Tiếng Việt | English

21/11/2019 - 08:50

Liên kết xây dựng cánh đồng lớn, tăng thu nhập cho nông dân

Thực hiện mục tiêu liên kết sản xuất, giải quyết đầu ra một cách bền vững, những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Long An thực hiện liên kết, xây dựng cánh đồng lớn (CĐL), mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp nông dân an tâm đẩy mạnh thâm canh để đạt năng suất, sản lượng cao và tăng thu nhập.

Lúa là một trong những loại nông sản chủ lực, được ưu tiên lựa chọn để hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh

Tăng thu nhập cho nông dân

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, hiện nay, việc liên kết theo CĐL phát triển mạnh về diện tích đối với sản xuất lúa; đồng thời, đang mở rộng với nhiều cây trồng khác như rau, thanh long, chanh,... Các CĐL mang lại hiệu quả rõ nét đối với nông dân, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và doanh nghiệp tham gia liên kết. Cụ thể, nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định, ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp với lãi suất thấp, tin cậy hơn về chất lượng. Từ đó, nông dân an tâm sản xuất, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật và mạnh dạn đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất, sản lượng. Đặc biệt, tạo động lực cho các hộ nông dân sản xuất theo mô hình trang trại, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, hạ giá thành sản phẩm và tăng thu nhập. Về phía doanh nghiệp, chủ động về nguồn cung sản phẩm nông nghiệp, chất lượng được quản lý, giá cả ổn định, thuận lợi trong quá trình liên kết với nông dân và có sự cam kết rõ ràng về số lượng, chất lượng, thời gian cung cấp sản phẩm,… thông qua hợp đồng liên kết;...

Giám đốc HTX Gò Gòn (huyện Tân Hưng) - Trương Hữu Trí cho biết: “Việc xây dựng CĐL sẽ hình thành những vùng sản xuất tập trung, từ đó ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để sản xuất ra nông sản với khối lượng lớn và chất lượng bảo đảm nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là một trong những giải pháp góp phần thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương”.

Tại HTX Gò Gòn, nông dân liên kết sản xuất khoảng 560ha. Tham gia HTX, nông dân được tập huấn kỹ thuật; ưu đãi mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá gốc của đại lý cấp 1; hỗ trợ giống với giá gốc, góp phần giảm chi phí sản xuất. HTX sản xuất lúa theo quy trình GAP nên đầu ra luôn ổn định. Mỗi mùa vụ, doanh nghiệp tìm đến và thu mua lúa với giá cao hơn thị trường từ 200-500 đồng/kg” - ông Trí chia sẻ thêm. 

Ông Võ Văn Tung - thành viên HTX Gò Gòn, nói: “Tôi tham gia liên kết sản xuất CĐL với diện tích 5ha. Tham gia sản xuất trong CĐL, tôi thấy có nhiều lợi ích, nông dân được hướng dẫn ứng dụng khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật. Ước tính mỗi hécta, tôi giảm được 2-3 triệu đồng chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng 3-5 triệu đồng. Nông dân chúng tôi cũng không sợ bị thương lái ép giá”.

Cũng như ông Tung, anh Nguyễn Văn Thiêm, ngụ xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, nhiều năm nay tham gia sản xuất trong CĐL. Anh Thiêm cho biết, việc liên kết sản xuất mang lại cho nông dân nhiều lợi ích. Đó là đầu ra nông sản ổn định, chất lượng lúa
bảo đảm, hiệu quả kinh tế tăng, không phải lo ảnh hưởng bởi tình trạng trúng mùa, rớt giá,... Gia đình anh canh tác hơn 10ha, mỗi năm sản xuất 2 vụ theo mô hình CĐL, sau khi trừ chi phí, lãi hơn 100 triệu đồng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Chảnh cho biết: “Nhìn chung, mô hình liên kết sản xuất CĐL giúp nông dân nâng cao trình độ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; giảm chi phí đầu tư; nông sản có đầu ra ổn định; lợi nhuận tăng từ 1-10 triệu đồng/ha so với bình quân chung toàn huyện. Vụ Đông Xuân 2018-2019, diện tích liên kết 2.764,9ha, có 13 đơn vị doanh nghiệp tham gia; vụ Hè Thu 2019, diện tích liên kết 2.093,5ha, có 5 đơn vị doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, việc liên kết cũng gặp khó khăn và khó nhân rộng vì thay đổi quy định về doanh nghiệp xuất khẩu lúa, gạo không bị ràng buộc về nguồn gốc sản phẩm, vùng nguyên liệu nên phần lớn các doanh nghiệp quay lại phương thức thu mua truyền thống qua “cò” và thương lái; hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và người dân đôi khi thiếu chặt chẽ”.

Không riêng gì cây lúa, thời gian qua, trên cây rau, nông dân liên kết sản xuất CĐL cũng đạt hiệu quả cao. Huyện Cần Giuộc xây dựng được 22 tổ liên kết rau an toàn và 14 HTX rau, trong đó có 6 HTX đạt chuẩn VietGAP; 2 HTX được cấp chứng nhận sản xuất rau theo chuỗi an toàn thực phẩm. Ngoài ra, người trồng rau tự nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao trên 1.000ha. Giám đốc HTX Phước Thịnh - Đặng Duy Dũng chia sẻ: “Nông dân liên kết sản xuất, đặc biệt là sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả cao: Rau phát triển tốt hơn; sâu, bệnh ít hơn; giảm được số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và công lao động,...; năng suất cao hơn 15-20%, lợi nhuận nhiều hơn khoảng 2-6 triệu đồng/1.000m2 đất so với trồng theo phương pháp truyền thống, đầu ra cũng ổn định hơn”.

Nông dân liên kết sản xuất rau màu đạt hiệu quả

“Sự thành công của các mô hình hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ, xây dựng CĐL tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người dân và cán bộ chính quyền các cấp về tính tất yếu phải hợp tác, liên kết trong phát triển nông nghiệp hiện nay. Chỉ có hợp tác, liên kết mới giải được bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trước những biến động của thị trường” - ông Dũng cho biết.

Cần duy trì hiệu quả

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, để xây dựng thành công các CĐL, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh kiện toàn HTX; thúc đẩy việc dồn điền, đổi thửa tạo diện tích lớn để tổ chức sản xuất; tăng cường tập huấn những giải pháp khoa học - kỹ thuật tiên tiến phục vụ sản xuất. Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn tổ chức các lớp tập huấn nhằm hướng dẫn, khuyến khích nông dân tham gia dự án sản xuất đạt chứng nhận hoặc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hoặc các tiêu chuẩn khác đáp ứng yêu cầu của thị trường.

“Hiện nay, trong xây dựng CĐL, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân vẫn được xem là hiệu quả trong việc tổ chức sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, bởi quá trình sản xuất được cơ giới hóa, áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến; công tác bảo quản, sơ chế được quan tâm, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Tuy nhiên, cần có sự hỗ trợ các HTX về kiến thức quản lý cũng như kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp liên kết cùng các HTX, hộ nông dân để tổ chức sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, ngành tập trung tuyên truyền sâu, rộng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nông dân về vai trò, vị trí của HTX nông nghiệp trong cơ chế thị trường; học tập, nghiên cứu các mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả gắn sản xuất liên kết, liên doanh sản xuất hàng hóa trong hoặc ngoài tỉnh. Ngoài ra, các HTX phải chủ động, nỗ lực, phấn đấu vươn lên bằng chính nội lực của mình, xây dựng được định hướng kinh doanh phù hợp; đổi mới thật sự cả về nhận thức lẫn phương pháp thực hiện, quản lý, chế độ phân phối và tích lũy để tổ chức lại hoạt động dịch vụ, hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn liền với lợi ích của các thành viên, cả lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội. HTX phải thường xuyên bám sát chương trình phát triển KT-XH của tỉnh và từng địa phương để xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch hoạt động của đơn vị” - ông Thiện cho biết thêm./.

Vụ lúa Đông Xuân 2019-2020, đến thời điểm này có 5 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã tham gia cánh đồng lớn với kế hoạch đăng ký 1.770ha.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết