Tiếng Việt | English

17/07/2016 - 11:36

Người đánh rơi hạnh phúc

Chỉ vì đồng tiền, mãi sa đà vào những trò ăn chơi trụy lạc, người vợ, người chồng đánh mất lương tâm, đánh mất chính mình. Đến khi hối hận, hạnh phúc không còn nguyên vẹn như xưa,... Đó là bi kịch của 2 gia đình rời quê lên thành phố sinh sống trong vở cải lương “Người đánh rơi hạnh phúc” của tác giả Kha Tuấn và Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hữu Lộc.

Bi kịch của đồng tiền

Vở cải lương tâm lý xã hội Người đánh rơi hạnh phúc xoay quanh câu chuyện gia đình của 2 nhân vật Đạt và Dĩ. Câu chuyện ấy nhuốm màu bi kịch khi Đạt - người chồng nhẫn tâm phụ vợ, thậm chí ngó lơ với giọt máu đang tượng hình trong bụng vợ để “ngủ vùi” vào những ngày ăn chơi, hút chích.

Không những tệ bạc với vợ, Đạt còn ngỗ ngược với chính người mẹ dứt ruột sinh ra mình và đuổi bà về quê. Bất lực, đau khổ vì con trai bị cuốn theo lối sống thị thành, mẹ ruột của Đạt và vợ anh từ bỏ cuộc sống phồn hoa, trở về quê sống đời lam lũ.

Còn một mình bơ vơ nơi đất lạ, Đạt càng rơi vào vực thẳm của thói ăn chơi lêu lổng. Đến khi nhà cửa, tài sản chẳng còn, sống vất vưởng không chốn nương thân, không gia đình bên cạnh, Đạt mới nhớ đến mẹ, nghĩ đến vợ.

Đạt về quê tìm gặp mẹ và vợ, anh hối hận và xin được tha thứ. Nhưng sự ăn năn đã quá muộn. Lúc gặp lại những người thân yêu cũng là lúc Đạt từ giã cõi đời vì thân tàn ma dại, hơi tàn sức kiệt, không đủ sức lực tiếp tục những ngày làm lại cuộc đời từng đánh rơi.

Một cảnh trong Người đánh rơi hạnh phúc

Còn Dĩ - người vợ từng có mái ấm êm đềm nhưng không biết quý trọng, giữ gìn. Cuộc sống chốn phồn hoa đô thị biến Dĩ từ một cô gái quê chân chất, dịu dàng thành một cô gái thành thị đanh đá. Chán chường cuộc sống thiếu trước, hụt sau chốn quê nhà nên đến thành đô, Dĩ bị ma lực đồng tiền lôi cuốn. Cô bán rẻ lương tâm, đánh đổi tình chồng, nghĩa vợ, chạy theo phù phiếm xa hoa.

Đến khi đánh mất hạnh phúc gia đình, mất người chồng luôn hết mực yêu thương, Dĩ hối hận, lương tâm dằn vặt. Dù có được cuộc sống sang giàu nhưng Dĩ thấy cô đơn vì thiếu vắng một tình yêu thật sự. Cô luôn mong ngày gặp lại chồng, nối lại tình xưa nhưng hạnh phúc ngày nào giờ xa tầm tay.

Bên cạnh những người không biết quý trọng hạnh phúc thì Xuyến - vợ Đạt do NSƯT Hồ Ngọc Trinh thủ vai lại là một hình tượng phụ nữ hiền hậu, tốt bụng. Dù bị chồng ngược đãi, lạnh nhạt với đứa con đang mang trong bụng và vung tiền ăn chơi nhưng Xuyến vẫn âm thầm cam chịu, gánh từng gánh chè đi bán kiếm tiền xoay xở cuộc sống với hy vọng chồng nghĩ lại mà đổi thay. Nhưng, tình yêu thương của người vợ hiền vẫn không đủ sức vực dậy sự u mê của Đạt. Chính Đạt và Dĩ là những người đánh rơi hạnh phúc.

Thành công trong từng vai diễn

Khi vở cải lương Người đánh rơi hạnh phúc được truyền hình trực tiếp trên VTV Cần Thơ trong chương trình “Hòa điệu đất chín rồng” số tháng 6/2016, vai diễn của NSƯT Hồ Ngọc Trinh (vai Xuyến) được khán giả bình chọn là vai diễn ấn tượng nhất. Dù chồng bạc tình, vô nghĩa nhưng Xuyến vẫn một lòng thủy chung và cam chịu. Vai Xuyến thể hiện được nết na, lòng vị tha và đức hy sinh của người phụ nữ Việt. Khi xem vở cải lương, nhiều khán giả trong hội trường rơi nước mắt vì thương, đồng cảm cho Xuyến.

Với lời ca ngọt ngào, Hồ Ngọc Trinh làm rung động khán giả bởi lối diễn nhập vai, thể hiện tâm lý đau khổ của người vợ lực bất tòng tâm, từng ngày chứng kiến chồng bê tha rượu chè, bài bạc, hút chích. Trong các lớp diễn, “đắt” nhất là lớp tứ đại oán khi Xuyến gánh chè đi bán, vô tình gặp Đạt và bị đánh dù đang mang trong mình sinh linh bé nhỏ.

NSƯT Hồ Ngọc Trinh chia sẻ: “Dù lớp này, Ngọc Trinh vừa bị chồng đánh, vừa hát nhưng đây là đoạn thể hiện được sự khổ hạnh tột cùng của người phụ nữ nên rất thích và tâm đắc”. Đây cũng là đoạn diễn để lại dấu ấn trong khán giả.

Mặc dù vào vai Dĩ với nhiều diễn biến tâm lý khác nhau nhưng diễn viên trẻ Hoàng Oanh (bên trái) diễn thành công

Khi nhắc đến vai Đạt, khán giả đều cho rằng “Không ai diễn vai này đạt như Nguyên Tâm”. Từng lời nói, cử chỉ đến lối diễn đều bộc lộ được tính cách nhân vật. Ở cuối vở diễn, lúc Đạt hối hận về những chuỗi ngày sống buông trôi thả nổi, NSƯT Nguyên Tâm cho khán giả thấy sự đau đớn, hối hận qua những tiếng kêu nghe chạnh lòng.

Còn diễn viên trẻ Hoàng Oanh, mặc dù vào vai Dĩ với nhiều diễn biến tâm lý khác nhau nhưng Hoàng Oanh diễn thành công. Khi phụ chồng, Hoàng Oanh thể hiện được cái đanh đá, chua ngoa. Nhưng khi sống trong sang giàu, trong ngôi biệt thự mà chẳng khác gì chiếc lồng son, Dĩ hối hận. Từng lời độc thoại mà Hoàng Oanh diễn như những lời ăn năn, sám hối. Lớp diễn trong ngôi biệt thự cũng là cao trào mà diễn viên phải có lực và thể hiện được diễn biến tâm lý nhân vật. Ở đoạn này, khán giả xem vở cải lương cảm nhận được sự hối hận cũng như sự căm thù những kẻ mua vui ái tình bằng bạc tiền qua lối diễn, những lời thét vang của Hoàng Oanh.

Khép lại vở diễn, càng thương Xuyến, khán giả càng trách những người chồng phụ bạc, vô trách nhiệm như Đạt và những người vợ bán rẻ bản thân, chạy theo đồng tiền như Dĩ. Vở cải lương là một lời cảnh tỉnh cho những ai chạy theo phù phiếm, bạc tiền mà xem nhẹ tình yêu, đánh rơi hạnh phúc gia đình./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết
  • Oh. Xem mà hay quá rất xúc động. Tôi không bao giờ xem cải lương nhưng tình cờ mà mà tôi xem được phải nói là vở cải lương người đánh rơi hạnh phúc là một vở cải lương có kết cấu rất hay và chân thực. Tôi luôn ủng hộ hết mình cho vở cải lương này.

    Bùi Đăng Thiện - Cách đây 8 năm