Tiếng Việt | English

14/10/2021 - 21:50

Tiếp sức doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất ứng dụng công nghệ cao

Tỉnh Long An đã thông qua quy định chính sách hỗ trợ Chương trình Phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, có nội dung hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) ƯDCNC vào sản xuất.

Ứng dụng công nghệ cao vào trồng rau

Ứng dụng công nghệ cao vào trồng rau

Hướng đi tất yếu

Trên địa bàn tỉnh hiện có 202 HTX nông nghiệp với gần 5.000 thành viên. Trong đó, có 78 HTX sản xuất nông nghiệp ƯDCNC. Cụ thể 29 HTX lúa, 20 HTX rau, 16 HTX thanh long, 1 HTX tôm, 3 HTX chăn nuôi bò, 5 HTX chanh, còn lại 4 HTX nuôi cá nước ngọt, dưa lưới, na,... Cùng với hệ thống HTX, các DN tiêu thụ, chế biến nông, lâm, thủy sản là nguồn lực, động lực, thành phần không thể tách rời trong chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ.

Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Lê Hồng Sơn cho biết: “Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC tuy đã đạt kết quả bước đầu nhưng còn gặp khó khăn trong công tác triển khai, thực hiện do thiếu vốn; nhiều HTX hoạt động còn yếu cả nhân lực lẫn tài chính, tâm lý người dân vào HTX chưa thật sự xuất phát từ nhu cầu cần liên kết,...”.

Theo Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, có quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ. Đối tượng được áp dụng chính sách hỗ trợ là các HTX, hộ gia đình, cá nhân, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thực hiện sản xuất 4 loại cây trồng (lúa, rau, thanh long, chanh) và nuôi bò thịt, tôm nước lợ.

Cùng với đó là các DN ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xử lý nước thải, chất thải nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chương trình này, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 60.000ha lúa, 6.000ha thanh long, 2.000ha rau, 100ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ tiến bộ trong sản xuất.

Điều kiện nào được hỗ trợ?

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Quy định cụ thể chính sách hỗ trợ đối với Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh đã được ban hành bằng nghị quyết và thông qua trong tháng 8/2021”.

Trong các trường hợp thuộc đối tượng áp dụng của chương trình, có quy định chính sách hỗ trợ cụ thể đối với các DN, HTX sản xuất ƯDCNC. Theo đó, nội dung thứ nhất là hỗ trợ DN, HTX sản xuất ƯDCNC vay vốn với mức lãi suất tín dụng Nhà nước ưu đãi đầu tư trong 3 năm liên tiếp để tiếp tục đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ. Hạn mức tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư dự án, nhưng không quá 20 tỉ đồng/dự án.

Thứ hai là hỗ trợ 70% chi phí đầu tư cho các DN, HTX có dự án đầu tư cơ sở bảo quản nông sản (gồm sấy, chiếu xạ, khử trùng, đông lạnh, bảo quản) để xây dựng hạ tầng về giao thông, điện, nước, xử lý chất thải, nhà xưởng và mua thiết bị, mức hỗ trợ không quá 2 tỉ đồng/dự án.

Thứ ba là hỗ trợ 70% chi phí cho các DN có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi bò thịt quy mô 300 con trở lên để xây dựng hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị, mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỉ đồng/dự án.

Thứ tư là các DN, HTX có dự án nuôi tôm nước lợ ƯDCNC quy mô tối thiểu 5ha trở lên được hỗ trợ 200 triệu đồng/ha để xây dựng hạ tầng, cấp nước, thoát nước, xử lý môi trường, mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỉ
đồng/dự án.

Thứ năm là hỗ trợ 60% chi phí cho các DN có dự án đầu tư thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, nước thải sinh hoạt tại nông thôn; thu gom, xử lý chất thải làng nghề, nông thôn để mua thiết bị, xây dựng hệ thống xử lý, mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỉ đồng/dự án.

Ngoài ra, theo quy định còn có các mức hỗ trợ 100% chi phí cho các DN thuê đơn vị tư vấn lập hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp ƯDCNC, mức hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/DN; hỗ trợ 1 lần 100% kinh phí tư vấn, đào tạo, huấn luyện, chứng nhận DN đạt chuẩn HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000, Halal, mức hỗ trợ theo thực tế, nhưng đối đa không quá 150 triệu đồng/ DN. Hỗ trợ 100% kinh phí cho các DN, HTX để phân tích mẫu (đất, nước, sản phẩm); thuê tư vấn đào tạo, huấn luyện; thuê tổ chức chứng nhận đánh giá để cấp GlobalGAP chứng nhận sản phẩm, mức hỗ trợ tối đa không quá 250 triệu đồng/DN, HTX.

Bên cạnh đó, HTX, DN xây dựng chuỗi cung ứng nông, thủy sản an toàn, chuỗi cung cấp ứng dụng nông, thủy sản theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu được hỗ trợ mức tối đa không quá 150 triệu đồng/chuỗi. HTX, DN cũng được hỗ trợ 30% chi phí vật tư để xây dựng nhà màng, nhà lưới, nhà kính, mức hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/nhà lưới, tối đa không quá 300 triệu đồng/nhà màng; tối đa không quá 1 tỉ đồng/nhà kính.

Để được hỗ trợ các chính sách trên thì phải đáp ứng các điều kiện với quy định cụ thể. Đó là HTX, DN chỉ được hưởng 1 trong 5 nội dung hỗ trợ đầu tiên nêu trên nếu bảo đảm các điều kiện: Hoạt động có hiệu quả 2 năm liên tiếp trước thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ, có dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận. Trang thiết bị, công nghệ phải nằm trong danh mục khuyến khích ưu tiên hỗ trợ theo Quyết định số 130/QĐ-TTg, ngày 27/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình quốc gia về Phát triển công nghệ cao đến năm 2030 và các quy định khác do Trung ương ban hành.

Ngoài ra, đối với DN có nhà máy chế biến, kho bảo quản nông sản phải có công suất cơ sở sấy lúa, bắp, khoai, mì thì điều kiện được hỗ trợ phải đáp ứng các quy định: Đạt tối thiểu sấy 100 tấn sản phẩm/ngày; sấy phụ phẩm thủy sản, chăn nuôi đạt tối thiểu 50 tấn sản phẩm/ngày. Bảo quản rau, hoa, quả tươi đạt 1.000 tấn/kho; bảo quản lưu trữ giống cây trồng đạt công suất 100 tấn/kho. Đối với hỗ trợ xây dựng chuỗi, các chứng nhận sau khi được cấp giấy chứng nhận./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết