Tiếng Việt | English

20/04/2017 - 09:33

Cảnh giác với rượu “mù”

Rượu “mù” là rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác vẫn được bày bán khắp nơi, từ các quán ăn bình dân, quán ốc vỉa hè, tiệm tạp hóa,... Thậm chí, những loại rượu này được bày bán công khai dọc Quốc lộ (QL) 1 với mác “đế Gò Đen” trứ danh.Từ thực trạng này, nguy cơ xảy ra ngộ độc rượu vẫn luôn tiềm ẩn.


Những sạp rượu với hàng trăm bình nhựa dưới tên gọi đế Gò Đen bày bán dọc Quốc lộ 1, đoạn qua huyện Bến Lức

Rượu từ quán cóc, hàng tạp hóa

Bước vào một tiệm hóa lụp xụp bên Đường tỉnh 825, đoạn gần chợ Chiều, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, chúng tôi hỏi có rượu trắng không, bán cho 1 lít. Bà chủ quán gật đầu và ngay lập tức cúi người lấy cái can cũ kỹ chứa đầy rượu để ở góc quán, mở nắp, rót vào bịch nylon màu trắng đưa cho tôi và nói 1 lít là 20.000 đồng. Tôi hỏi rượu nguồn gốc ở đâu, sao không có đóng chai, nhãn mác? Bà chủ trả lời, đây là rượu nếp rất ngon, nhà nấu thì cần gì nhãn mác. Yên tâm đi, rượu này không sử dụng men Trung Quốc nên uống êm ru, không bị nhức đầu.

“Rượu vừa ngon, giá lại rẻ nên rất hợp với túi tiền người lao động như công nhân, phụ hồ. Lần sau, em nhớ ghé lại mua ủng hộ nhé. Mua bao nhiêu, chị cũng có đủ!” - bà chủ quán hồ hởi nói thêm. Đúng như lời giới thiệu, vừa nhận tiền của tôi xong cũng là lúc có 5 thanh niên còn mặc áo công nhân và 3 người đàn ông làm nghề phụ hồ dừng xe lại hỏi mua rượu mang về nhà nhậu.

Ghé vào một quán bán ốc, khô mực vào lúc 10 giờ đêm ở gần QL62, đoạn qua xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, chúng tôi thấy khá nhiều thanh niên cởi trần đang ngồi nhậu. Tôi cũng gọi một xị đế như nhiều vị khách khác, bà chủ quán liền lấy tay lục lọi trong bao bàng lấy ra một chai nước khoáng loại nhỏ. Theo bà chủ quán, chai này đựng nửa lít rượu, giá 10.000 đồng.

Tôi thắc mắc, rượu này không nhãn mác, không có thương hiệu, liệu có “an toàn” không? Bà chủ liền trả lời, "yên tâm đi chú, rượu này tôi lấy của người quen ở Thạnh Hóa nhiều năm nay. Ai đến nhậu cũng khen ngon. Nếu không tin, cứ uống thử rồi biết!". "Mà tôi bán rượu này mấy năm nay rồi, nhiều người đến nhậu nhưng có ai bị gì đâu!" - bà chủ cam đoan với tôi. Những lời quả quyết của bà chủ nghe có vẻ rất chắc chắn về chất lượng và độ an toàn, thế nhưng, khi nếm thử một ly rượu thì tôi giật mình sợ hãi vì cảm nhận được mùi cồn công nghiệp,...


Những sạp rượu với hàng trăm bình nhựa dưới tên gọi đế Gò Đen bày bán dọc Quốc lộ 1, đoạn qua huyện Bến Lức

Nhiều người nhập viện vì ngộ độc rượu

Từ năm 2014 đến 2016, trên địa bàn tỉnh có 634 người nhập viện cấp cứu, điều trị do ngộ độc rượu, bia. Số vụ ngộ độc rượu, bia lại tăng theo từng năm. Trong đó, năm 2014 là 173 người, năm 2015 là 214 người và năm 2016 là 247 người. Theo Sở Y tế, những trường hợp ngộ độc rượu, bia đến cấp cứu, điều trị thường tại các cơ sở y tế ở vùng nông thôn. Nguyên nhân ngộ độc cũng có thể do chất lượng rượu, bia hoặc cũng có thể là do uống rượu, bia quá nhiều, thậm chí có thể là do “mồi nhậu”,...

Đế Gò Đen hay rượu dỏm?

Chỉ một đoạn đường QL1 từ xã Thạnh Đức đến Mỹ Yên, huyện Bến Lức có rất nhiều quán cà phê, quán tạp hóa dựng sạp trưng bày rượu chứa trong chai, bình nhựa. Ngoài những loại rượu trắng thì còn có cả rượu màu tím như phẩm màu. Bên cạnh các sạp rượu đều có ghi những dòng chữ: Đế Gò Đen chính hiệu, rượu nếp than Gò Đen, rượu Gò Đen lò ông A, bà B,...

Trong vai người mua, tôi được những chủ sạp rượu này cho biết, giá 30.000 đồng/lít. Biết tôi không phải người địa phương nên người bán hàng nhiệt tình giới thiệu rượu. Nào là đế Gò Đen nổi tiếng nhất miền Tây, uống vào ngất ngây, chẳng thể chê vào đâu được,... Quảng cáo là vậy, nhưng khi kiểm tra, tôi thấy rượu không có nhãn mác, không nguồn gốc, xuất xứ.

Nói về rượu, người dân địa phương khẳng định, hiện nay, còn rất ít hộ còn nấu rượu Gò Đen theo phương thức truyền thống; quy mô cũng nhỏ, lẻ nên không thể có nhiều rượu Gò Đen để bán tràn lan như thế! Hơn nữa, rượu đế Gò Đen “xịn”, nấu theo thủ công truyền thống thì không thể nào có giá “bèo”, ít nhất cũng phải giá 50.000-60.000 đồng/lít. Theo đó, người dân khẳng định, 99% rượu bày bán dọc QL1 với tên gọi đế Gò Đen không có nguồn gốc rõ ràng, không nhãn mác, không đăng ký và khả năng cũng không bảo đảm chất lượng.

“Rượu không nhãn mác tràn lan là một trong nhiều nguyên nhân đang giết chết thương hiệu đế Gò Đen chính thống. Theo đó, ngành chức năng cần kiểm tra, phát hiện sai phạm để xử phạt nghiêm, bảo vệ thương hiệu đế Gò Đen; đồng thời, tạo cơ hội cho những người còn gìn giữ, bảo vệ nghề nấu rượu Gò Đen “xịn” sống được” - ông Trương Tấn Mãnh - nguyên Chủ tịch Hội Sản xuất rượu đế Gò Đen (đã giải thể) bức xúc.

Theo Chủ tịch UBND xã Phước Lợi, huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Vũ: “Tôi và hầu hết người dân địa phương không dám mua rượu gắn mác đế Gò Đen bán dọc QL1 vì biết rượu này không bảo đảm chất lượng. Do đó, rượu này chủ yếu bán cho người ở địa bàn khác có dịp đi qua. Tuy nhiên, hiện nay, người tiêu dùng cũng cảnh giác với rượu không rõ nguồn gốc nên việc buôn bán của những hộ này ế ẩm hơn trước rất nhiều”. Cũng theo ông Vũ, do xã không có điều kiện thẩm định nên chỉ nhắc nhở, tuyên truyền người dân ở địa phương không gian dối, bán rượu dỏm, gây hại sức khỏe cộng đồng.


Nửa lít rượu đựng trong một bịch nylon với giá 10.000 đồng được mua tại một cửa hàng tạp hóa ở Long An

Khó kiểm soát

Theo thống kê của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh có 12 đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu công nghiệp được sở cấp phép. Đối với sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh thì có 65 cơ sở được sở cấp phép; trong đó, hiện còn 47 cơ sở đang hoạt động (có thương hiệu, nhãn mác). Ngoài ra, sở cũng cấp phép cho 6 cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh bán buôn (đại lý cung cấp), hiện có 3 cơ sở giấy phép hết hiệu lực.

Đối với việc sản xuất, buôn bán rượu nhỏ, lẻ như hộ gia đình, quán tạp hóa, quán ăn,... thì Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) - Phạm Văn Minh cho biết, buôn bán, sản xuất theo dạng này chắc chắn rất nhiều. Số liệu này do các huyện, thị xã, thành phố thống kê. Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng, buôn bán, sản xuất theo dạng nhỏ, lẻ rất khó kiểm soát, thống kê được, nếu có thống kê thì cũng không đầy đủ.

“Theo quy định, sản xuất, buôn bán rượu phải đăng ký, được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm nhưng đối với các tiệm tạp hóa, vỉa hè,... thì hầu hết không có giấy tờ, kiểm soát gì. Rượu không có cấp phép cũng có nghĩa là không được kiểm soát nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm, bị pha chế bằng cồn công nghiệp và nguy cơ ngộ độc cũng rất dễ xảy ra”. - ông Phạm Văn Minh nói.

Cũng theo ông Trương Tấn Mãnh, các hộ buôn bán, nấu rượu nhỏ, lẻ không đăng ký cũng có phần do ngại làm thủ tục, lại sợ tốn phí phải đóng khi làm giấy tờ.

Chánh Thanh tra Sở Y tế Long An - Lý Quang Xuân cho biết: “Từ nhiều vụ ngộ độc rượu gây chấn động ở một số tỉnh, thành trong cả nước, để tăng cường quản lý, thời gian tới, các ngành liên quan đến các địa phương sẽ rà soát lại tất cả những cơ sở kinh doanh, buôn bán rượu; trong đó, cố gắng nắm được những cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu theo dạng nhỏ, lẻ, hộ gia đình, tiệm tạp hóa,... nhưng không đăng ký, không có phép”.

Liên quan đến rượu, tại cuộc họp quí I-2017 có sự tham gia của các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố vào giữa tháng 4-2017, Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức cũng bày tỏ sự lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm từ rượu. Theo đó, ông Đức đề nghị, ngành chức năng và các địa phương cần đẩy mạnh công tác kiểm tra chất lượng rượu. Ngoài kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, ngành chức năng cũng cần tập trung kiểm tra những nơi bán rượu nhỏ, lẻ.

Kiểm tra, xử phạt rất ít?

Dù rượu không nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ bày bán khắp nơi nhưng công tác kiểm tra, xử phạt còn quá ít. Theo số liệu thống kê, trong 3 năm (2014-2016), Sở Công Thương kiểm tra 27 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; trong đó, phát hiện 13 cơ sở vi phạm, xử phạt hơn 27 triệu đồng. Cũng trong thời gian này, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh do Sở Y tế chủ trì cũng kiểm tra 18 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, phát hiện 7 cơ sở vi phạm, xử phạt hơn 98 triệu đồng.

Ngoài ra, đoàn cũng chỉ lấy 16 mẫu rượu kiểm tra để kiểm nghiệm; trong đó, 8 mẫu không đạt vì hàm lượng ethanol, methanol. Phải chăng, công tác kiểm tra, xử phạt cần được tiến hành nhiều hơn, thường xuyên hơn?

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích