Tiếng Việt | English

24/11/2017 - 16:51

Mảng xanh trong đô thị

Trong phát triển đô thị, cây xanh, công viên, mặt nước là những thành tố khá quan trọng. Đó không chỉ là “lá phổi xanh” giúp điều hòa không khí, cải thiện ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan đô thị,... mà còn gắn bó mật thiết với con người và môi trường sống.


Trong quá trình phát triển đô thị, rất cần nhiều mảng xanh

“Lá phổi xanh” của đô thị

Thời gian qua, Long An chú trọng chăm sóc cây xanh, cây cảnh, công viên,... ở những đô thị và các khu dân cư, cơ quan, đơn vị,... Tuy nhiên, phần lớn cây tập trung chủ yếu ở những tuyến đường lớn. Chủng loại cây tuy phong phú nhưng “tuổi đời” còn ít, những cây nhỏ chiếm phần lớn diện tích.

Sau giờ tan ca, chị Nguyễn Thị Mai Thảo, ngụ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, dẫn con dạo chơi trong khuôn viên của đường số 10, Khu dân cư thị trấn Bến Lức. Buổi chiều tại đây khá yên ả, thoáng mát. Các tuyến đường sạch, đẹp với những hàng cây xanh thẳng tắp, tỏa bóng mát. Có được một nơi như vậy, với chị Thảo và nhiều người thật lý tưởng! Chị nói: “Chúng tôi làm công nhân nên ít có thời gian vui chơi, giải trí. Gần đây, khu vực này được trồng nhiều cây xanh, hoa, thảm cỏ,... rất đẹp lại thoáng mát. Mỗi khi có dịp là tôi lại ra đây thư giãn, hít thở không khí trong lành”.

Theo UBND huyện Bến Lức, không chỉ các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước mà các doanh nghiệp cũng chú trọng đến mảng xanh. Đặc biệt, khi một dự án dân cư đi vào hoạt động, chủ đầu tư buộc phải thực hiện một số hạng mục công trình, trong đó có phần xây dựng cảnh quan, cây xanh theo quy định. Mới đây, thực hiện chỉ thị của Huyện ủy Bến Lức, nhiều địa phương trong huyện xây dựng các tuyến đường “trật tự, sáng, xanh, sạch, đẹp” bảo đảm 10 nội dung, trong đó: Có hệ thống đèn chiếu sáng trên toàn tuyến, 2 bên tuyến đường có trồng cây xanh với khoảng cách hợp lý, không có cỏ dại, thông thoáng, sạch, đẹp; không có rác thải trên toàn tuyến đường, có thùng rác hợp vệ sinh được bố trí phù hợp, tổ chức thu gom và xử lý rác thường xuyên đúng quy định;...

Tại Tân An cũng có những nơi như thế, nhất là các công viên trên địa bàn thành phố. Để duy trì mảng xanh này, công nhân của Đội Cây xanh thuộc Công ty Cổ phần Đô thị Tân An chia nhau từng khu vực để tiện theo dõi, chăm sóc cây xanh, cây cảnh và hoa. Gắn bó với việc chăm sóc cây xanh hơn 20 năm, ông Đoàn Ngọc Cẩm làm việc không chỉ vì trách nhiệm mà còn là sự yêu thích. Ông chia sẻ: “Cây xanh ở đây được chọn lựa để phù hợp với từng tuyến đường. Mỗi ngày, phải theo dõi, chăm sóc kỹ lưỡng, cây xanh mới phát triển tốt. Chăm sóc cây, tôi thuộc tên và đặc tính của từng loại và tìm được niềm vui với công việc này”.


Ông Đoàn Ngọc Cẩm chăm sóc cây xanh

Theo Sở Giao thông Vận tải, trước đây, khi được công nhận đô thị loại III, TP.Tân An chưa bảo đảm về hệ thống cây xanh. Hiện tại, dù đạt tiêu chí này nhưng để thành phố được công nhận đô thị loại II trước năm 2020, Tân An cần rà soát lại nhiều tiêu chí, trong đó, cần chú trọng quy hoạch, duy tu, bảo dưỡng những mảng xanh sao cho hợp lý và hài hòa với môi trường sống.

Long An hiện có 8 đô thị , trong đó, 1 đô thị loại III (TP.Tân An), 6 đô thị loại IV (thị xã Kiến Tường; các thị trấn: Hậu Nghĩa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa), 1 đô thị vừa được công nhận loại V (Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa) và 9 đô thị loại V dự kiến được công nhận trong quí IV-2017.

Chương trình phát triển đô thị đến năm 2020, Long An sẽ có 23 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II (Tân An), 3 đô thị loại III (Kiến Tường, Bến Lức, Hậu Nghĩa), 10 đô thị loại IV và 9 đô thị loại V.

(nguồn Sở Xây dựng)

Kinh phí eo hẹp

Mỗi năm, các đô thị trong tỉnh đều được bổ sung nguồn vốn nhất định. Tuy nhiên, theo quyền Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bến Lức - Nguyễn Thành Nam, hiện thị trấn Bến Lức (đạt đô thị loại IV), kinh phí mỗi năm được cấp khoảng 8,5 tỉ đồng, bao gồm rất nhiều hạng mục công trình, trong đó có cây xanh. Nguồn kinh phí này còn eo hẹp dù xét về tỷ lệ cây xanh, thị trấn vẫn chưa đủ.

Theo quy hoạch, huyện bố trí mảng cây xanh lớn ở 2 bên dốc cầu Bến Lức với kinh phí khá lớn nên chưa thể thực hiện. Trước mắt, huyện có nguồn vốn khoảng 10 tỉ đồng để chỉnh trang, trồng cây xanh tại đường Phan Văn Mảng và 2 bên cầu Bến Lức.

Hiện nay, huyện giao việc chăm sóc cây xanh, thảm cỏ cho Công ty Đô thị Bến Lức,... Còn với các dự án khu dân cư hay các doanh nghiệp thì nơi đó tự quản lý. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, về lâu dài, những dự án này đều phải bàn giao về huyện, khi ấy sẽ phát sinh thêm chi phí chăm sóc.


Công viên Nguyễn Thị Bảy, thị trấn Cần Giuộc, với nhiều cây xanh tạo bóng mát cho học sinh học tập, vui chơi

Còn Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cần Giuộc - Phạm Tấn Lợi thông tin: Thị trấn Cần Giuộc là đô thị loại IV, tỷ lệ cây xanh đạt theo quy định. Hàng năm, huyện đều dành kinh phí đầu tư, chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Bên cạnh đó, vào dịp lễ hoặc những đợt ra quân hưởng ứng vệ sinh - môi trường, các đơn vị xã, thị trấn trong huyện đều vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cây xanh để trồng ở một số tuyến đường mới, vừa giảm chi phí, vừa tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Huỳnh Văn Nhịn cho biết, trong tiến trình phát triển đô thị, thành phố luôn chú trọng thực hiện nhiều tiêu chí, trong đó có xây dựng kết cấu hạ tầng và môi trường đô thị. Thành phố có cảnh quan vùng sông nước đặc trưng, công trình bờ kè dọc sông Bảo Định hình thành và đưa vào sử dụng với hệ thống giao thông, chiếu sáng và cây xanh được đầu tư kèm theo, tạo điểm nhấn nổi bật. Đặc biệt là hệ thống cây xanh tập trung trên địa bàn gồm có các công viên, vườn hoa lớn, nhỏ,... Ngoài ra, còn có những công viên, vườn hoa nhỏ xen lẫn trong các khu dân cư,... Hệ thống công viên phát triển mạnh, nhiều mảng xanh đô thị được đầu tư tạo không gian xanh, sạch. Toàn thành phố hiện có trên 20 mảng cây xanh, 6 công viên, trên 9.000 cây xanh loại 1; đất cây xanh đô thị của TP.Tân An đạt 11,4m2/người (vượt ngưỡng quy định đô thị loại II).

Tuy nhiên, mỗi năm, chi phí chăm sóc cây xanh còn khá ít (hơn 100.000 đồng/cây/năm). Trong khi đó, để nâng chất các tiêu chí đô thị, không chỉ có mảng xanh mà đi kèm còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn.

Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng nhận định, khi thực hiện quy hoạch đô thị, từng đồ án đều có phần diện tích cây xanh, mặt nước trung bình lớn hơn 10%.

Hiện nay, đô thị xanh là xu hướng tất yếu trong quy hoạch. Theo đó, đô thị xanh phải đạt nhiều tiêu chí, trong đó, phải có không gian xanh, công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh, chất lượng môi trường đô thị xanh; bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa,... Do đó, việc quy hoạch, xây dựng các đô thị phải chú trọng yếu tố thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, các địa phương gặp không ít khó khăn về nguồn vốn để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là các công trình có tính chất động lực nhằm thúc đẩy sự phát triển đô thị và thu hút vốn đầu tư xã hội hóa./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết