đại diện VNA cho biết chi nhánh của hãng tại Nhật ghi nhận từ Tết Bính Thân đến nay, có 65 trường hợp mua phải vé giả qua Facebook “Dịch vụ Hàng không - Airserco”. Trong số này, có người phản ánh trực tiếp với chi nhánh của VNA hoặc khách ra sân bay mới biết mình bị lừa.

Cẩn thận với thanh toán chuyển khoản

Điều tra sơ bộ của VNA cho thấy Facebook Airserco thường xuyên rao bán vé máy bay giá rẻ trên mạng. Khi khách hàng có nhu cầu, chúng lấy thông tin và đặt chỗ theo đúng yêu cầu rồi gửi lại email mã đặt chỗ kèm khuyến cáo phải thanh toán tiền trong 12 giờ, nếu không sẽ bị hủy chỗ.

Trang mạng lừa đảo “Dịch vụ Hàng không - Airserco”

Theo VNA, trang mạng lừa đảo này cũng hướng dẫn khách thanh toán theo 2 hình thức: chuyển khoản vào một tài khoản được chỉ định hoặc thanh toán tại văn phòng chi nhánh VNA ở Nhật. Trong trường hợp này, đối tượng chỉ có thể chiếm đoạt tiền khi khách chuyển tiền vào tài khoản của chúng. Sau khi khách chuyển khoản, chúng không xuất vé và cũng không thanh toán lại cho VNA. Đến khi khách ra sân bay, đưa mã đặt chỗ ra mới biết là vé giả. VNA nhận định có thể nhiều đối tượng sử dụng chiêu thức này để rao bán vé giả với giá thấp hơn nhiều so với công bố của hãng. Đây là lần đầu tiên phát hiện hình thức lừa đảo này tại Nhật.

Trước đó, đầu tháng 2-2016, hơn 200 du học sinh và người Việt Nam sinh sống tại Úc cũng hoang mang khi mua phải vé giả qua Facebook Vi Tran. Giá vé khứ hồi Vi Tran rao bán chỉ khoảng 1.000 USD, thấp hơn rất nhiều so với giá vé mua tại các kênh chính thức nên hấp dẫn nhiều người. Có người cho biết đã từng mua vé của Vi Tran, đến lần thứ hai mới bị lừa. Ước tính tổng số tiền Facebook Vi Tran lừa đảo thông qua hình thức bán vé máy bay lên đến khoảng 8 tỉ đồng. Qua điều tra, cảnh sát Úc đã bắt giữ một phụ nữ 24 tuổi liên quan đến vụ lừa đảo này.

Cả ngàn đại lý vé máy bay giả mạo

Gần đây, các hãng hàng không liên tục đưa ra cảnh báo về hiện tượng hành khách đã hoàn tất giao dịch, cầm vé trong tay nhưng không có chỗ trên chuyến bay.

VNA cho biết Facebook Vi Tran hay Airserco không phải đại lý chính thức có hợp đồng thương mại với hãng. Hiện có cả ngàn đại lý vé máy bay giả mạo, VNA đang phối hợp với cơ quan công an để điều tra một số đại lý không thuộc hệ thống chính thức của VNA có hành vi bán vé giả.

Để tránh mua phải vé giả, VNA khuyến cáo khách hàng nên mua qua các kênh chính thức bằng cách chọn 1 trong 3 phương thức mua trực tiếp trên website của VNA tại địa chỉ: www.vietnamairlines.com; giao dịch qua các phòng vé của VNA hoặc các đại lý chính thức của VNA trong và ngoài nước. Thông tin liên hệ phòng vé và danh sách đại lý chính thức được ủy quyền của VNA, có đăng ký kinh doanh hợp pháp tại nước sở tại được cập nhật trên website của hãng. Khách hàng có thể tìm hiểu giấy chứng nhận đại lý chính thức của VNA tại nơi mua vé, lưu ý địa chỉ trên giấy chứng nhận và địa chỉ trụ sở đại lý phải trùng khớp nhau. Không nên giao dịch qua mạng xã hội khi chưa rõ danh tính và tính hợp pháp của các cá nhân, tổ chức.

Một nhân viên bán vé máy bay cho biết hình thức lừa đảo thường là lợi dụng chính sách hoàn vé của VNA hoặc chính sách đổi tên của các hãng hàng không giá rẻ. Cụ thể, VNA cho phép khách hàng được hoàn vé nếu không có nhu cầu bay. Do đó, kẻ xấu có thể đặt vé cho khách như bình thường, khách thanh toán và kiểm tra thông tin vẫn thấy có chỗ trên chuyến bay nhưng sau đó, chúng xin hủy vé (người đặt vé được quyền yêu cầu hủy vé) nên vé máy bay của khách không còn hiệu lực.

Đối với các hãng hàng không giá rẻ, kẻ xấu có thể bán vé cho một người sau đó xin đổi tên để quay vòng cho vài người khác với kinh phí đổi tên chưa đến 300.000 đồng/lần.

Vé thật, người giả

Đó là các trường hợp khách mua vé nhưng không đi, quay lại đại lý nhờ bán hộ. Sau đó, đại lý gạ bán lại vé này cho khách có nhu cầu và hướng dẫn xin giấy xác nhận trùng với tên của khách trên vé là được lên máy bay. Tuy nhiên, những trường hợp này đều bị lực lượng an ninh hàng không ngăn chặn kịp thời. Năm 2015 đã có hơn 100 vụ việc như vậy bị phát hiện.

VNA ước lượng từ các sân bay ở Tokyo, từ tháng 2-2016 (trước Tết Bính Thân) đến nay, 65 trường hợp bị mua phải vé giả, trong đó sân bay Haneda 45 trường hợp, Narita 15 trường hợp và Osaka 5 trường hợp.

 

Tô Hà/Theo nld.com.vn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích