Tiếng Việt | English

28/09/2015 - 12:06

Con người mới trong xây dựng đời sống văn hóa

Bài 1: Nét đẹp đời thường

Khi đạo đức xã hội đang ngày càng xuống cấp thì vẫn còn đó những cá nhân với nhiều việc làm tốt, đậm chất nhân văn, phát huy truyền thống dân tộc. Họ là những người biết yêu lao động, ý thức vượt qua hoàn cảnh, vươn lên thoát nghèo, những người âm thầm làm việc thiện...


Ông Võ Thành Thập được biểu dương là một trong những tình nguyện viên điển hình trong phong trào hiến máu nhân đạo

*Để tìm được nhà ông Võ Thành Thập không khó. Bởi, ở ấp Bình Thạnh 1, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, ai mà không biết ông. Nhắc tên ông, người dân hay hỏi: “Có phải ông Thập bán vé số, chạy chiếc xe Dream cũ và hay hiến máu nhân đạo (HMNĐ) không?”.

Tên của ông luôn được nhắc đến kèm với những việc tốt ông đã làm. Trong 15 năm (2001 đến nay), ông tham gia HMNĐ 34 lần. Tháng 6 vừa qua, ông vinh dự là 1 trong 100 tình nguyện viên điển hình trong phong trào HMNĐ được tôn vinh tại thủ đô Hà Nội. “Với tôi, hiến máu không phải để được biểu dương mà là góp cho đời những giọt máu cứu người và bản thân thấy vui khi được làm việc có ích” - ông Thập chia sẻ.

Ông Thập tham gia HMNĐ lần đầu tiên vào năm 2001, khi nuôi người thân nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Lần đó, ông phải tiếp máu cho người thân rồi nhận ra rằng, thuốc thang có thể bào chế nhưng những giọt máu cứu người phải có người hiến tặng. Từ đó, ông tham gia hiến máu với mong muốn những giọt máu mình cho đi có thể cứu sống mạng người. Để thuận lợi hơn, ông “kết” với một nhóm bạn thường làm công tác xã hội ở TP.HCM. Khi nhóm bạn này thông báo có người cần máu, ông lại chạy chiếc xe Dream cũ kỹ lên TP.HCM để hiến. Ông kể: “Phải có hơn 5 lần, tôi hiến máu ở TP.HCM. Dù đi xa nhưng lại thấy vui vì có thể giúp được cho bệnh nhân qua cơn nguy hiểm”.

Ngoài những lần được Hội Chữ thập đỏ địa phương đến nhà vận động trực tiếp, thông báo cụ thể ngày hiến máu thì hầu hết những lần hiến máu của ông là những lần đi bán vé số, nhìn thấy dòng chữ “Tham gia HMNĐ” rồi ghé vào bệnh viện tham gia. Cũng trong những ngày bán vé số để mưu sinh, ông bắt gặp những trường hợp bệnh nhân đang cần máu chuẩn bị cho ca mổ và chủ động hỏi thăm: “Nếu cần máu, tôi sẽ đến bệnh viện để cho”. Đó là bệnh nhân tên Loan, ở ấp Nhà Dài, xã Thanh Phú Long, đang cần máu để mổ, thấy vậy, ông đã cho số điện thoại để nếu cần, gia đình sẽ gọi ông hiến máu giúp chị Loan.

Gia đình ông có 2 người con gái còn đang đi học, vợ ông mang căn bệnh thoát vị đĩa đệm nên chỉ quanh quẩn ở nhà lo chuyện cơm nước. Mọi thứ chi tiêu, trang trải cho cuộc sống đều nhờ vào số tiền bán vé số mỗi ngày của ông. Dù khổ cực nhưng ông luôn vui vẻ, lạc quan với suy nghĩ tích cực: “Dẫu nghèo tiền, nghèo bạc nhưng không nghèo nhân nghĩa”. Điều này thật đáng quý!

* Với mong muốn góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cho xã, ổn định cuộc sống gia đình, bằng mọi nỗ lực, anh Lương Thành Hùng, ở ấp Lăng, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước đã được xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

Năm 23 tuổi, anh Hùng lập gia đình và bắt đầu cuộc sống riêng. Ngày đó, cha mẹ hai bên còn nghèo nên đôi vợ chồng trẻ cũng không có tiền để làm vốn. Thương con, mẹ anh Hùng dành một phần đất ruộng ít ỏi đủ cho anh làm nền nhà dựng chòi ở tạm. Không nghề nghiệp ổn định, rồi 2 đứa con lần lượt ra đời nên cảnh gia đình anh càng thêm chật vật.


Nhờ cần cù, yêu lao động mà nhiều gia đình đã thoát nghèo

Quanh năm, vợ chồng anh đầu tắt mặt tối làm thuê, làm mướn nuôi con. Dù nắng hay mưa, ai thuê gì anh đều làm, từ nhổ cỏ, gặt lúa,... với hy vọng có tiền để 2 con được đến trường, học hành tử tế.

Dãi dầu mưa nắng, mặt sạm, tay chai vì bươn chải lo cho cuộc sống nhưng gia đình vẫn không thoát nghèo nên đôi lần anh có ý định cho con gái lớn nghỉ học khi hết lớp 12. Nhưng thấy con ham học, vợ chồng anh không đành lòng và từ bỏ suy nghĩ ấy. Năm 2001, được vay 20 triệu đồng làm vốn, vợ anh mua máy xe nhang về làm, còn anh vẫn tiếp tục làm mướn, làm thuê. “Từ ngày đó, cuộc sống đỡ hơn trước và phải hơn 10 năm sau, gia đình mới thoát nghèo - năm 2013. Hiện tại, mỗi ngày, bà xã tôi xe được 30 - 40 bó nhang, mỗi bó lời 3.000 đồng và có đầu ra ổn định. 2 đứa con tôi bây giờ, một đứa vừa tốt nghiệp ngành kế toán, đứa út đang học Cao đẳng Công nghệ thông tin” - anh Hùng chia sẻ với niềm tự hào.

Cuộc sống những người nghèo có đôi lần tưởng chừng bế tắc, nhưng với nghị lực, họ đã vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống. CChính những người như anh Hùng đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 2,98% (tính đến cuối năm 2014).

* 61 tuổi đời, ông Trần Văn Thiều đã trải qua 7 nhiệm kỳ làm Trưởng khu phố 3, phường 3, TP.Tân An. Trong suốt 7 nhiệm kỳ, ông luôn làm việc bằng cả lòng nhiệt tình và được người dân tin yêu. Công việc của ông chủ yếu là tuyên truyền, vận động, góp phần cùng phường thực hiện các phong trào thi đua, xây dựng đời sống văn hóa.

“Nghe qua tưởng dễ, nhưng tuyên truyền, vận động không đơn giản mà phải kiên nhẫn mới thuyết phục được người dân. Muốn vậy, ngoài uy tín, bản thân phải đi đầu trong mọi phong trào như góp tiền làm đường, đóng góp các nguồn quỹ ở địa phương,... để mọi người thực hiện theo” - ông Thiều chia sẻ.

Bây giờ, khi một con phố còn tình trạng người dân quét rác ra đường hay buôn bán ở lề đường, chỉ cần ông đến tuyên truyền, giải thích, vận động là mọi người thay đổi nhận thức, chấp hành tốt. Thời gian qua, ông từng vận động người dân không chôn cất người thân khi qua đời trong khu dân cư để tránh ô nhiễm môi trường nhằm thực hiện nếp sống văn minh ở địa phương. Đây là một vấn đề rất tế nhị và khó vận động nhưng ông Thiều đã làm được! Cụ thể, năm 2002, ông Nguyễn Văn Mẫn xây kim tĩnh cho mẹ phía sau vườn nhà. Đến khi mẹ ông Mẫn qua đời, ông Thiều nhiều lần đến vận động và ông Mẫn đồng ý hủy kim tĩnh, đưa mẹ về an nghỉ ở xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành.

Ngoài tuyên truyền, vận động, có những việc không cần ai bảo, ai nhắc, ông vẫn làm một cách tự nguyện. Khi ngang qua con phố trong phường 3, nhất là tuyến đường Trần Văn Nam mà ông và các đoàn thể, người dân đang cùng nhau xây dựng tuyến phố xanh, sạch, đẹp, nhìn thấy những tờ quảng cáo dán ở các trụ điện, ông đều dừng xe lại tháo gỡ để trả lại vẻ mỹ quan cho tuyến đường.

Có lần, đi trên đường Trần Văn Nam, ông bắt gặp một người đang dán tờ quảng cáo “rút hầm cầu” ở cột điện, ông dừng xe và yêu cầu người này về phường để xử lý. Hay trên đường Huỳnh Văn Đảnh, khi người dân báo có kẻ dán rao vặt, quảng cáo trên đường, ông Thiều cũng đến, cùng người dân đưa đối tượng về phường. Những việc ông làm đôi lúc cũng nguy hiểm, nhưng khi ấy, ông dường như quên bản thân mà chỉ nghĩ đến lợi ích chung của cộng đồng.

Trong 5 năm (2010-2015), tỉnh Long An có 195 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng; 630 tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ,... Ngoài ra, hằng năm, bình quân có gần 6.300 tập thể, cá nhân được UBND tỉnh tặng các danh hiệu thi đua và tặng thưởng cờ thi đua, bằng khen,... 

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết