Tiếng Việt | English

05/12/2017 - 10:04

Năm 2017, Long An có 19/21 chỉ tiêu đạt và vượt so với nghị quyết

Phát biểu khai mạc hội nghị, lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An khóa X, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh đề nghị các đại biểu nghiên cứu, thảo luận, đề xuất thêm các nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả, khả thi để bảo đảm năm 2018 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 9,3 - 9,5% và triển khai đạt kết quả tạo bước ngoặc trong việc thực hiện các chương trình đột phá, công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X.

Khu vực I (nông, lâm, ngư nghiệp) tăng trưởng dương

Năm 2017, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá, đạt 9,5% (chỉ tiêu Nghị quyết 9,2%). Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, tập trung thảo luận tại các tổ. Trong đó, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, sản xuất nông nghiệp được tập trung chỉ đạo chặt chẽ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, ứng phó có hiệu quả với tình hình lũ lụt, giảm thấp nhất thiệt hại, góp phần cho khu vực I đạt mức tăng trưởng dương. Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được đẩy mạnh triển khai thực hiện. Thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng, nhất là kết nối với thị trường TP.HCM và xuất khẩu, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân.

6 tháng cuối năm 2017, sản xuất nông nghiệp được tập trung đầu tư gắn với ứng dụng công nghệ cao, góp phần cho khu vực I đạt mức tăng trưởng dương

Đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới từng bước hướng vào tính bền vững, thực chất của từng tiêu chí. Trong năm 2017, toàn tỉnh có thêm 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chỉ tiêu nghị quyết, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến cuối năm lên 66 xã, chiếm 40% tổng số xã toàn tỉnh. Số tiêu chí đạt bình quân/xã là 13,3 tiêu chí/xã. Tỉnh tiếp tục phối hợp tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp xây dựng Đề án liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười; trong đó, chú trọng liên kết trên lĩnh vực giao thông, thủy lợi, liên kết vùng sản xuất các cây, con chủ lực, phát triển du lịch.

Kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển khá toàn diện

Nổi bật, chỉ tiêu thu ngân sách của tỉnh vượt so với nghị quyết, đưa Long An trở thành một trong số các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có số thu ngân sách trên 10.000 tỉ đồng. Tiến độ, khối lượng xây dựng cơ bản và giải ngân đạt kế hoạch. Các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và 3 công trình trọng điểm của tỉnh, đạt một số kết quả bước đầu.

Văn hóa - xã hội phát triển ổn định. Quy mô, mạng lưới, cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành Giáo dục và Y tế được quan tâm, đầu tư, nâng cấp theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng đi vào thực chất, nhất là việc đánh giá, công nhận các danh hiệu về văn hóa. Công tác xã hội hóa trên các lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến, thu hút các nguồn lực xã hội cùng tham gia đầu tư. Qua đó, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, nhất là ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Tăng trưởng kinh tế chưa ổn định giữa các khu vực

Dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn chưa thật sự bền vững, tốc độ tăng trưởng của khu vực I và khu vực III không đạt kế hoạch. Có 2/21 chỉ tiêu nghị quyết năm 2017 không đạt: Tỷ lệ đầu tư xã hội trên GRDP, sản lượng lương thực. Việc triển khai xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng đời sống văn hóa có mặt còn bất cập, chưa bảo đảm thực chất. Quy hoạch thu hút đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa tốt, thu hút doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực này còn hạn chế, bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư.

6 tháng cuối năm 2017, sản xuất nông nghiệp được tập trung đầu tư gắn với ứng dụng công nghệ cao, góp phần cho khu vực I đạt mức tăng trưởng dương

Bên cạnh đó, tiến độ đầu tư hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp còn kéo dài. Vướng mắc về đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và tranh chấp của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tuy được tập trung giải quyết nhưng hiệu quả chưa cao. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là tình trạng trộm cắp, cướp giật, băng nhóm, tệ nạn ma túy phát sinh nhiều. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, đoàn thể, hội quần chúng chậm đổi mới, bệnh hành chính, hình thức, thành tích tuy có khắc phục nhưng hiệu quả chưa cao,...

Đại biểu tập trung thảo luận tổ về 5 nội dung quan trọng: Kết quả thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2017 và cho ý kiến đối với Nghị quyết của Tỉnh ủy về phương hướng nhiệm vụ năm 2018; kế hoạch đầu tư công, dự toán ngân sách năm 2018; sơ kết 2 năm thực hiện các chương trình đột phá, công trình trọng điểm của nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh; sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh Long An đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; đặc biệt là Đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh theo Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII./.

Năm 2017, khu vực I tăng trưởng dương (kế hoạch 1,5%), khu vực II tăng 14,5% (kế hoạch 13,5%), khu vực III tăng 7,0% (kế hoạch 8,0%). Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 62.160 tỉ đồng (theo giá so sánh 2010). GRDP bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/năm (nghị quyết là 56 triệu đồng/năm).

An Kỳ - Thanh Hiểu

Chia sẻ bài viết