Tiếng Việt | English

12/12/2023 - 08:47

‘Tiếp lửa’ truyền thống

Lựa chọn hình thức, phương pháp phù hợp để công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng cho bộ đội đạt hiệu quả là yêu cầu được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh luôn đặt ra. Từ đó, giải pháp được các đơn vị trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Long An thực hiện thời gian qua là phát huy tốt vị trí, vai trò của phòng truyền thống cùng những hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động giúp bộ đội dễ nhớ, dễ hiểu.

Buổi giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bến Lức

Buổi giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bến Lức

1. Buổi lên lớp giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của Ban CHQS huyện Bến Lức được tiến hành tại phòng truyền thống của đơn vị vào một ngày gần cuối tháng 11/2023. Không khí lớp học nghiêm túc nhưng không kém phần sôi nổi bởi sự tương tác hai chiều của người dạy và người học.

Để CBCS nhanh chóng nắm bắt nội dung, Thiếu tá Nguyễn Quốc Khánh - Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Bến Lức, giới thiệu nội dung đều dẫn chứng minh họa bằng những tài liệu, hiện vật được trưng bày trong phòng truyền thống. Sau đó, từng tổ thảo luận, mỗi cá nhân đứng lên trình bày cảm nghĩ, hiểu biết của mình sau bài học và buổi tham quan phòng truyền thống.

Chiến sĩ Võ Thanh Quy - Tiểu đội trưởng Dân quân thường trực Ban CHQS huyện Bến Lức, chia sẻ: “Phòng truyền thống LLVT huyện trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật quý giá, mang tính giáo dục cao. Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng với chiếc áo gối của bà Nguyễn Thị Ngọc Thẹn ở xã Nhựt Chánh. Quá trình hoạt động cách mạng, bà bị địch bắt tù đày ở nhà tù Côn Đảo.

Trong thời gian đó, bà tự thêu chiếc áo gối có dòng chữ tin tưởng vào tương lai. Tuy trong hoàn cảnh khổ sai nhưng bà Thẹn - một người cộng sản vẫn thể hiện ý chí, niềm lạc quan về ngày đất nước tự do, hòa bình, độc lập. Từ câu chuyện và hiện vật này giúp tôi có thêm động lực để phấn đấu trong thời gian công tác tại đơn vị”.

Tuy diện tích chỉ gần 100m2 nhưng với sự bố trí khoa học, phòng truyền thống LLVT huyện Bến Lức trưng bày hàng trăm tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử. Trong đó, nhiều hiện vật gốc có giá trị khoa học, phản ánh từng giai đoạn lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh biên giới Tây Nam. Những tài liệu, hiện vật này minh chứng cho tác phong giản dị, tinh thần chiến đấu bất khuất của các CBCS và tấm lòng của nhân dân với cách mạng, với Đảng.

2. Tại Ban CHQS huyện Thủ Thừa, phòng truyền thống của đơn vị được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2022. Bên cạnh phục vụ công tác giáo dục truyền thống cho CBCS LLVT huyện, phòng truyền thống còn là địa chỉ để các trường học trên địa bàn huyện đến tham quan, tìm hiểu truyền thống lịch sử của quê hương Thủ Thừa.

Học sinh huyện Thủ Thừa tham quan, tìm hiểu phòng truyền thống lực lượng vũ trang huyện Thủ Thừa

Học sinh huyện Thủ Thừa tham quan, tìm hiểu phòng truyền thống lực lượng vũ trang huyện Thủ Thừa

Em Kiều Thị Kỳ Duyên - học sinh Trường Tiểu học và THCS Tân Thành (huyện Thủ Thừa), bộc bạch: “Qua những câu chuyện về chiến công của cha ông, chúng em càng trân trọng, biết ơn những người đã anh dũng hy sinh, bảo vệ nền hòa bình. Trong những con người phi thường ấy là lòng nồng nàn yêu nước. Từ đó, em tự nhủ phải chăm ngoan, học giỏi để trở thành cháu ngoan Bác Hồ”.

Theo Thượng tá Trần Văn Nhân - Chính trị viên Ban CHQS huyện Thủ Thừa, để phát huy tốt giá trị của phòng truyền thống, đơn vị xin ý kiến của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện về kế hoạch tổ chức xây dựng phòng truyền thống; tổ chức hội thảo lấy ý kiến của lãnh đạo, chỉ huy qua các thời kỳ và các vị lão thành cách mạng về đề cương chính trị của phòng truyền thống. Sau đó, cán bộ đơn vị đi sưu tầm tư liệu, hiện vật, hình ảnh. Tháng 12/2022, phòng truyền thống được đưa vào sử dụng, tiếp đón nhiều đoàn cán bộ, nhân dân, đoàn viên, thanh niên đến tham quan.

Thông tin từ Bộ CHQS tỉnh, hiện nay, Ban CHQS 15 huyện, thị xã, thành phố đều xây dựng phòng truyền thống. Riêng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 738, Bộ CHQS tỉnh có phòng Hồ Chí Minh. Trưng bày tại các phòng truyền thống và phòng Hồ Chí Minh đều là những tài liệu, tư liệu quý về lãnh đạo Đảng và Nhà nước; hoạt động của Quân đội nhân dân Việt Nam, địa phương, đơn vị qua các thời kỳ chiến tranh đến xây dựng đất nước. Những tài liệu, hiện vật này là “cầu nối” giữa quá khứ với hiện tại.

Những giá trị lịch sử từ các tư liệu, hiện vật tại phòng truyền thống đã khơi dậy, phát huy niềm tự hào về truyền thống cách mạng, là mạch nguồn tiếp thêm động lực, hoài bão, bồi dưỡng niềm tin, lý tưởng cho mỗi CBCS trẻ viết tiếp truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ./.

Thông tin từ Bộ CHQS tỉnh, hiện nay, Ban CHQS 15 huyện, thị xã, thành phố đều xây dựng phòng truyền thống. Riêng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 738, Bộ CHQS tỉnh có phòng Hồ Chí Minh. Trưng bày tại các phòng truyền thống và phòng Hồ Chí Minh đều là những tài liệu, tư liệu quý về lãnh đạo Đảng và Nhà nước; hoạt động của Quân đội nhân dân Việt Nam, địa phương, đơn vị qua các thời kỳ chiến tranh đến xây dựng đất nước. Những tài liệu, hiện vật này là “cầu nối” giữa quá khứ với hiện tại”.

Vũ Quang - Biện Cường

Chia sẻ bài viết