Tiếng Việt | English

11/12/2017 - 19:36

Trồng dưa lưới trên giá thể trong nhà màng, thụ phấn bằng ong - Mô hình phù hợp vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình trồng dưa lưới trên giá thể trong nhà màng áp dụng công nghệ thụ phấn bằng ong tại Trạm Nghiên cứu ứng dụng KH&CN Đồng Tháp Mười, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An.

Mô hình trồng dưa lưới trên giá thể trong nhà màng

Mô hình này thực hiện tại trạm Nghiên cứu ứng dụng KH&CN Đồng Tháp Mười, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt nên có thể tiết kiệm nước tưới, khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn nước tưới tại vùng đất phèn. Bên cạnh đó, trung tâm tiếp nhận công nghệ thụ phấn bằng ong cho cây dưa lưới, mang lại hiệu quả thụ phấn cao hơn. Giống dưa được trồng là dưa lưới Taki, quả tròn, vân lưới nổi, thịt quả màu cam, thơm, ngọt. Đây là giống dưa lưới sinh trưởng tốt, ít nhiễm sâu, bệnh. Kết quả, với diện tích 300m2 nhà màng, thu hoạch gần 600 trái dưa lưới có trọng lượng trung bình 1,3kg/trái. Đây là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phù hợp vùng đất phèn.

Mô hình góp phần làm chuyển biến nhận thức canh tác của nông dân theo hướng an toàn và bền vững. Nông dân kiểm soát tốt việc sử dụng phân hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng và an toàn. Mô hình nhận được sự quan tâm của nhiều nông dân. Tại hội thảo, đại biểu thảo luận sổi nổi về kỹ thuật canh tác, quy cách xây dựng nhà màng, chi phí đầu tư,...

Trưởng phòng Quản lý KH&CN cơ sở - Nguyễn Vũ Hiệp đánh giá, kết quả mô hình cho thấy, cây dưa lưới hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh nên việc nhân rộng là khả quan, phù hợp chủ trương xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh./.

L.T.N.Hiếu (Trung tâm Ứng dụng TBKHCN)

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích