Tiếng Việt | English

17/06/2021 - 10:34

Nhiều nông sản rớt giá, khó tiêu thụ

Hiện nay, nhiều loại nông sản trên địa bàn tỉnh Long An đang bước vào thu hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sức tiêu thụ nông sản rất chậm, nhiều loại gặp khó khăn về đầu ra và rớt giá khiến nông dân lao đao.

Nhiều nông sản gặp khó

Theo ghi nhận tại huyện Bến Lức, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc tiêu thụ chanh gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng chanh xuất khẩu cũng giảm đáng kể. Bởi, việc vận chuyển gặp khó, nhiều nước hạn chế họp chợ nên chanh tiêu thụ chậm và rớt giá. Hiện giá chanh chỉ còn khoảng 5.000-6.000 đồng/kg và vẫn tiếp tục giảm.

Anh Nguyễn Văn Tươi, ngụ ấp 6, xã Bình Đức, huyện Bến Lức, gắn bó với cây chanh không hạt đã gần 10 năm. Anh chia sẻ: “Mọi năm, khi thời tiết nắng nóng, sức tiêu thụ mặt hàng này khá tốt, giá bán cũng tăng. Năm nay thì ngược lại, thậm chí các đợt thu hoạch phải giảm đi vì thương lái không mua nhiều. Cách đây vài ngày, tôi bán được 2 tấn chanh với giá 6.000 đồng/kg. Giá này chỉ bằng một nửa so với năm trước và thương lái mua xen kẽ từng đợt chứ không liên tục nên tôi rất lo lắng về đầu ra cho chanh trong thời gian tới”.

Nhiều loại nông sản gặp khó về đầu ra

Trước đây, trung bình mỗi ngày, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức tiêu thụ khoảng 3 tấn chanh nhưng từ khi dịch bùng phát, việc tiêu thụ chanh chậm và khó khăn hơn. Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức - Trần Duy Thuận cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gần đây, cước phí vận tải biển tăng nhiều lần so với trước. Thực tế này khiến cho HTX gặp khó khăn khi hàng hóa chậm lưu thông và chi phí sản xuất đội lên cao”.

Bên cạnh đó, việc tiêu thụ khóm của huyện Bến Lức cũng đang gặp nhiều khó khăn. Hiện tổng diện tích khóm của huyện khoảng 410ha, tập trung nhiều ở xã Thạnh Lợi và Thạnh Hòa; trong đó, xã Thạnh Lợi chiếm khoảng 90% diện tích. Theo một số nông dân trồng khóm ở xã Thạnh Lợi, vài tháng trở lại đây, giá khóm liên tục sụt giảm, từ 12.000 đồng/kg giảm xuống 9.000 đồng/kg và thời điểm hiện tại chỉ còn 5.000-6.000 đồng/kg.

Chị Hoa - tiểu thương chợ Bến Lức, cho hay, từ ngày dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi trong nước, lượng khách hàng đến chợ giảm, mọi người thắt chặt chi tiêu nên sức tiêu thụ hàng hóa, nông sản khá chậm. Hơn nữa, đang bước vào thời điểm chính vụ của nhiều loại nông sản, đặc biệt là trái cây nên khó tránh được ùn ứ, tiêu thụ chậm.

Còn tại huyện Cần Đước, việc tiêu thụ rau màu gặp nhiều khó khăn. Do đó, nhiều nông dân lúng túng không biết phải trồng loại rau gì cho vụ mùa tới. Anh Lê Văn Chung, ngụ xã Long Khê, huyện Cần Đước, bộc bạch: “Không chỉ vì giá thấp, sản xuất không có lãi mà rau màu hiện không có nơi tiêu thụ nên nông dân rất lúng túng, không biết trồng loại rau gì, thời điểm nào phù hợp. Từ trước đến nay, đa số nông dân trồng theo kinh nghiệm, khi thấy giá tăng thì trồng ồ ạt nên tình trạng "được mùa, rớt giá" thường xảy ra. Hiện nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, thương lái mua số lượng ít hơn, thu nhập của nhiều hộ trồng rau giảm, thiếu vốn để đầu tư quay vòng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như thu nhập của người trồng rau”.

Mít Thái cũng đang rớt giá khiến người trồng lao đao. Hiện thương lái thu mua mít loại 1 với giá 12.000 đồng/kg, loại 2 với giá 6.000-7.000 đồng/kg. Chênh lệch về giá giữa 2 loại mít khá lớn mà khi mua thương lái chọn lọc rất kỹ, không chỉ cân nặng mà còn hình dáng bên ngoài nên rất dễ “rớt” loại, tỷ lệ mít loại 1 bán ra không nhiều.

Cần chủ động nhiều giải pháp

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức - Trần  Duy Thuận cho biết: Thời gian tới, không  chỉ riêng chanh mà nhiều loại nông sản khác cũng sẽ rất khó khăn về vấn đề tiêu thụ và tiếp cận thị trường. Hy vọng, Sở Công  Thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra những biện pháp kết nối để hàng hóa, nông sản của tỉnh có được thị trường tiêu thụ, tránh bị ứ đọng dẫn đến thua lỗ cho nông dân.

Tại tỉnh, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động lớn đến vấn đề đầu ra nông sản. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 25.000ha cây ăn trái và hơn 5.200ha rau các loại. Nhiều loại nông sản đang bước vào thời điểm chính vụ thu hoạch như mít, chanh, thanh long,… Do đó, trước mắt cần có sự phối hợp và triển khai nhanh các giải pháp kết nối, xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn về thị trường, nhất là các loại nông sản có diện tích lớn.

Trước thực trạng nhiều loại nông sản khó khăn về đầu ra, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các hội nghị nhằm tháo gỡ vướng mắc về kỹ thuật và thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19. Theo đó, các địa phương cần xây dựng mô hình kết nối cung - cầu bảo đảm an toàn và giữ được giá trị của nông sản, nắm bắt thông tin thị trường nhanh hơn thông qua chuyển đổi số; nâng cao công nghệ sơ chế, chế biến và năng lực logistics tại địa phương, từ đó giúp nông sản được tiêu thụ ổn định trong bất kỳ tình huống nào. Ngoài ra, các địa phương cần đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng đối với cả hàng xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa, tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng phục vụ thời kỳ hậu Covid-19; thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu cả ở thị trường truyền thống và cả thị trường mới, nhiều tiềm năng./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết