Tiếng Việt | English

11/03/2016 - 16:08

Giám sát tiến độ xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An

Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An có tổng diện tích hơn 98ha, (diện tích xây dựng 20ha), được triển khai thực hiện từ năm 2001, với tổng mức đầu tư hơn 182 tỷ đồng.

 
Đoàn giám sát tiến độ xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An.

Ngày 11-3-2016, Ban Văn hóa - Xã hội và Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh Long An do ông Trần Văn Nhu - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội tỉnh làm trưởng đoàn đến kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện dự án Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An.

Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An tọa lạc tại xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, có tổng diện tích hơn 98ha, trong đó diện tích xây dựng 20ha, được triển khai thực hiện từ năm 2001 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và vốn đối ứng của ngân sách tỉnh, với tổng mức đầu tư được phê duyệt hơn 182 tỷ đồng.

Đến nay, công trình đã thi công hoàn thành 22 hạng mục cơ bản với tổng giá trị trên 69 tỷ đồng. Hiện đang thi công 5 hạng mục với giá trị hợp đồng 47 tỷ 525 triệu đồng, gồm: nhà khách - nhà truyền thống, cầu cảnh quan và cầu B, C, D, cổng vào, quảng trường cảnh quan và dịch vụ, hạng mục trang trí nội thất trưng bày. 

Các hạng mục này hiện đã hoàn thành từ 97 - 100% so với tiến độ, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016. Riêng những hạng mục còn lại như tượng đài chiến công, phù điêu, tranh, kỳ đà, tiểu khu sinh thái Đồng Tháp Mười, phục hồi cụm di tích gốc 2, 3 và các hạng mục công trình kỹ thuật hạ tầng, cảnh quan, hoa viên sẽ triển khai thi công ở giai đoạn sau năm 2016.

Ông Trần Văn Nhu - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội tỉnh đề nghị các sở, ngành tỉnh quan tâm tháo gỡ khó khăn của đơn vị thi công, nhất là nguồn vốn để thuận lợi hơn trong thực hiện các hạng mục theo lộ trình.

Hiện còn hơn 30% tổng mức đầu tư của dự án, do đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần rà soát lại các hạng mục đưa vào kế hoạch đầu tư để sử dụng hết nguồn vốn đáp ứng nhu cầu bức thiết.

Đồng thời, xác định đối tượng khách tham quan, tính toán tour du lịch sao cho phù hợp, bố trí nguồn nhân sự hợp lý trong việc quản lý, tăng cường tuyên truyền để quảng bá hình ảnh khu di tích ra các tỉnh, thành nhằm thu hút khách đến tham quan.

Nghiên cứu đẩy mạnh công tác xã hội hóa, chủ yếu từ các doanh nghiệp đầu tư vào các dịch vụ như: ăn uống, nhà nghỉ, mở rộng các tuyến đường trong khu di tích,...

Phối hợp chặt chẽ với địa phương để khu di tích đi vào hoạt động hiệu quả. Huyện Đức Huệ cũng cần xem xét, lựa chọn đăng ký thương hiệu sản phẩm làm đặc sản của huyện và trưng bày sản phẩm./.

CTV Kim Tiến-Tấn Hữu

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích