Tiếng Việt | English

29/12/2016 - 09:32

Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột

Ra phố sáng nay, cảm nhận được tiết trời se lạnh! Và bỗng nhớ cái lạnh đầu đông ở cao nguyên! Nó không se sắt như cái lạnh miền Bắc mà dịu nhẹ như cái tình của người đồng bằng dành cho phố núi. Có lẽ, nơi ấy bây giờ đã vào đông!

1.TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk - nơi được ví von là “thủ phủ” của vùng đất Tây Nguyên đón chúng tôi bằng cái lạnh đầu đông. Xe dừng lại trong lòng thành phố khi trời chưa sáng. Điểm đầu tiên chúng tôi khám phá là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Đắk Lắk. Bảo tàng nằm ngay trung tâm thành phố, trong một khuôn viên rộng mát với nhiều cây xanh, trong đó có những cây được công nhận là cây di sản.

Bạn tôi - người sinh ra, lớn lên và sau khi tốt nghiệp đại học rời phố trở lại quê hương Đắk Lắk làm việc, giới thiệu với chúng tôi: “Bảo tàng được đặt ngay tòa nhà Biệt điện Bảo Đại - một di tích lịch sử của tỉnh Đắk Lắk. Tòa nhà được thiết kế, xây dựng theo phong cách nhà dài của người Êđê”.

Ở tầng 1, bảo tàng trưng bày những hình ảnh, hiện vật giới thiệu đặc điểm tự nhiên của Đắk Lắk và những nét đặc sắc trong nền văn hóa của 2 dân tộc thiểu số Êđê và MNông. Tầng 2 của bảo tàng trưng bày những hiện vật mô phỏng về cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân Đắk Lắk.


Buôn Cô Thôn với khung cảnh còn mang nét hoang sơ “níu hồn” du khách

Bên cạnh đó, nơi đây còn trưng bày những hình ảnh miêu tả cuộc sống, lao động của người dân Đắk Lắk sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng với một tâm thế tràn đầy hăng say, hứng khởi và tự hào dân tộc. Hình ảnh những chiếc cồng, chiêng, những cây nêu trong các ngày hội lớn của đồng bào dân tộc được trưng bày trong bảo tàng là những “thuyết minh” không lời và đầy đủ về đất và người vùng đất đỏ cao nguyên.

Rời bảo tàng với những ấn tượng không quên, chúng tôi đến Làng Cà phê Trung Nguyên tại ngã ba Lý Thái Tổ - Nguyễn Hữu Thọ. Nơi đây có một không gian kiến trúc độc đáo, mang đậm nét văn hóa cổ xưa “hút hồn” những ai đặt chân đến đây dù chỉ một lần. 3 gian nhà cổ Cherry, Arabica và Robusta được xây dựng theo phong cách Huế là nơi thưởng thức cà phê Trung Nguyên với những cái tên thật lạ: Cà phê sáng tạo, cà phê huyền thoại,... Đến đây, nếu chưa thưởng thức cà phê thì xem như chưa đến! Vì vậy, mặc dù không phải là “tín đồ” cà phê nhưng chúng tôi vẫn gọi một tách “cà phê sáng tạo” để tận hưởng vị đắng hòa quyện trong không gian hoài cổ, giữa tiết trời se lạnh ở nơi đây. Một cảm giác thật thú vị và an yên!

Làng cà phê còn có Bảo tàng Dân tộc Tây Nguyên, Bảo tàng Cà phê thế giới - nơi để du khách khám phá về hành trình của cà phê và các nền văn hóa cà phê khác nhau. Ngoài ra, trong khuôn viên còn có Vườn cà phê. Vì không phải là tháng 3 - mùa của con ong đi lấy mật, tháng của “hoa cà là trong gió” nên vườn cà phê chỉ điểm vài bông hoa màu trắng. Dù ít nhưng cũng “níu hồn” khách lạ từ đồng bằng khi một lần đứng trước nét đẹp mộc mạc của loài hoa nơi phố núi.

2.TP.Buôn Ma Thuột dù hiện đại nhưng đâu đó vẫn còn những giá trị nguyên bản. Buôn Cô Thôn - một “làng trong phố” nằm cuối đường Trần Nhật Duật là nơi còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống. Theo tiếng đồng bào, buôn Cô Thôn có tên là buôn làng Ako Dhong - nghĩa là buôn đầu nguồn, nơi bắt nguồn của nhiều con suối ở vùng Đắk Lắk. Hiện tại, buôn được đầu tư, khai thác phục vụ phát triển du lịch nhưng xen lẫn giữa cái hiện đại, nét nguyên sơ vẫn còn.


Làng Cà phê Trung Nguyên vừa là nơi thưởng thức cà phê, vừa mang nét cổ xưa với không gian hoài cổ

Dọc con đường nhựa quanh co dẫn vào buôn là những nhà hàng, quán cà phê thiết kế theo kiểu nhà dài của người dân tộc. Hai bên đường là những bãi đất đỏ “trơ mình” hứng chịu cái nắng, cái gió và cái se lạnh của tiết trời Tây Nguyên. Hoa dã quỳ cuối mùa - loài hoa đặc trưng của Tây Nguyên chỉ còn lác đác vài bông, điểm vàng bên vệ đường. Nét thiên nhiên ấy cũng đủ làm say lòng du khách!

Ấn tượng nhất khi bước vào buôn Cô Thôn là những mái nhà dài của đồng bào Êđê, trong đó có những ngôi nhà tuổi đời vài chục năm được làm bằng gỗ. Trong nhà, những bộ cồng, chiêng của đồng bào ở Tây Nguyên vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Đặc biệt, những mái nhà trong buôn Cô Thôn vẫn giữ đặc trưng của người Êđê. Đó là chiếc cầu thang lên xuống bằng gỗ gắn với biểu tượng đôi bầu sữa với ý nghĩa ca ngợi sự trường tồn nòi giống của cộng đồng người Êđê. Đây cũng là biểu hiện cho quyền lực của người phụ nữ trong xã hội mẫu hệ.

Trước sân nhà là những bãi cà phê sau khi thu hoạch đang được phơi khô. Nhờ cây cà phê mà đồng bào trong buôn có cuộc sống khá giả hơn trước. Ngoài ra, buôn Cô Thôn cũng giàu lên nhờ du lịch. Người dân Cô Thôn làm du lịch bằng những “sản phẩm” truyền thống như biểu diễn cồng chiêng, kể sử thi và múa hát giao lưu trong ngôi nhà dài. Buôn Cô Thôn vì thế mang đến cảm giác an bình khi đến!

Một ngày là khoảng thời gian quá ngắn để khám phá thành phố Ban Mê nên đành hẹn lại lần sau! Phố núi ấy lúc nào cũng sẵn lòng chào đón, chỉ cần “còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột”, về với một cao nguyên vừa thật gần, vừa xa xôi, nơi có cái nắng, có cái gió và có “nỗi nhớ không mang tên, không mang tên người ơi”./.

Nguyễn Ngọc-Đặng Tuấn

Chia sẻ bài viết