Tiếng Việt | English

06/10/2015 - 04:58

Tăng trưởng năm 2015 trên 6%, nhưng nền kinh tế còn nhiều rủi ro

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, năm 2015, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng trên 6% nhưng vẫn còn nhiều áp lực, rủi ro cho nền kinh tế.

Nông nghiệp sẽ tăng trưởng chậm hơn

Theo WB, trong trung hạn, kinh tế Việt Nam tích cực nhưng vẫn còn tiềm ẩn một số rủi ro tiêu cực. Tăng trưởng sẽ đạt trên 6% trong năm 2015 nhờ cầu trong nước mạnh, và cầu trong nước mạnh lại phản ánh tăng trưởng tiêu dùng cá nhân và đầu tư.

WB cho rằng: Mặc dù chính sách tiền tệ mở rộng nhưng lạm phát vẫn sẽ thấp do ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài và do giá năng lượng và giá lương thực thấp.


WB: Nông nghiệp Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm hơn (Ảnh minh họa: KT)

Theo dự kiến, thâm hụt tài khoá sẽ được điều chỉnh nhờ các nỗ lực chấn chỉnh nhằm hạn chế tăng nợ công. Cán cân thương mại dự kiến sẽ thâm hụt trong năm 2015 do xuất khẩu tăng trưởng chậm trong khi nhập khẩu tăng do các hoạt động kinh tế trong nước tăng. Nhưng lượng kiều hối mạnh sẽ giúp đảm bảo thặng dư cán cân thanh toán, tuy kém hơn nhiều so với năm ngoái.

Về tỉ lệ nghèo, WB dự báo sẽ tiếp tục giảm. Trong đó, nghèo cùng cực (1,90 USD/ngày theo PPP 2011) sẽ giảm từ 2,8% năm 2012 xuống 1% năm 2017, trong khi tỉ lệ dân số sống dưới mức 3,10 USD/ngày sẽ giảm từ 12,3% năm 2012 xuống còn 6,7% năm 2017.

Nền kinh tế phục hồi cùng với điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định sẽ giúp tiếp tục giảm nghèo, nhưng nông nghiệp tăng trưởng chậm hơn nên sẽ ảnh hưởng tới thu nhập khu vực nông thôn và làm tăng khoảng cách thu nhập nông thôn – thành thị. Dự kiến các đối tượng dân tộc thiểu số sẽ ngày càng chiếm tỉ trọng cao hơn trong số người nghèo.

Áp lực tài khoá còn tiếp diễn

Căn cứ đưa ra các dự báo trên, theo WB, do hoạt động kinh tế tiếp tục tăng cường trong năm 2015 do cầu trong nước tăng. GDP tăng 6,3% trong nửa đầu năm 2015, mức tăng nửa đầu năm cao nhất trong vòng 5 năm qua. Quá trình hồi phục được thúc đẩy bởi tăng trưởng trong ngành công nghiệp chế tạo và xây dựng.

Về phía cầu, đầu tư (do nguồn vốn FDI tăng mạnh) và tiêu dùng cá nhân tăng mạnh đã kéo theo tăng trưởng. Tuy nhiên, cán cân thương mại đã bị âm do cầu bên ngoài suy giảm gây ảnh hưởng lên xuất khẩu trong khi hoạt động kinh tế trong nước tăng lại làm cho nhập khẩu tăng.

WB cũng cho rằng, lạm phát thấp (tháng 8/2015 chỉ tăng 0,6% so cùng kỳ năm trước) đã cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nới lỏng kiểm soát tiền tệ. Và cắt giảm lãi suất được hỗ trợ bởi các biện pháp kinh tế vĩ mô cẩn trọng. Qua đó, các ngân hàng đã có thể duy trì một mức lãi suất cho vay thấp hơn trước đây, làm cho tín dụng tăng trưởng đạt chỉ tiêu do ngân hàng nhà nước đề ra cho cả năm.

Tuy nhiên, nhìn tình hình thu ngân sách năm 2015 cho tới thời điểm này, WB bình luận rằng: Áp lực tài khoá còn tiếp diễn với thâm hụt ngân sách (tính cả trả nợ gốc) dự tính chiếm 5,6% GDP trong nửa đầu năm 2015. Điều đó thể hiện thu hiệu quả ngân sách kém trong khi chi thường xuyên và chi đầu tư cơ bản tăng. Tổng nợ công và nợ do chính phủ bảo lãnh tiếp tục tăng và đạt mức 59,6% trong năm 2014 (54,5% năm 2013). Tuy nợ công vẫn nằm trong giới hạn bền vững nhưng chi phí trả nợ đã bắt đầu ăn vào các khoản chi hỗ trợ sản xuất khác trong ngân sách.

Về cán cân thương mại, trong 7 tháng đầu năm 2015 đã thâm hụt 3,5 tỉ USD (trong khi thặng dư năm 2014 là 2,1 tỉ USD), thể hiện xuất khẩu giảm trong khi nhập khẩu tăng, nhất là nhập khẩu hàng hóa trung gian và hàng hóa vốn.

Nợ xấu vẫn là một vấn đề lớn

Đánh giá quá trình tái cơ cấu, WB thấy, tiến bộ không đồng đều, nhất là trong ngành ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đã chậm lại trong năm 2015. Hoạt động củng cố ngành ngân hàng đã tăng tốc trong nửa đầu năm 2015 nhưng nợ xấu vẫn là một vấn đề lớn. Thiếu nguồn tài chính, năng lực chuyên môn thấp, không có khung pháp lý phù hợp vẫn là những yếu tố cản trở Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) thực hiện giải quyết nợ xấu.

Từ thực tế đó, theo WB, Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức: Trong đó, các rủi ro bên ngoài gồm có tăng trưởng chậm và còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố bất ổn và các yếu tố đó sẽ tác động mạnh tới Việt Nam do Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thương mại. Thêm vào đó, giá gạo và các nông sản khác giảm sẽ tác động tiêu cực lên thu nhập và tiêu dùng nông thôn.

Về phía các yếu tố trong nước, WB khuyến nghị Việt Nam cần có một kế hoạch tốt nhằm củng cố tài khoá trung hạn và được thực hiện cùng với quá trình tái cơ cấu tổng thể nhằm củng cố tài chính cho doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng quốc doanh. Đây chính là yếu tố quan trọng nhằm hạn chế áp lực nợ công và tăng cường niềm tin của khu vực tư nhân./.

Xuân Thân/VOV.VN

Chia sẻ bài viết