Tiếng Việt | English

20/05/2019 - 09:01

Người chăn nuôi gặp khó

Hiện nay, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Long An gặp rất nhiều khó khăn khi mọi sản phẩm đầu ra đều giảm nhưng giá các loại đầu vào như thức ăn, thuốc thú y, điện, xăng,... đều tăng.

Người chăn nuôi heo điêu đứng

Sau hơn 2 tháng kể từ khi xuất hiện dịch tả heo châu Phi (DTHCP) tại một số tỉnh, thành trên cả nước, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh dù có heo đang phát triển tốt nhưng đều lo lắng, bất an vì giá heo giảm sâu và khó tiêu thụ. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển chăn nuôi và cần có giải pháp đồng bộ, kịp thời.

Người chăn nuôi điêu đứng vì giá sản phẩm đầu ra liên tục giảm mạnh mà giá thức ăn đầu vào không giảm

Người chăn nuôi điêu đứng vì giá sản phẩm đầu ra liên tục giảm mạnh mà giá thức ăn đầu vào không giảm

Theo ông Nguyễn Văn Giàu (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa): “Trước đây, khi chưa có thông tin về DTHCP xuất hiện, gia đình tôi thường bán heo hơi với giá từ 50.000-53.000 đồng/kg. Khi dịch bệnh xảy ra, giá heo lập tức giảm xuống và đến nay chỉ còn từ 33.000-35.000 đồng/kg mà vẫn không có thương lái đến mua. Gia đình tôi hiện có 30 con heo nái, hơn 150 con heo thịt đang trong giai đoạn xuất chuồng. Nếu tình trạng này kéo dài, gia đình tôi sẽ bị thua lỗ nặng”. Còn anh Nguyễn Công Trung (phường 3, TP.Tân An) cho biết: “Sau gần 2 năm chăn nuôi gặp “bão giá”, năm 2018, giá heo bắt đầu nhích lên thì lại xuất hiện bệnh lở mồm long móng rồi DTHCP vào quí I/2019 khiến những người chăn nuôi chúng tôi điêu đứng vì chưa kịp gỡ lại vốn. Ngoài chi phí về thức ăn, chúng tôi còn phải mua thêm thuốc khử trùng, tiêu độc, vôi bột để rắc xung quanh chuồng trại nhằm hạn chế sự lây lan của mầm bệnh. Biết bao nhiêu chi phí nhưng heo thì vẫn không bán được vì giá quá rẻ”.

Không chỉ người chăn nuôi mà ngay cả các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng “choáng váng” khi giá thức ăn cứ tăng liên tục. Anh Mai Hữu Tiến - chủ một đại lý thức ăn gia súc trên địa bàn phường 3, TP.Tân An, cho rằng: “Với giá đầu vào như hiện nay cộng thêm tình hình dịch bệnh khiến giá heo hơi tuột dốc, 10 người nuôi heo thì hết 8 người thua lỗ, trong đó không ít hộ phải đóng cửa trại để chuyển nghề. Người kinh doanh cũng “đau đầu” khi nhiều hộ nuôi không trả được tiền mua thức ăncho đại lý. Quí I/2019, đại lý của tôi giảm lợi nhuận khoảng 30%. Để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay, tôi sẵn sàng cho các hộ chăn nuôi chậm hoàn trả tiền thức ăn để có vốn tái đàn sau khi dịch bệnh không còn xảy ra”.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Phan Ngọc Châu thông tin: “Hiện nay, người chăn nuôi không chỉ gặp khó khăn khi phải tập trung ứng phó với dịch bệnh mà còn trong khâu tiêu thụ. Mặc dù DTHCP không lây sang người nhưng nhiều người dân, các trường học vẫn e dè khi sử dụng thịt heo. Để hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua khó khăn, chúng tôi phối hợp các đơn vị chức năng tổ chức các lớp tập huấn về DTHCP và cách phòng, chống nhằm nâng cao nhận thức cho các hộ chăn nuôi, đồng thời, khuyến cáo người dân chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học. Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan thông tin, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh cũng như cách phòng, chống để người dân không tẩy chay thịt heo”.

Người nuôi thủy sản lỗ nặng

Không riêng người chăn nuôi heo mà hiện nay, nhiều người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng lỗ nặng vì giá thành sản phẩm liên tục giảm. Tại các huyện vùng hạ: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành, nông dân phải đối mặt với giá tôm giảm kỷ lục. Theo thống kê, vụ tôm năm 2019, đến nay, toàn tỉnh thả nuôi 2.747,4ha tôm nước lợ, trong đó, thu hoạch 2.578,9ha, năng suất bình quân ước 2,2 tấn/ha, sản lượng 5.754,8 tấn. Hiện, tôm thẻ chân trắng cỡ 60-70 con/kg có giá từ 80.000-90.000 đồng/kg, cỡ 100-110 con/kg có giá từ 65.000-75.000 đồng/kg; tôm sú cỡ 40-50 con/kg có giá từ 190.000-200.000 đồng/kg, cỡ 70-80 con/kg có giá từ 100.000-120.000 đồng/kg. 

Người chăn nuôi điêu đứng vì giá sản phẩm đầu ra liên tục giảm mạnh mà giá thức ăn đầu vào không giảm

Ông Nguyễn Văn Sơn (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) nói: “Tôi có hơn 10 năm gắn bó với con tôm. Nuôi được con tôm cho đến ngày thu hoạch là cả một vấn đề, tiêu tốn bao nhiêu tiền của cho con giống, thức ăn, lại mất ăn, mất ngủ vì lo sợ dịch bệnh. Chưa kịp vui khi đến mùa thu hoạch thì giá tôm năm nay lại giảm mạnh, tôm có kích cỡ 100 con/kg chỉ bán được với giá 75.000 đồng/kg là cao lắm rồi. Nếu so với năm trước, cỡ tôm này phải bán được trên 90.000 đồng/kg.Tính ra, vụ tôm này mất đứt 30% lợi nhuận. Hiện tại, tôi còn 1 ao đến kỳ thu hoạch nhưng cố nuôi thêm một thời gian để chờ giá lên”.

“Hiện nay, giá thức ăn, tôm giống thì không giảm nhưng giá tôm thương phẩm liên tục giảm. Với giá tôm thẻ chân trắng như hiện nay thì coi như lỗ vì không đủ tiền giống, thức ăn, tiền điện,...” - ông Sơn ngán ngẩm nói.

Còn tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười, tình hình ươm nuôi cá tra giống của người dân cũng gặp khó khăn về giá và bệnh. Đến nay, tổng diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang ươm cá tra giống khoảng 3.359,9ha (2.213 hộ), tập trung chủ yếu tại các huyện: Tân Hưng (1.694,76ha), Tân Thạnh (1.294,96ha), Vĩnh Hưng (149,5ha), Thạnh Hóa (84,3ha), Mộc Hóa (86ha) và thị xã Kiến Tường (50,4ha). Ông Đỗ Tương Liêm (xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh) cho biết: “Tôi nuôi cá tra giống được 2 vụ nhưng toàn lỗ. Qua 2 vụ nuôi, tôi lỗ khoảng 300 triệu đồng, cộng với chi phí đào ao, trang thiết bị phục vụ quá trình nuôi,... gia đình thiếu nợ hơn 400 triệu đồng. Bây giờ, đi tới đâu trên các vùng ươm cá tra giống, tôi cũng nghe người nuôi than cá bị nhiễm bệnh, ươm không đạt, giá cả bấp bênh, thua lỗ nặng”.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, nguyên nhân dẫn đến người dân ươm nuôi cá tra giống thua lỗ bên cạnh về giá giảm, còn do chất lượng con giống không bảo đảm, thiếu kiến thức, kỹ thuật ươm nuôi cá. Trước thực trạng trên, tỉnh tăng cường quản lý hoạt động ươm cá tra giống, rà soát vùng nuôi để có đầu tư xây dựng mô hình ươm cá bột ứng dụng công nghệ cao (ươm 2 giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học cải tạo môi trường nuôi,...), tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi thủy sản cho nông dân nhằm giảm thiểu rủi ro trong sản xuất và bảo vệ môi trường. Tỉnh tổ chức giám sát chất lượng môi trường nước, dự báo diễn biến môi trường cũng như dịch bệnh có thể phát sinh, từ đó có giải pháp xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quản lý chặt chẽ nguồn vật tư hóa chất cung ứng trên thị trường phục vụ nuôi trồng thủy sản theo quy định của Nhà nước, đồng thời, củng cố liên kết với các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho cá tra, giúp nông dân an tâm trong canh tác cá tra bột./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết