Tiếng Việt | English

31/12/2017 - 15:53

Long An: Những dấu ấn đặc biệt năm 2017

Bằng sự đoàn kết, đồng lòng giữa Đảng - chính quyền - nhân dân Long An, năm 2017 kết thúc với những thành quả ấn tượng trên các lĩnh vực KT-XH,... Để tiếp nối những thành công, tỉnh tiếp tục nỗ lực tạo ra những phong trào thi đua mới nhằm phát triển bền vững hơn.

Phát triển công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Hữu Lý

Kinh tế chuyển biến tích cực

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần nhận định: “Kết thúc năm 2017, bằng sự đoàn kết, đồng lòng giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, KT-XH của tỉnh chuyển biến tích cực, có bước đột phá, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân từng bước được nâng cao. Kết quả nổi bật nhất năm 2017 là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 9,53%, vượt chỉ tiêu nghị quyết (9,2%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ và nông - lâm - ngư nghiệp, trong đó, khu vực II tăng trưởng khá cao 15,83% (cùng kỳ tăng 14,2%), khu vực III tăng 6,96%, riêng khu vực I đạt mức tăng trưởng 1,19% (6 tháng đầu năm âm 2,02%). GRDP bình quân đầu người đạt 61 triệu đồng/năm”.

Ngành công nghiệp tiếp tục phát triển, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chỉ số phát triển công nghiệp duy trì tăng trưởng cao, giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2017 (giá so sánh năm 2010) là 182.800 tỉ đồng, đạt 111,7% kế hoạch, tăng 16,8% so cùng kỳ năm 2016; công nghiệp chế biến luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh với tỷ trọng cao, hơn 98% của toàn ngành.

Công tác tổ chức đối thoại giữa cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp (DN) được tăng cường nhằm thông tin, hướng dẫn, giải đáp cơ chế, chính sách kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo sự thân thiện và hài lòng của các DN đối với cơ quan quản lý nhà nước.

Đặc biệt, năm 2017, hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ DN được tăng cường thông qua đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với DN Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), DN ở các địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế công nghiệp; tổ chức chương trình khởi sự DN;... Từ hoạt động đối thoại, niềm tin từ nhà DN đối với lãnh đạo tỉnh được củng cố, phát triển, đạt bước tiến trong cải thiện môi trường đầu tư. Môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, góp phần quan trọng để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và đặc biệt là thu hút đầu tư. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có trên 9.500 DN đang hoạt động, tổng vốn đăng ký trên 224.742 tỉ đồng. Tổng số dự án FDI đăng ký trên địa bàn tỉnh đến nay là 863 dự án với tổng số vốn 5.469 triệu USD.

Ngành công nghiệp tiếp tục phát triển, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Liên kết đầu tư, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Năm 2017, lĩnh vực nông nghiệp tuy mức tăng trưởng đạt thấp nhưng chuyển biến mạnh theo hướng tái cơ cấu gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Lê Văn Hoàng nhận định: “Hiện nay, lúa vẫn là cây trồng chủ lực và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành với sản lượng bình quân 2,75 triệu tấn/năm, được tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn trên cơ sở liên kết ngày càng hiệu quả giữa “4 nhà”, tỷ trọng lúa chất lượng cao đạt trên 40%. Đặc biệt, tỉnh có trên 10.000ha đất lúa chuyển sang trồng thanh long, chanh và nuôi thủy sản,... với hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trồng rau sạch, nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ mới có xu hướng tăng nhanh”.

Đặc biệt, thời gian qua, Long An thực hiện nhiều cuộc xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm rau sạch. Từ các cuộc xúc tiến thương mại này, nhiều DN, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh tìm được thị trường tiêu thụ rau sạch với số lượng lớn, dần dần thích nghi với cơ chế thị trường, thể hiện sự năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh.

Điển hình như HTX TMDV Phước Thịnh (ấp Trung, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc). Giám đốc HTX TMDV Phước Thịnh - Đặng Duy Dũng cho biết: “Ngoài chọn hướng đi là trồng rau sạch theo hướng VietGAP, HTX xây dựng nhà sơ chế đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Đến nay, HTX ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho bếp ăn tập thể của nhiều DN tại TP.HCM, Long An và DN đầu mối phân phối sản phẩm”.

Sở NN&PTNT tỉnh Long An và Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM còn ký kết phối hợp sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các chuỗi cung ứng nông sản giữa 2 địa phương giai đoạn 2017-2020. Mục tiêu của Long An là từng bước nâng thị phần, sản lượng nông sản an toàn tiêu thụ trên địa bàn TP.HCM; phấn đấu đến năm 2020, phần lớn nông sản chủ lực của tỉnh tiêu thụ trên địa bàn TP.HCM được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi.

Bên cạnh liên kết với TP.HCM, Long An còn đặc biệt chú trọng phối hợp 2 tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp thực hiện Đề án “Liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười”. Đây là cơ sở để thúc đẩy liên kết đầu tư giữa 3 địa phương; trong đó, chú trọng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; ứng phó với biến đổi khí hậu; xúc tiến đầu tư, thiết lập hệ thống thông tin vùng và đề xuất được đầu tư các danh mục công trình giao thông kết nối trong khu vực và TP.HCM.

Rau sạch thời gian qua có chỗ đứng khá vững trên thị trường TP.HCM

Khởi sắc từ chương trình nông thôn mới

Vòng quanh xã văn hóa, nông thôn mới Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc những ngày cuối năm, chúng tôi nhận thấy, cuộc sống của người dân nơi đây khởi sắc từng ngày. Ông Nguyễn Thanh Tới, ngụ ấp Lộc Hậu, chia sẻ: “Kinh tế gia đình tôi dựa vào trồng rau màu. Mấy năm nay, từ chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân có lợi rất nhiều. Bởi, nhiều tuyến đường trong xã được nâng cấp khang trang, tạo điều kiện cho người dân đi lại và giao thương dễ dàng. Từ đó, đời sống kinh tế lẫn tinh thần cải thiện rất rõ nét”.

Không riêng ông Tới hay người dân ở xã Mỹ Lộc vui mừng, phấn khởi mà những người dân ở các địa phương trong tỉnh cũng có cùng niềm vui như thế, bởi trên địa bàn tỉnh hiện nay, việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đang được đẩy mạnh, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Ước đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với chương trình này, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chương trình giảm nghèo,... đạt những kết quả đáng phấn khởi, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Phong trào xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị được tập trung đẩy mạnh thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020). Đến nay, toàn tỉnh có 111/192 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa, văn minh đô thị (chiếm 57,6%).

Mùa xuân đang đến thật gần! Mỗi người dân Long An hôm nay đều cảm nhận rõ niềm vinh dự, tự hào về những thành quả lớn lao trong phát triển toàn diện của tỉnh, đặc biệt là những dấu ấn nổi bật về phát triển KT-XH khẳng định vai trò, vị thế của tỉnh trên tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết