Tiếng Việt | English

21/07/2021 - 07:43

Tháng bảy tri ân

Dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường nhưng đến tháng 7, tỉnh Long An vẫn có nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình chính sách (GĐCS), người có công với cách mạng. Đây được xem là nét đẹp truyền thống, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung mỗi khi tháng 7 về.

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út trao tặng Danh hiệu vinh dự  Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam  Anh hùng” cho mẹ  Huỳnh Thị Tiếu

Phong tặng, truy tặng 41 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

Trong một ngày cuối tháng 6, chúng tôi có dịp tham dự Lễ phong tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (BMVNAH) cho mẹ Huỳnh Thị Tiếu tại nhà riêng (số 238, Quốc lộ 62, phường 2, TP.Tân An) do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An tổ chức. Bên trong căn nhà được các con mẹ Tiếu bài trí rất trang trọng, mẹ Tiếu mặc áo dài, ngồi trang nghiêm ngay trung tâm bảng panô treo chữ Lễ trao tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “BMVNAH”.

Sau khi nghe một thành viên trong đoàn tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, mẹ Tiếu bỗng nhiên không kìm được cảm xúc, nước mắt mẹ tự rơi, vì hôm nay mẹ được phong tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “BMVNAH”. Trong chiến tranh, mẹ Tiếu cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác sẵn sàng hy sinh niềm vui riêng, gạt nước mắt tiễn chồng, con lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, để rồi không biết bao lần mẹ phải khóc thầm lặng lẽ khi nhận được tin báo chồng, con mình hy sinh.

Nhìn nước mắt mẹ Tiếu rơi, các thành viên trong đoàn cảm thấy chạnh lòng. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út nghẹn ngào nói: “Cảm ơn mẹ và cảm ơn tất cả BMVNAH, người có công với cách mạng, GĐCS đã có những đóng góp, hy sinh to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sự đóng góp của các mẹ, người có công với cách mạng, GĐCS tiếp tục tô thắm nét truyền thống anh hùng, bất khuất của quê hương Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Thế hệ hôm nay xin trân trọng, tri ân và hứa sẽ ra sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp”.

Được biết, mẹ Tiếu là 1 trong 41 BMVNAH vừa được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu “BMVNAH” trong năm 2021 thuộc tỉnh Long An. Trong đó, 40 mẹ đã từ trần, chỉ 1 mẹ còn sống là mẹ Huỳnh Thị Tiếu. Mẹ VNAH Huỳnh Thị Tiếu quê quán xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, có chồng là liệt sĩ Lê Văn Muôn và con là liệt sĩ Lê Văn Cu hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hiện nay, mẹ sống với người con gái tại xã Thanh Phú Long.

Danh hiệu “BMVNAH” là danh hiệu cao quý mà Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng hoặc truy tặng những phụ nữ Việt Nam có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Thông thường, Lễ phong tặng, truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “BMVNAH” sẽ được tổ chức rất lớn, với cờ hoa rực rỡ và sự tham gia của các cấp, các ngành và địa phương nơi các mẹ sinh sống, cư trú. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường nên Lễ phong tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “BMVNAH” chỉ tổ chức nhỏ, tại nhà riêng. Dù tổ chức với quy mô nhỏ nhưng rất đầm ấm; đồng thời, những tình cảm, sự trân quý của thế hệ hôm nay đối với mẹ Tiếu cũng rất lớn.

Mẹ Tiếu bộc bạch: “Ở cái tuổi gần đất xa trời, hôm nay, mẹ vinh dự nhận được danh hiệu BMVNAH nên vui và xúc động lắm. Sau này, mẹ có mất đi thì Huy hiệu và Bằng danh hiệu BMVNAH sẽ nhắc nhở thế hệ con, cháu về truyền thống cách mạng của gia đình, từ đó ra sức học tập, lao động xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Giờ đây, mẹ được con, cháu hiếu thảo, các cấp, các ngành quan tâm nên vui và mãn nguyện lắm!”.

Đời đời nhớ ơn

Trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, cứu nước và bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, hiện ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh quản lý trên 124.000 hồ sơ người có công, trong đó trên 30.500 liệt sĩ, gần 13.000 thương, bệnh binh, 5.335 BMVNAH, trên 26.000 người và gia đình có công với cách mạng, trên 1.800 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học, trên 2.800 người tham gia hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày,… Có hơn 20.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai khẳng định: “Công tác “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được các cấp, các ngành quan tâm, thực hiện. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý, truyền thống” (Ảnh tư liệu)

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh không chỉ thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho GĐCS, người có công với cách mạng mà luôn dành sự quan tâm đặc biệt bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa như xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa và tặng quà nhân các dịp lễ, tết.

Hiện nay, toàn tỉnh có 237 gia đình thờ cúng Mẹ VNAH khó khăn về nhà ở được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, ngành, tổ chức huy động nguồn lực hỗ trợ xây nhà (xây 106 căn và sửa chữa 131 căn với tổng kinh phí 10,29 tỉ đồng). Có thể đánh giá, đến thời điểm này, nhà ở của người thờ cúng Mẹ VNAH và các đối tượng chính sách cơ bản ổn định.

Bà Võ Thị Nga (SN 1952), ngụ ấp Đông Bình, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, chia sẻ: “Nhiều đêm, tôi nằm suy nghĩ ước gì mình có được căn nhà đàng hoàng, không phải sợ mưa tạt, gió lùa, nhưng sức khỏe yếu, tuổi cao, kinh tế gia đình chỉ dựa vào số tiền làm thuê “ngày có, ngày không” của con trai nên mơ ước chỉ là ước mơ. Vừa qua, ngành LĐ-TB&XH vận động Tập đoàn Vingroup hỗ trợ gia đình 60 triệu đồng xây nhà tình nghĩa. Giờ đây, có được căn nhà khang trang, gia đình tôi mừng lắm! Cảm ơn các cấp, các ngành luôn quan tâm, động viên GĐCS, người có công với cách mạng bằng nhiều hành động, việc làm thiết thực”.

Bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, người thờ cúng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (Ảnh tư liệu)

Cứ như thông lệ, trong tháng 7 - tháng tri ân, các cấp, các ngành sẽ tổ chức nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” như thăm, tặng quà, thắp nến tri ân, viếng nghĩa trang liệt sĩ, dọn dẹp, vệ sinh nhà Mẹ VNAH, người có công với cách mạng sống neo đơn,... Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” tập trung đông người phải tạm thời ngưng tổ chức,…Song, không vì lý do đó mà công tác “Đền ơn đáp nghĩa” ở các địa phương sẽ trầm lắng, ngược lại, bằng cách này hay cách khác, các địa phương vẫn thể hiện được tinh thần tri ân của mình đối với những người đã hy sinh xương, máu cho nền hòa bình, độc lập dân tộc hôm nay.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Nguyễn Hồng Mai cho biết: “Cứ vào dịp lễ, tết, đoàn cán bộ tỉnh sẽ đến  thăm, tặng quà người có công đang điều trị ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Đảng bộ và nhân dân xã Thừa  Đức (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre), Làng thương binh nặng (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa), Trung tâm Công tác xã hội tỉnh,… Riêng dịp 27/7 năm nay, tỉnh sẽ không tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà ở các địa điểm nói trên vì phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 và sức khỏe cho người có công, GĐCS. Thay vào đó, Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh gửi quà đến tặng và điện thoại hỏi thăm, động viên tinh thần. Còn các huyện, thị xã, thành phố, tùy theo tình hình thực tế của địa phương mà cân nhắc tổ chức các hoạt động nhưng phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Nhìn chung, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trong tháng 7 sẽ được tổ chức nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, bởi đây là hoạt động truyền thống của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung mỗi khi tháng 7 về”./.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh không chỉ thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng mà luôn dành sự quan tâm đặc biệt bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa như xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa và tặng quà nhân các dịp lễ, tết”.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết