Tiếng Việt | English

13/10/2015 - 19:58

Người Việt, đừng tự đầu độc: Vẫn xử phạt kiểu... “gãi ngứa”

Báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành T.Ư về VSATTP: 6 tháng đầu năm 2015, trên cả nước ghi nhận được 90 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.595 người mắc, 2.444 người đi viện, 16 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng, bởi lẽ không phải loại độc nào vào cơ thể cũng phát tác tức thì.


Một cơ sở thu mua chuyên “tắm” hóa chất khi bị phát hiện chỉ nộp phạt có… 30 triệu đồng và bị tiêu hủy mấy tạ sầu riêng như thế này. Ảnh: Đặng Trung Kiên

Một trong những nguyên nhân “khiến thực phẩm gì cũng có độc” như hiện nay chính là cơ chế xử phạt vẫn mang tính “gãi ngứa”, nên tính răn đe gần như không có, và dẫn đến “nhờn thuốc”…

Lãi tiền tỉ, bị phạt tiền trăm ngàn

“Chúng tôi thiếu đủ thứ” - ThS Nguyễn Hữu An - Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang, thốt lên như vậy, khi chúng tôi đặt vấn đề về thực trạng nông sản bẩn. Theo ông An, hiện Chi cục có 2 thanh tra hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, nên số lần kiểm tra không được nhiều.

“Khi phát hiện nông sản bẩn thì càng khó hơn bởi ngay cả test nhanh tại đơn vị cũng cần nhiều giờ đồng hồ, nên sau khi xác định dư lượng vượt mức cho phép thì hầu hết tang vật đã được tiêu thụ hết, nhất là rau cải”. Điều này cũng đồng nghĩa công tác kiểm tra chỉ mang tính cảnh báo, nhắc nhở và chưa có biện pháp chế tài…

Nhưng ngay cả việc có chế tài thì vẫn không có nhiều chuyển biến, bởi việc xử phạt vi phạm hiện nay chỉ mang tính “gãi ngứa”, không đủ sức răn đe. Ví như các vụ vi phạm đưa chất cấm vào chăn nuôi, mỗi cơ sở chỉ bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng, không ăn thua gì so với mức lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mà đơn vị vi phạm thu về.

ThS Nguyễn Hữu An cho biết: “Mới đây qua kiểm tra rau tại 29 hộ, phát hiện có 2 mẫu rau có dư lượng thuốc BVTV ngoài danh mục và quá liều cho phép, chúng tôi đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt mỗi trường hợp 500.000đ - mức cao nhất”.

Hay gần nhất là liên tục các vụ “tắm” hóa chất độc hại vào sầu riêng mà cơ quan chức năng ở Đắk Lắk vừa phát hiện. Mỗi mùa sầu riêng, thu mấy tạ sầu riêng, một cơ sở thu mua chuyên “tắm” hóa chất có thể bỏ túi vài tỉ bạc, trong khi bị phát họ hiện chỉ nộp phạt có… 30 triệu đồng. Liên quan đến việc này, PC 49 Công an tỉnh Đắk Lắk khẳng định, đơn vị đã xử phạt các cơ sở vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, tức hành vi sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ, hóa chất không được phép lưu hành...

GS-TS Nguyễn Tử Siêm - Cố vấn trưởng dự án phát triển nông nghiệp tại VN (Bộ Ngoại giao và Phát triển Canada) cho rằng, mức phạt này như hành động “thả gà ra đuổi”, bắt nguồn cho nạn “lờn thuốc”.

Tâm lý chung của người tiêu dùng là muốn các hành vi “tự đầu độc” như vậy phải bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, theo Luật sư Tạ Quang Tòng - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk: “Bán cho người tiêu dùng những sản phẩm độc hại là hành vi nguy hiểm, nếu nghiêm trọng phải khởi tố hình sự. Nhưng muốn vậy, phải chứng minh được hành vi đó gây thiệt hại cho ai, vào thời điểm nào, mức độ ra làm sao… Có những độc tố người ta ăn vào, mãi 10 năm sau mới phát bệnh nên không xác định được họ mắc bệnh do ăn cái gì, mua của ai?

Trên thực tế, người dân rất bức xúc, đòi hỏi phải bỏ tù, xem như tội giết người là rất đúng, nhưng để xác định căn cứ khởi tố hình sự những hành vi này lại không dễ dàng”.

Ông Dương Tiến Thể - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), cho biết, hiện nay, Bộ NNPTNT đang có kế hoạch đề xuất điều chỉnh Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 9.10.2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi theo hướng có tính răn đe cao hơn.

Nhiều người quản lý nên... chẳng ai quản lý!

Vấn đề nữa, theo ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản (Bộ NNPTNT), là tính công bằng và đồng bộ trong xử lý vi phạm. Không thể thực hiện theo kiểu kiểm tra “điểm” mang tính ngẫu nhiên, đơn vị nào bị kiểm tra mới “chết”, còn các đơn vị khác chưa bị “sờ gáy” thì chẳng sao!

