Tiếng Việt | English

04/04/2016 - 14:16

Nước đầu nguồn sông Cửu Long tăng là do quy luật tự nhiên

Ông Trần Anh Thư - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho rằng không thể thấy mực nước dâng lên rồi bảo là nước thượng nguồn đổ về do Trung Quốc xả đập. Nói vậy là không có cơ sở.

Nhánh sông vào cầu Hoàng Diệu, TP. Long Xuyên tràn ngập nước. Ảnh chụp lúc14g30 chiều 1-4 tại cầu Hoàng Diệu - Ảnh: Bửu Đấu

Trước thông tin “miền Tây có nước”, phóng viên Tuổi Trẻ đã có khảo sát ở cả khu vực thượng nguồn và hạ nguồn sông Cửu Long.

Theo các cơ quan quản lý và nhà khoa học, cần tranh thủ lấy nước ngọt nhưng không nên quá lạc quan bởi đây là hiện tượng tự nhiên khi nước triều rút ra biển.

Ông Trần Anh Thư - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, thành viên Mạng sông ngòi Việt Nam - cho rằng theo quy luật thì bình thường nước từ thượng nguồn sông Mekong hằng ngày vẫn đổ về sông Cửu Long.

Tuy nhiên, muốn xác định được lượng nước đổ về hiện nay có tăng lên so với tháng trước, có tăng lên nhờ việc xả đập hay không thì cần phải nghiên cứu kỹ, với việc xác định được các thông số thủy văn như lưu lượng, lưu tốc dòng chảy và mực nước ở từng thời điểm cụ thể... để so sánh.

“Không thể thấy mực nước dâng lên rồi bảo là nước thượng nguồn đổ về do Trung Quốc xả đập. Nói vậy là không có cơ sở” - ông Thư chia sẻ.

Trong khi đó, PGS.TS Lê Anh Tuấn - phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ - nhận định hiện mực nước đo được tại trạm Tân Châu và Châu Đốc (An Giang, nơi đầu nguồn) cho thấy vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm.

Vì vậy, nước ngọt bỗng nhiên có là do thời điểm hiện tại nước triều đang rút về biển thì một lượng nước ngọt từ đầu nguồn sẽ về nơi hạ nguồn.

Theo ông Tuấn, ngọt - mặn ở đồng bằng sông Cửu Long là sự giằng co giữa triều và nước ở thượng nguồn, khi nước triều rút thì nước ngọt từ thượng nguồn đổ về cũng không quá lạ.

Vì vậy, ngành nông nghiệp ở các tỉnh cần theo dõi, tính toán lượng nước ngọt đó thực tế đủ cung cấp cho bao nhiêu hecta lúa để có sự hướng dẫn nông dân, bởi nếu thiếu thông tin, người dân sẽ xuống giống ồ ạt thì thiệt hại 
rất nặng.

Theo thông báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, dòng chảy trên dòng chính sông Mekong đang tăng chậm. Dự báo vào ngày 4 và 5-4, lưu lượng nước trung bình tại Tân Châu khoảng 3.200-3.500m3/s, Châu Đốc 600-750m3/s.

Vào cuối tuần tới, khi đỉnh triều lại lên thì mực nước trên sông Tiền và sông Hậu có khả năng đạt mức cao trở lại.

Tại Tân Châu có thể đạt 1,30m, tại Châu Đốc khoảng 1,40m - cao hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 0,1-0,15m. Với việc các hồ chứa từ Trung Quốc còn tiếp tục xả thì lưu lượng này có khả năng tiếp tục duy trì đến cuối tháng 4.

Tuy nhiên, lưu lượng lớn nhất tại Tân Châu vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2014 và 2015, tại Châu Đốc tương đương năm 2015 nhưng thấp hơn năm 2014./.

Đức Vịnh - Chí Quốc/tuoitre online

Chia sẻ bài viết