Tiếng Việt | English

18/05/2017 - 11:48

Thủ tướng: Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu ở ĐBSCL là rất cấp bách

Thủ tướng nhấn mạnh, nghiên cứu giải pháp tổng thể đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long là rất cấp bách, không thể để tình trạng mạnh ai nấy làm.

Sáng 18/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu chủ trì cuộc họp lần thứ 8 của Ủy ban, nhằm đánh giá về kết quả đạt được và bàn nhiệm vụ thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, trong đó có bão lũ gây thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương cả nước, rõ nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Do đó nếu không có biện pháp ứng phó thì phải đổi mặt với nguy cơ thiệt hại lớn.

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (CORP) 21. Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn kiện, kế hoạch chỉ đạo vấn đề này, trong đó đồng bộ các hợp phần là đầu tư, xây dựng chính sách pháp luật, nâng cao nặng lực trong phòng chống biến đổi khí hậu, và đã có một số nhiệm vụ được triển khai. Cùng với đó là công tác chỉ đạo ứng phó tác động biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long được chú trọng.

Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậuTuy vậy, biến đổi khí hậu đến nhanh trong khi chúng ta còn nhiều bất cập, hạn chế yếu kém, cả về xây dựng chính sách, triển khai thực hiện. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương về các vấn đề liên vùng, liên ngành, lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu trong chiến lược quy hoạch còn lúng túng. Trong khi đó, nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn hẹp.

Do đó, Thủ tướng chỉ đạo, tại cuộc họp này, các thành viên của Ủy ban cần phân tích rõ hơn, sâu hơn các kịch bản ứng phó đối với biến đổi khí hậu của nước ta thời gian tới; cơ bản phải thống nhất được các định hướng về nội dung và nhiệm vụ chủ yếu của Ủy ban năm 2017 và đến năm 2020.

Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến việc nghiên cứu giải pháp tổng thể cho vùng ĐBSCL

Trong nhiệm vụ chung về ứng phó với biến đổi khí hậu, thì vấn đề đặt ra với vùng đồng bằng sông Cửu Long là rất cấp bách. Việc nghiên cứu giải pháp tổng thể cho khu vực này cần phải đặt ra, không thể để tình trạng mạnh ai nấy làm. Đặc biệt là các giải pháp về khoa học công nghệ phải được nghiên cứu để đề xuất các giải pháp cho Ủy ban.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tác động của biến đổi khí hậu diễn ra sớm hơn dự báo là thực tế, thể hiện qua các số liệu đo đạc. Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn của cả nước và vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng, nếu không có giải pháp ứng phó sẽ chịu tác động rất nặng nề. Trong đó phải kể đến tác động của hệ thống thủy điện thượng nguồn của sông Cửu Long là sông Mê Kông, khiến giảm mạnh lượng phù sa bồi đắp cho vùng.

Trong khi đó theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, kịch bản nước biển dâng trung bình ven biển Việt Nam có thể cao hơn so với trung bình toàn cầu; nước biển dâng khu vực ven biển phía Nam cao hơn so với khu vực phía Bắc.

Trong kịch bản nước biển dâng mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra, nếu mực nước biển dâng 100cm thì nguy cơ ngập 77% tỉnh Kiên Giang; gần 17% diện tích đồng bằng Sông Hồng; 4,9% diện tích Quảng Ninh; gần 18% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh và nghiêm trọng nhất là gần 39% vùng đồng bằng sông Cửu Long./. 

Vũ Dũng/VOV.VN

Chia sẻ bài viết