“Như thế là không công bằng, không những khiến người sản xuất, kinh doanh nông sản không phục, mà còn tạo kẽ hở để họ làm ẩu với lý luận: Tại sao tôi làm thì bị bắt, còn đơn vị kia làm thì không sao?” - ông Tiệp nói - “Để giải quyết được vấn đề này, các địa phương cần phải tăng cường công tác kiểm tra, phân loại doanh nghiệp. Cần công bằng với các doanh nghiệp loại A, B và nghiêm khắc với cơ sở loại C. Khi đã phân loại các cơ sở, cần công khai trên phương tiện truyền thông để khuyến khích các cơ sở làm tốt, và xử phạt nghiêm các cơ sở làm ẩu, hoặc cố tình vi phạm”.

GS-TS Nguyễn Tử Siêm có một cách nhìn khác, ông cho rằng, Việt Nam đang tràn lan thực phẩm bẩn, lỗi này không hẳn của riêng ngành nông nghiệp: “Hiện nay một hạt lúa, con cá, cọng rau… được rất nhiều cơ quan, bộ, ngành từ nông nghiệp đến y tế, công thương và công an… quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngành nào cũng có quyền “cho” - “cấm” và có hệ thống quy định chế tài… nhưng chính cái cơ chế trách nhiệm tập thể và phân quyền kiểu giáo điều hiện nay đã dẫn đến nghịch lý là không ai chịu trách nhiệm với lĩnh vực mà mình phụ trách, quản lý”.

Ông Nguyễn Minh Tặng - cán bộ Thanh tra sở NNPTNT Đắc Lắc, cho biết cụ thể hơn: “Trước năm 2012, việc quản lý, kiểm tra, công nhận hoặc xử phạt các sản phẩm thực phẩm đều do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, các sở y tế chủ trì. Các đơn vị như quản lý thị trường, thanh tra ngành nông nghiệp… chỉ tham gia đoàn liên ngành. Từ năm 2012, chức năng kiểm tra, quản lý chất lượng đối với sản phẩm nông - lâm - thuỷ sản mới được giao cho Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thuỷ sản thuộc Sở NNPTNT quản lý”.

Nhưng cũng theo ông Tặng, nông - lâm - thủy hải sản - thực phẩm có đến 3 bộ - ngành quản lý. Sản phẩm từ ruộng vườn, ao hồ, chuồng trại, về tới nơi sản xuất là do ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm. Từ bếp, thực phẩm ra thị trường là do ngành công thương quản lý. Còn khi lên bàn ăn thì trách nhiệm thuộc về ngành y tế. Như vậy, chức năng quản lý của các ngành, đơn vị còn chồng chéo, chưa phân định trách nhiệm rạch ròi nên chất lượng sản phẩm gần như không thể kiểm soát nổi.

Trong khi các cơ quan quản lý còn đang loay hoay hoặc bất lực với thực phẩm bẩn, thì người tiêu dùng chỉ còn biết trông chờ vào “sự thông minh” của mình. “Nhưng trong bối cảnh quanh mình chỗ nào cũng có độc như hiện nay thì “bắt” người tiêu dùng thông minh là chuyện bất khả thi” - ông Huỳnh Duy Nhân - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bến Tre, khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Lưỡng - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Tiền Giang, gay gắt: Chúng tôi đề nghị các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn để thực phẩm, mà gần đây là thịt heo được sạch bệnh. Nếu không làm tốt việc này, mà còn để chất cấm trong thịt tràn lan trên thị trường, hội sẽ chính thức phát đi khuyến cáo tẩy chay thực phẩm có chứa chất cấm nhằm bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng”.

Phát hiện 68.025 cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm

Theo Ban chỉ đạo liên ngành T.Ư về VSATTP, trong 6 tháng đầu năm 2015, cả nước đã thành lập 20.441 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 344.390 cơ sở, phát hiện 68.025 cơ sở vi phạm. Tuy nhiên trong 68.025 cơ sở vi phạm, mới chỉ có 12.690 cơ sở bị xử lý (cảnh cáo 6.215 cơ sở, phạt tiền 6.618 cơ sở với số tiền 17.740.872.000 đồng.

Đình chỉ hoạt động 652 cơ sở; đình chỉ lưu hành 192 loại sản phẩm do kết quả kiểm nghiệm không đạt hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn không đúng quy định và tiêu hủy 4.217 loại sản phẩm do không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ban chỉ đạo liên ngành T.Ư về VSATTP cũng đã thanh tra đột xuất việc sản xuất thuốc thú y có sử dụng kháng sinh cấm, thức ăn bổ sung không có trong danh mục và đã tiêu hủy sản phẩm, ban hành 2 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 66 triệu đồng.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý trên 5.000 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, phạt hành chính trên 17 tỉ đồng. Lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường trong toàn quốc đã phát hiện 1.068 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý hành chính 872 vụ với số tiền phạt là 5,33 tỉ đồng.

Theo Lao Động

Chia sẻ bài viết