Tiếng Việt | English

09/06/2017 - 23:15

Đâu là “mỏ vàng” giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

Đại biểu Quốc hội cho rằng, kiều hối chính là "mỏ vàng" giúp thúc đẩy kinh tế không kém gì vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Phát biểu tại Nghị trường ngày 09/6 về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) cho biết, trước đây kiều hối gửi về để giúp đỡ thân nhân thì nay nguồn tiền này đã được chuyển sang góp vốn kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho đất nước.

Đại biểu Quốc hội Lê Công Đỉnh

Ông Lê Công Đỉnh nhấn mạnh: Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, trước hết là vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (NSNN).

"Vướng mắc ở đâu, nguyên nhân nằm ở kế hoạch phân bổ vốn, thẩm định, do thiếu văn bản hướng dẫn hay do khâu tổ chức thực hiện?" ông Đỉnh đặt câu hỏi?

Đại biểu này đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt làm rõ nguyên nhân và có chế tài xử lý các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện giải ngân nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đã đề ra.

Theo ông Đỉnh, cần phải đánh giá đầy đủ những vướng mắc của vấn đề này và xử lý tháo gỡ ngay, đồng thời tập trung giải ngân đầu tư mạnh vào những tháng cuối năm nay. Việc thực hiện các giải pháp quyết liệt tinh giản bộ máy, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, nâng cao chất lượng các công trình sẽ góp phần rất lớn trong việc huy động nguồn lực đầu tư.

Đại biểu đoàn Long An nhấn mạnh đến việc liên kết huy động các nguồn lực trong dân vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là từ kiều hối. Ông Đỉnh cho rằng, trong điều kiện huy động nguồn lực còn hạn chế như hiện nay thì việc huy động nguồn lực trong dân cho sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là vấn đề cấp thiết.

Ông Đỉnh đánh giá cao việc Thủ tướng Chính phủ đã có tầm nhìn huy động nguồn lực trong dân vào sản xuất kinh doanh thay vì đem tiền, vàng gửi vào ngân hàng. Theo ông, để việc huy động nguồn lực trong dân, cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tạo niềm tin mạnh mẽ cho người dân, nhà đầu tư.

Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương, trong những năm gần đây 35,4% kiều hối sử dụng tiêu dùng hàng ngày, 15,9% cho đầu tư kinh doanh, 10,1% cho chữa bệnh, 7,5% được giữ trong dân. Riêng tại TP.HCM, số liệu năm 2014 cho thấy 72% lượng kiều hồi được dùng cho sản xuất kinh doanh.

Về thu hút kiều hối, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới cập nhật vào tháng 6/2017, lượng kiều hối của Việt Nam năm 2015 là 13,2 tỷ USD chưa kể kiều hối phi chính thức 1/4 lượng kiều hồi chính thức và kiều hối đứng thứ 2 sau thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI nguồn ngoại tệ vào Việt Nam.

Đại biểu Lê Công Đỉnh cho biết, trước đây kiều hối gửi về để giúp đỡ thân nhân thì nay đã được chuyển sang góp vốn kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho đất nước. Vì vậy phải xem kiều hối là nguồn tài chính hùng hậu có thể giúp đất nước phát triển, đầu tư hạ tầng giao thông, có vai trò rất lớn trong sức mua người dân.

Do đó, theo ông Đỉnh, phải có giải pháp mạnh mẽ cho người dân tin tưởng, phải có chính sách ưu đãi kiều hối không kém đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ngoài ra, ông Đỉnh cho rằng, phải có chính sách ứng xử với Việt kiều như thế nào cho phù hợp, tạo được lòng tin, làm sao bảo vệ được lợi ích cho người gửi và người nhận kiều hối.

"Làm sao để người dân thấy thay vì gửi tiết kiệm vào ngân hàng thì đầu tư vào sản xuất kinh doanh hay hợp sức nhau để mở rộng sản xuất hoặc mua cổ phiếu. Tạo ra kênh đầu tư hiệu quả để họ tái đầu tư", ông Đỉnh lưu ý./.

Theo báo cáo tình hình giải ngân vốn ngân sách nhà nước trong những tháng đầu năm 2017 còn chậm. Ước giải ngân đến hết tháng 5 năm 2017 chỉ đạt 25% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương 21,4% kế hoạch vốn Quốc hội giao.

Đáng chú ý có là nhiều bộ, ngành, địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 10%. Và nhất là 13/44 bộ, ngành, địa phương trung ương chưa giải ngân kế hoạch.

Trần Ngọc/VOV.VN

 

Chia sẻ bài viết