Hàng trăm tàu đánh cá ở tỉnh Cà Mau đã trúng đậm mùa mực (chủ yếu là mực ống và mực tua) giúp ngư dân thu lãi bình quân từ 50-70 triệu đồng/chuyến sau khi trừ chi phí.
Ngư dân trúng mùa mực nhiều nhất tại các cửa biển Sông Đốc thuộc huyện Trần Văn Thời, Khánh Hội thuộc huyện U Minh và thị trấn Cái Đôi Vàm thuộc huyện Phú Tân.
Mực là loài thủy sản biển tuy chưa xuất khẩu được nhưng vẫn có giá trị kinh tế cao. Mực ống tươi giá thị trường hiện nay là 60.000 đồng/kg, nếu làm thành sản phẩm khô mực giá lên tới 300.000 đồng/kg. Riêng đối với mực tua không làm khô có giá thị trường từ 90.000-100.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Tửu, ngư dân ở thị trấn Cái Đôi Vàm, cho biết khai thác mực đơn giản hơn khai thác tôm. Nếu như muốn khai thác được nhiều tôm đòi hỏi phải có tàu công suất lớn từ 90 CV trở lên, phải xa bờ hàng trăm hải lý, thì khai thác mực chỉ cần xa bờ vài chục hải lý với tàu loại nhỏ.
Còn ông Trần Văn Ba, ngư dân ở thị trấn Sông Đốc, cho biết khai thác mực hiện nay phù hợp với điều kiện của ngư dân nghèo vì đầu tư ít. Tuy nhiên, mực không phải lúc nào cũng có nhiều mà tùy theo mùa. Mặt khác, do ngày càng có nhiều tàu thuyền khai thác nên sản lượng mực có dấu hiệu bị cạn kiệt.
Theo ông Lý Văn Thuận, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản tỉnh Cà Mau, khai thác mực là nghề truyền thống có từ lâu đời của ngư dân của tỉnh Cà Mau. Nghề làm khô mực hình thành nên các làng nghề có khả năng phát triển mạnh, thu hút hàng nghìn lao động có thu nhập ổn định, đồng thời giúp ngư dân ven biển thoát nghèo.
Tuy nhiên, để bảo vệ ngư trường bền vững, cơ quan chức năng sẽ quy hoạch, theo đó phân vùng cụ thể, vùng được khai thác theo mùa, vùng hạn chế khai thác. Việc quy hoạch này là giải pháp bảo đảm cho loài mực có được môi trường sinh trưởng an toàn và phát triển./.
Theo TTXVN