Tiếng Việt | English

05/07/2020 - 10:25

Sau dịch bệnh Covid-19, thị trường khởi sắc

Thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh Long An đã khởi sắc trở lại thể hiện qua sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sức mua tại các trung tâm thương mại, chợ dân sinh, siêu thị,… tăng mạnh. Đây được xem là khởi đầu tích cực cho thời kỳ khôi phục trở lại của ngành bán lẻ, dịch vụ sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Thị trường khởi sắc

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Giám đốc Công ty (Cty) Chế biến nước chấm Mekong (xã Đức Hòa Hạ, Đức Hòa) - Phan Bảo Tâm cho biết, Cty đang phát triển theo hướng đa ngành trong sản xuất, chế biến nước chấm gia vị với nhiều mặt hàng như nước tương, nước mắm, tương ớt, tương ăn phở, satế và satế tôm, giấm và giấm gạo lên men. Cty đang phát triển lớn mạnh và sở hữu những thương hiệu: Mekong, Đầu Bếp, Mekomex. Nhiều năm liền, nước chấm Mekong được bầu chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao và đã xuất khẩu sang nhiều nước như Ba Lan, Nga, Australia, Campuchia, Mỹ, Georgia, Belarus, Azerbaijan, Hàn Quốc, Đài Loan,... Để có thành công này cũng như đón đầu hội nhập kinh tế quốc tế, Cty tiến hành thay đổi trang thiết bị hiện đại, kết hợp với quy trình công nghệ tiên tiến cho ra đời những sản phẩm sạch và an toàn bảo đảm theo tiêu chuẩn Bộ Y tế.

Sau thời gian dài ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, thời điểm này, thị trường bán lẻ đã khởi sắc trở lại. Tuy doanh số bán ra chưa bằng cùng kỳ các năm trước, nhưng so với thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội doanh số bán ra đã đạt 70%. Trong đó, doanh số tiêu thụ nội địa đã phục hồi 80%, nhưng ngược lại, xuất khẩu chỉ đạt khoảng 30%. Tuy dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng Cty không ảnh hưởng quá nặng nề bởi luôn ở thế chủ động trong sản xuất. Tất cả nguồn nguyên liệu phục vụ chuỗi sản xuất đều trong nước. Nguồn nguyên liệu các loại đậu đều được thu mua từ huyện Đức Hòa, một số huyện lân cận. Riêng các loại ớt, cà,... đều được liên kết sản xuất từ các nông trường lớn trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn nguyên liệu tại chỗ, công nghệ tiên tiến, sản phẩm đáp ứng tiêu chí an toàn thực phẩm và chọn lựa phân khúc thị trường bình dân đã giúp Cty thành công và kinh doanh ổn định.

Ngày 29-6-2020, tại huyện Châu Thành, thông qua sự kết nối, xúc tiến thương mại từ Sở Công Thương tỉnh, Hiệp hội Thanh long Long An và Tập đoàn Lavifood đã ký kết thỏa thuận hợp tác về hình thức bao tiêu và diện tích bao tiêu thanh long. Theo thỏa thuận này, Cty TNHH LaviAgri, là thành viên của Tập đoàn Lavifood sẽ mua thanh long ruột đỏ được trồng tại huyện Châu Thành, Tân Trụ theo quy trình canh tác sạch, có đầy đủ nhật ký canh tác. Bình quân Cty này sẽ thu mua từ 3.000-3.500 tấn/năm theo tiêu chuẩn mà phía đơn vị bao tiêu đặt ra. Giá mua sẽ được thỏa thuận theo từng thời điểm thu hoạch trong năm.

Hiệp hội Thanh long Long An và Tập đoàn Lavifood đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác về hình thức bao tiêu và diện tích bao tiêu thanh long với sự chứng kiến của lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Châu Thành

Phó Giám đốc Tập đoàn Lavifood - Đinh Hùng Dũng cho biết, Long An có vùng trồng thanh long ổn định và chất lượng trái tốt. Việc ký kết thỏa thuận này giúp Cty có nguồn nguyên liệu tốt phục vụ xuất khẩu, chế biến. Hiện tại, Cty đã ký kết thương mại với một tập đoàn bán lẻ tại Mỹ. Khi thu mua thanh long, đối với trái có mẫu mã chất lượng sẽ được phân loại dành cho xuất khẩu trái tươi. Phần còn lại, Cty sẽ dùng chế biến sâu từ đầu đến cuối sản phẩm nhằm tạo ra chuỗi giá trị gia tăng như đóng lon thành nước ép phục vụ thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Ông Đinh Hùng Dũng chia sẻ thêm, thị trường xuất khẩu tại các nước tuy chưa bằng cùng kỳ các năm trước nhưng dần khởi sắc trở lại sau thời gian dài trầm lắng vì dịch bệnh Covid-19. Thuận lợi lớn của các doanh nghiệp hiện nay là được tạo điều kiện để xuất khẩu chính ngạch. Chính vì vậy, Cty đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để nắm lấy cơ hội trong thách thức, sớm khôi phục đà tăng trưởng xuất khẩu.

Cuộc chiến đường dài

Theo ông Phan Bảo Tâm, để có thể giữ vững chuỗi sản xuất, ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do Cty chọn nhiều phương án. Trong đó, có thể kể đến hầu hết sản phẩm đều lựa chọn phân khúc thị trường là tầng lớp bình dân, chiếm số lượng lớn trong xã hội. Bên cạnh đó, Cty nhận diện được rằng sau một thời gian dài bị kìm nén do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đây là thời điểm sức mua mạnh và các chương trình kích cầu, khuyến mãi, đóng vai trò quan trọng để kích thích tiêu dùng nội địa.

Công nhân sản xuất tại Công ty Mekong

Tại buổi lễ ký kết hợp đồng, ông Đinh Hùng Dũng cho rằng, thị trường tiêu thụ thanh long của Long An cũng như Tiền Giang, Bình Thuận là Trung Quốc. Tuy nhiên, tại nước này, thanh long được phát triển trồng trọt khoảng 40.000ha, tương lai sẽ tăng vọt và sẽ có cuộc chiến cạnh tranh thị trường, giá cả trên thế giới do họ trồng trên vùng tập trung. Với mong muốn mang đến sự khác biệt trong cạnh tranh, Cty đang phối hợp các viện nghiên cứu cải thiện giống nhằm cho trái đạt chất lượng dựa trên 3 yếu tố: Màu sắc, độ ngọt và mùi vị. Sự cải thiện về giống thành công sẽ mang tính chất dẫn dắt thị trường và tạo sự khác biệt để cạnh tranh thật tốt. Việc ký kết hợp tác này, Cty mong muốn bắt tay chặt chẽ với chính quyền địa phương, nông dân để xác định lại từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến,... nhằm gia tăng hiệu quả đầu tư, trồng trọt từ nông dân, mang lại chuỗi giá trị kinh tế cao nhất trong tất cả các khâu sản xuất.

Chủ tịch Hiệp hội Thanh long - Nguyễn Quốc Trịnh phấn khởi, việc hợp tác về tiêu thụ thanh long sẽ nâng tổng số diện tích thanh long được bao tiêu trên địa bàn huyện Châu Thành lên gần 1.000ha trong tổng diện tích 9.000ha thanh long đang cho trái. Việc ký kết này là bước khởi đầu tốt, phân định rõ trách nhiệm từng bên, phía người dân trồng thanh long phải chịu tham gia một cách có trách nhiệm, uy tín. Bởi khi người trồng tham gia chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm là hướng đến lợi ích bền vững, lâu dài.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh cũng như Sở Công Thương luôn mời gọi doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến nông sản, nhất là thanh long. Việc xúc tiến ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Thanh long và Tập đoàn Lavifood là tín hiệu khá tích cực sau thời gian dài dịch bệnh Covid-19 xảy ra làm ảnh hưởng không nhỏ đến người trồng trọt lẫn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhất là nông sản, hàng tiêu dùng./.

6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đạt gần 43.000 tỉ đồng, giảm 3,13% so cùng kỳ (cùng kỳ năm trước tăng 15,43%). Trong tổng thể, doanh thu bán bán lẻ hàng hóa vẫn có tăng trưởng dù không cao (tăng 0,77%), đạt 37.200 tỉ đồng; trong khi đó, các dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành, dịch vụ khác đều giảm từ 15-26% so cùng kỳ.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết