Tiếng Việt | English

19/09/2018 - 15:10

Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững

Môi trường và phát triển bền vững (PTBV) hiện nay không chỉ là vấn đề riêng của mỗi quốc gia, dân tộc nào mà đã trở thành vấn đề toàn cầu, của nhân loại, trong đó Việt Nam không phải một ngoại lệ.

Đại diện lãnh đạo các cấp cắt băng khai mạc Trung tâm Báo chí. Ảnh: dangcongsan.vn

Vấn đề môi trường đang được hầu hết các quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm, vì môi trường có vị trí và vai trò vô cùng to lớn đối với cuộc sống hàng ngày, sự tồn tại và phát triển của một quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh phát triển kinh tế mạnh mẽ, bùng nổ dân số dẫn đến việc khai thác-sử dụng quá mức các tài nguyên thiên nhiên vốn hữu hạn, thải ra môi trường một khối lượng chất thải khổng lồ, quá sức chịu đựng của trái đất.

Phát triển kinh tế-xã hội phải gắn với bảo vệ môi trường và hướng tới các mục tiêu PTBV nhằm đáp ứng nhu cầu của các thế hệ hiện tại nhưng vẫn giữ được tiềm năng và cơ hội cho các thế hệ mai sau. Hầu hết các quốc gia phát triển và đang phát triển đã nhận thức được tầm quan trọng của  vấn đề này và đang nỗ lực đưa ra những  giải pháp như  hoạch định chiến lược, thiết lập các chính sách, cơ chế và tăng cường ngân sách để có thể thực hiện việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh đó, kiểm toán môi trường được xem là công cụ hiệu quả cho các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Kinh nghiệm phát triển kiểm toán môi trường của ASOSAI

Môi trường là vấn đề có tính chất phức tạp, liên ngành, liên vùng, liên quốc gia, liên khu vực và toàn cầu. Để giải quyết những thách thức mang tính đặc trưng của từng khu vực về môi trường, thúc đẩy việc quản trị tốt công tác bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, sức khỏe và sự an toàn của công dân, các Nhóm công tác về kiểm toán môi trường (WGEA) khu vực đã ra đời, trong đó có Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI WGEA).

ASOSAI WGEA được thành lập vào năm 2000 tại thành phố Chiềng Mai, Thái Lan với 07 thành viên ban đầu do KTNN Trung Quốc làm Chủ tịch; đến nay ASOSAI WGEA đã có 34 thành viên, trong đó có SAI Việt Nam. ASOSAI WGEA thực hiện vai trò là diễn đàn trao đổi thông tin, xây dựng các tài liệu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, quan điểm của các SAI thành viên ASOSAI về kiểm toán môi trường và thực hiện các nghiên cứu về các vấn đề môi trường cụ thể mà nhiều SAI cùng quan tâm. Mục tiêu hoạt động của ASOSAI WGEA là: Khuyến khích các SAI thành viên ASOSAI tích cực tiến hành các cuộc kiểm toán môi trường và thực hiện nghiên cứu trong các lĩnh vực liên quan; thiết lập cơ chế trao đổi hiệu quả giữa các thành viên ASOSAI WGEA nhằm tăng cường sự tương tác và đào tạo về kiểm toán môi trường; tăng cường mối quan hệ với ASOSAI, INTOSAI WGEA, các WGEA khu vực và các bên liên quan khác. Trong những năm qua, ASOSAI WGEA đã gặt hái được những thành công và đóng góp vào công tác bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á. Các chủ đề kiểm toán môi trường được các SAI quan tâm thực hiện, gồm: Các vấn đề về nước (nước sạch, quản lý tài nguyên nước, nước thải,...), quản lý chất thải đô thị (chất thải rắn, lỏng, cấp thoát nước,...), quản lý rừng, chuyển đổi sử dụng đất đô thị, khai khoáng, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu,...

Để tăng cường năng lực cho các SAI thành viên, ngoài việc xây dựng các tài liệu tham khảo mang tính định hướng, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn áp dụng vào hoạt động kiểm toán  thông qua các hội nghị, hội thảo và khóa đào tạo, ASOSAI còn đẩy mạnh các hình thức hợp tác theo chiều sâu như triển khai các dự án nghiên cứu về kiểm toán môi trường, chương trình tăng cường năng lực xuyên khu vực trong kiểm toán hoạt động về vấn đề môi trường rừng (2010-2012) với sự tham gia của 07 SAI thành viên, tổ chức kiểm toán hợp tác về quản lý lưu vực sông Mê Kông năm 2012 giữa 05 SAI, trong đó có SAI Việt Nam. Trong năm 2018, SAI Việt Nam đã tham gia đề án nghiên cứu của ASOSAI WGEA với chủ đề là “Kiểm toán giảm nghèo và cải thiện môi trường sống vùng nông thôn”, đây cũng là chủ đề được đa số SAI quan tâm và đăng ký tham gia. Một số SAI thành viên ASOSAI đã đạt được những bước phát triển nhất định trong lĩnh vực này như: SAI Trung Quốc, với vai trò là thành viên INTOSAI WGEA, đồng thời là Chủ tịch ASOSAI WGEA, đã luôn tích cực phát triển việc nghiên cứu chuyên môn, tạo diễn đàn cho các SAI thành viên trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về kiểm toán môi trường thông qua Hội thảo kiểm toán môi trường được tổ chức định kỳ 02 năm/lần; tăng cường quan hệ và thực hiện tốt vai trò WGEA khu vực với INTOSAI WGEA. SAI Indonesia giữ vai trò là Chủ tịch INTOSAI WGEA từ năm 2014 cũng tích cực trong việc giới thiệu và thúc đẩy việc chia sẻ, áp dụng kiến thức, hướng dẫn, chuẩn mực kiểm toán môi trường của INTOSAI vào hoạt động kiểm toán môi trường trong cộng đồng ASOSAI. Ngoài ra, nhiều SAI hiện là thành viên tích cực của INTOSAI WGEA như Băng-la-đét, Butan, Iran, Ấn Độ, Philipin, Thái Lan, Hàn Quốc...

Định hướng phát triển kiểm toán môi trường của ASOSAI

Bám sát Kế hoạch chiến lược của ASOSAI giai đoạn 2016-2021 và Kế hoạch công  tác  của INTOSAI WGEA cùng với việc thực hiện các cuộc khảo sát liên quan đến  những vấn đề môi trường mà các SAI quan tâm và muốn thực hiện kiểm toán, ASOSAI WGEA đã xây dựng Kế hoạch công tác giai đoạn 2017-2019 nhằm thúc đẩy sự phát triển kiểm toán môi trường của ASOSAI WGEA, đồng thời góp phần thực hiện vai trò của mình đối với công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong khu vực châu Á. 

Kế hoạch công tác giai đoạn 2017-2019 của ASOSAI WGEA tập trung vào 03 nhiệm vụ chính:

(1) Phát triển ASOSAI WGEA theo hướng mở rộng phạm vi và tăng chất lượng theo chiều sâu, đa dạng phương thức hoạt động, cụ thể là: Thu hút thêm thành viên là các SAI thuộc ASOSAI và quan tâm đến kiểm toán môi trường; thiết lập một cơ chế hoạt động chuẩn để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển của ASOSAI WGEA; xây dựng mối quan hệ đối tác với INTOSAI WGEA và các WGEA khu vực khác thông qua các mối quan hệ hiệu quả;

(2) Tăng cường phổ biến và trao đổi thông tin, kiến thức và kinh nghiệm về kiểm toán môi trường giữa các thành viên;

(3) Khuyến khích sự hợp tác và phối hợp trong thực hiện kiểm toán môi trường theo nhiều hình thức khác nhau để chia sẻ về chủ đề kiểm toán môi trường mà các SAI cùng quan tâm,  giúp các SAI tìm ra giải pháp hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề, thách thức môi trường.

Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững được lựa chọn là chủ đề của Đại hội ASOSAI 14 năm 2018 tại Hà Nội, Việt Nam

Đại hội INTOSAI lần thứ 22 vào tháng 12/2016 đã xác định chủ đề chính là "Các mục tiêu phát triển bền vững-Làm thế nào để INTOSAI đóng góp vào Chương trình nghị sự phát triển của Liên Hợp Quốc đến năm 2030”.

Theo thông lệ về chuẩn bị tổ chức Đại hội ASOSAI, việc lựa chọn, xác định chủ đề của Đại hội ASOSAI 14 bám sát những vấn đề ưu tiên và thách thức mang tầm khu vực và thế giới mà các thành viên ASOSAI quan tâm cần giải quyết với chức năng và thẩm quyền của mình; đồng thời phù hợp với mục tiêu chiến lược của INTOSAI giai đoạn 2017 - 2022.

Vì vậy, được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, KTNN đã lựa chọn Chủ đề "Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững" là một trong những nội dung nghị sự quan trọng thể hiện sự cam kết, nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI trong công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc nói chung và giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu nói riêng. Chủ đề này đã được tất cả các SAI thành viên ASOSAI quan tâm và ủng hộ rất cao, vì vấn đề được các SAI rất quan tâm phát triển ở các quốc gia.

Tại Hội nghị chuyên đề 7 trong khuôn khổ Đại hội ASOSAI 14, chủ đề này sẽ tập trung thảo luận làm rõ vai trò của kiểm toán môi trường trong việc hỗ trợ, thúc đẩy các Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững, cung cấp cái nhìn tổng thể về các vấn đề môi trường hiện nay, đồng thời xem xét mối liên hệ giữa các vấn đề này và các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (SDGs). Các SAI thành viên sẽ trình bày các bài  tham luận nghiên cứu để chia sẻ thách thức, kinh nghiệm và giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chức năng kiểm toán môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Với ý nghĩa đó, Đại hội ASOSAI lần thứ 14 tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng góp cho cộng động khu vực và thế giới những văn kiện quan trọng bao gồm các chính sách, giải pháp và công cụ hữu hiệu để đáp ứng được mục tiêu phát triển bền vững tại các quốc gia thành viên.

Kết thúc Đại hội ASOSAI 14 sẽ ra Tuyên bố Hà Nội, trong đó có nội dung “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” với những ý tưởng, giải pháp và cam kết hành động của các thành viên, trong đó có KTNN Việt Nam hướng tới mục tiêu BVMT toàn cầu và PTBV, tăng cường hợp tác, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, nâng cao vai trò, vị thế của các cơ quan kiểm toán tối cao trong vấn đề KTMT, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở từng quốc gia và trên phạm vi toàn cầu./.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Phan Trường Giang

Chia sẻ bài viết