Tiếng Việt | English

19/06/2017 - 13:46

Nỗi niềm phóng viên đài huyện

Đa năng, dấn thân,... là những từ khái quát nhất khi nói về những phóng viên (PV) công tác tại các đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là đài huyện) trên địa bàn tỉnh Long An. Họ tác nghiệp chẳng khác gì những PV ở các cơ quan báo chí khác, thế nhưng, chế độ đang được hưởng chưa tương xứng với công sức bỏ ra.

Phóng viên "3 trong 1"

Tôi từng đi tác nghiệp cùng các đồng nghiệp là những PV đài huyện nên phần nào thấu hiểu được đặc thù công việc và những khó khăn, vất vả mà họ gặp phải.

Phóng viên Huỳnh Phương đang tác nghiệp

Chúng tôi thường gọi vui PV đài huyện là những PV đa năng, bởi họ không chỉ làm báo nói mà còn cả báo viết và báo hình. Không giống như PV báo, đài của tỉnh, các bước, khâu nghiệp vụ thường được chuyên môn hóa, PV ở đài huyện phải đảm trách nhiều phần việc từ viết kịch bản, quay phim, dựng hình, đọc phát thanh,... Bất kỳ ai trong số họ cũng đều thành thạo tất cả các khâu.

PV Huỳnh Phương, công tác tại Đài Truyền thanh huyện Vĩnh Hưng, chia sẻ: Phần lớn anh em chưa được đào tạo nghề báo thực sự bài bản, chuyên nghiệp, chủ yếu là tự học hỏi lẫn nhau và tự nâng cao tay nghề qua thực tiễn. Thế nhưng, từ viết tin, bài đến quay phim, dựng phim,... anh em PV đài huyện đều làm hết.

"Ngoài việc bảo đảm số lượng bản tin phát trên hệ thống đài truyền thanh huyện, mình còn tranh thủ cộng tác với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Long An nhằm thông tin kịp thời những vấn đề, sự kiện diễn ra tại địa phương đến với người dân trong tỉnh" - PV Huỳnh Phương cho biết thêm.

Với đặc thù nghề báo, người làm báo phải thường xuyên bám sát cơ sở, lắng nghe hơi thở của cuộc sống để có những thông tin mới. Công tác tại Đài Truyền thanh huyện Tân Hưng hơn 10 năm, PV Trúc Quyên chia sẻ: “Địa bàn huyện Tân Hưng rộng, có những xã nằm cách xa trung tâm huyện hàng chục cây số, đi lại phải mất cả buổi mới đến nơi. Để viết được một bài báo hay, phóng sự ngắn, có khi phải mất cả ngày mới hoàn thành".

Vui, buồn chuyện nghề

PV Huỳnh Phương - Đài Truyền thanh huyện Vĩnh Hưng, kể: Nhiều lúc, mình làm phóng sự về nhân vật, nói trước với họ rồi, dựng cảnh quay hình thật đẹp nhưng đến khi phỏng vấn thì họ không chịu nói, nhất định không chịu đứng trước máy để trả lời phỏng vấn, thế là xem như "phá sản". Việc người dân không dám nói trước ống kính vì ngại là chuyện bình thường.

"Còn nhớ hôm đi làm phóng sự về đề tài thu hoạch lúa ở một xã vùng biên, khi đi, mình và một anh PV cùng cơ quan rất hăng hái, nên trời về chiều mà còn vác máy lội giữa đồng, tìm nơi có đông người làm việc để ghi hình cho sinh động. Đến nơi, ngồi thở không ra hơi, mà trời thì sắp mưa. Vậy là lo chuẩn bị máy, ghi hình, phỏng vấn nhân vật thật nhanh. Vừa làm xong là trời bắt đầu đổ mưa, vội bao bọc, che chắn máy quay. May mà khi về, máy quay không sao, nhưng hai anh em thì ướt hết" - PV Trúc Quyên nhớ lại.

Cần được quan tâm nhiều hơn

Chia sẻ với chúng tôi, PV Trúc Quyên cho biết: Mặc dù công việc của chúng tôi chẳng khác gì những cơ quan báo chí khác, thế nhưng, đài huyện vẫn chưa được các cơ quan chức năng công nhận là cơ quan báo chí mà chỉ là cơ quan tuyên truyền do UBND huyện quản lý nên hầu hết PV không được cấp thẻ nhà báo để tác nghiệp.

Mặc dù là nữ nhưng phóng viên Trúc Quyên luôn xông xáo 

Để có đủ lượng tin, bài bảo đảm phát sóng sao cho hấp dẫn bạn nghe đài, chương trình hôm nay phải mới hơn chương trình hôm qua cả hình thức lẫn nội dung, PV đài huyện cũng phải đối mặt với những vất vả và thách thức như bất cứ nhà báo nào. Mặt khác, công sức của những PV đài huyện bỏ ra khá nhiều, thế nhưng, nếu nói về chế độ nhuận bút so với các báo, đài tỉnh thì nhuận bút của PV các đài huyện còn rất thấp.

"Dù còn rất nhiều khó khăn nhưng không phải vì thế mà anh em PV ở cơ sở chùn bước, chúng tôi vượt lên tất cả để làm tốt công tác của mình. Đưa những thông tin thời sự của địa phương đến với người dân một cách nhanh nhất, trung thực nhất vẫn là mục tiêu hàng đầu của PV tại cơ sở" - PV Huỳnh Phương khẳng định.

Mặc dù còn đôi chút băn khoăn, trăn trở, song tất cả PV đài huyện vẫn gắn bó, tâm huyết với nghề mình đã chọn. Mong muốn của những người làm báo cơ sở là cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành chủ quản nhằm tạo điều kiện để PV cơ sở tác nghiệp được thuận tiện, dễ dàng và mang lại hiệu quả cao./. 

Văn Đát

Chia sẻ bài viết