Tiếng Việt | English

13/01/2018 - 10:05

Trường THPT Rạch Kiến: Sân khấu hóa, điện ảnh hóa các tác phẩm văn học

Không chỉ được truyền thụ kiến thức, trong môn Ngữ văn, học sinh (HS) Trường THPT Rạch Kiến (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) còn được trải nghiệm, sáng tạo, phát huy năng lực và hòa mình vào nghệ thuật của văn chương thông qua hoạt động sân khấu hóa, điện ảnh hóa tác phẩm văn học.

Phong phú các hoạt động trải nghiệm

"Dạy Văn mà không đem được cái hay, cái đẹp của văn học đến với tâm hồn người học, không đưa được người học hòa mình vào thế giới nghệ thuật của văn chương thì dù giáo viên (GV) có tài thuyết giảng thế nào, HS vẫn mãi quay lưng. Bởi, khi HS chưa có tâm thế của người nhập cuộc trong hành trình khám phá, chiếm lĩnh tri thức từ tác phẩm thì việc thờ ơ, chán ngán khi học văn là điều dễ hiểu" - Đó là nhận định của thầy Nguyễn Trọng Hoàng - GV môn Ngữ văn, Trường THPT Rạch Kiến - "cha đẻ" của các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, tạo hứng thú cho HS đối với văn học.

Học sinh sân khấu hóa tác phẩm văn học qua loại hình múa

Học sinh sân khấu hóa tác phẩm văn học qua loại hình múa 

Thực tế chứng minh, nhắc đến học văn, không ít HS cảm thấy e ngại, ngán ngẩm. Nhiều HS học với hình thức đối phó hay hoàn toàn "dựa dẫm" vào các bài văn mẫu thay vì chỉ tham khảo để học hỏi và phát triển năng lực của bản thân. Nguyên nhân không chỉ do HS không có năng khiếu với môn học này mà phần lớn còn do cách dạy của GV. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra, GV không chỉ thay đổi phương pháp dạy mà còn phải tổ chức nhiều hoạt động hay, thiết thực cho HS tham gia, để mỗi tiết dạy phải thực sự tạo hứng thú, thu hút HS, giúp các em dần yêu thích môn học này.

Với yêu cầu ấy, những GV trong Tổ bộ môn Ngữ văn Trường THPT Rạch Kiến, đặc biệt là thầy Trọng Hoàng thiết kế nhiều hoạt động trải nghiệm độc đáo, thu hút HS tham gia. Khoảng 30 năm nay, các hoạt động ấy ngày càng mở rộng về quy mô, nâng cao về số lượng và chất lượng. Đó là thi vẽ tranh minh họa truyện cổ  dân gian năm học 1986-1987, thi hát dân ca, hát ru năm học 1995-1996, đố vui, sưu tầm ca dao địa phương, thuyết trình,... và nổi bật là hoạt động sân khấu hóa, điện ảnh hóa các tác phẩm văn học. Ngoài ra, trong các tiết học, GV tổ chức cho HS diễn kịch, hoạt cảnh ngắn khoảng vài phút hay chuyển thể thơ từ đoạn thơ tự do hiện đại sang thơ lục bát.

Thầy Hoàng cho biết: "Tuy đa dạng các hoạt động trải nghiệm nhưng chất lượng mỗi hoạt động luôn được chú trọng, đòi hỏi HS phải được thực sự trải nghiệm. Cụ thể, trong chuyến trải nghiệm tại chùa Tôn Thạnh, huyện Cần Giuộc, chúng tôi không chỉ thiết kế cho HS tham quan mà còn để các em cảm nhận được tiếng đồng vọng của thời gian lịch sử, sống với không gian của quá khứ bi hùng xưa và cảm hết tấm lòng vì nước sâu nặng của cụ Đồ Chiểu qua quãng đời ở Cần Giuộc, để thêm yêu những dòng văn tế thống thiết, hào hùng được học. Hay với hoạt động chuyển thể thơ tự do sang thể thơ lục bát, HS phải tìm hiểu kỹ nội dung, thi luật để khi chuyển thể, bảo đảm đúng luật, giữ được nội dung, đặc biệt là thể hiện được thần thái bi hùng hoặc giọng điệu trữ tình, chính luận của bản thơ gốc".

Sân khấu hóa, điện ảnh hóa - điểm nhấn mạnh mẽ

Trong các hoạt động trải nghiệm, sân khấu hóa, điện ảnh hóa tác phẩm văn học là hoạt động giúp HS phát huy năng lực, phát triển tư duy sáng tạo và khơi dậy tình yêu văn chương, nghệ thuật.

"Trước đây, em không thích học văn. Tuy nhiên, thông qua hoạt động điện ảnh hóa tác phẩm văn học, em bắt đầu yêu văn. Ngoài ra, tham gia hoạt động này, em còn được học rất nhiều về tinh thần làm việc nhóm, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao tính thẩm mỹ,... Hiện, em là thành viên đội tuyển HS giỏi Văn của trường, tham gia thi HS giỏi văn cấp tỉnh năm học 2017-2018" - em Nguyễn Đăng Khôi - HS lớp 11A1, thổ lộ.

Học sinh chuyển thể tác phẩm văn học qua hình thức diễn kịch

Tham gia hoạt động sân khấu hóa, điện ảnh hóa các tác phẩm văn học, HS là trung tâm của việc học và tự tìm hiểu kiến thức. Mỗi tác phẩm, HS không chỉ nắm chắc nội dung, hiểu rõ về ý nghĩa mà phải cảm thụ được chất văn học. Từ đó, các em chuyển thể thành những tác phẩm sân khấu, điện ảnh hoàn chỉnh. Trong đó, hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học, HS tham gia hát, múa, hoạt cảnh, hò đối đáp, diễn kịch,... Với hoạt động điện ảnh hóa tác phẩm văn học, HS làm những bộ phim ngắn chuyển thể từ các tác phẩm văn học. Đây là hoạt động được thực hiện 4 năm nay, dành riêng cho HS lớp 12 và nhóm HS có sở thích về điện ảnh. Thực hiện một bộ phim, các nhóm làm phim tự viết dự án, kịch bản, phân công nhiệm vụ, nhật ký quay phim,... Trong quá trình thực hiện, HS phải tìm cảnh, chọn góc quay, canh ánh sáng và tìm cách diễn sao cho hình ảnh trên phim đúng tinh thần thời đại, bối cảnh xã hội tác phẩm. Đến thời gian quy định trong mỗi năm học, trường tổ chức "Liên hoan phim" và trao giải cho các "đoàn làm phim" có những bộ phim xuất sắc. Những tác phẩm được chuyển thể thành phim: Vợ nhặt, Những đứa con trong gia đình, Làng, Chiếc lược ngà,...

Em Nguyễn Thúy Vi - HS lớp 12A6, chia sẻ: "Mặc dù làm phim với quy mô trong trường học nhưng chúng em rất nghiêm túc và đầu tư thời gian, tâm trí rất nhiều vào tác phẩm của mình. Một bộ phim được hoàn thành chứa đựng mồ hôi, công sức của mỗi thành viên. Đặc biệt, thông qua hoạt động này, chúng em khám phá được những khả năng, sức bền mà trước giờ chưa được bộc lộ".

Thông qua các hoạt động sân khấu hóa, điện ảnh hóa, HS được sáng tạo, trải nghiệm những điều mới lạ, phát huy năng lực bản thân. Và có thể khẳng định, hoạt động này không phải là hoạt động phong trào văn nghệ quần chúng hay hình thức tổ chức vui chơi, giải trí đơn thuần mà là hoạt động học tập./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết