Tiếng Việt | English

28/09/2017 - 09:40

Xung kích, tình nguyện, chung sức xây dựng quê hương

Sáng nay, ngày 28/9/2017, Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2017-2022) chính thức khai mạc tại Hội trường Thống Nhất. 5 năm qua, tuổi trẻ Long An luôn xung kích, tình nguyện, chung sức xây dựng quê hương.


Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh-Phạm Văn Rạnh (bìa trái) và Bí thư Tỉnh đoàn-Bùi Quốc Bảo tặng giấy khen cho anh Võ Văn Ngân

Vững vàng chân bước

Khi nhiều thanh niên (TN) chọn làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp, anh Võ Văn Ngân, ngụ ấp An Ninh, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa lại chọn cho mình một hướng đi riêng để phát triển kinh tế gia đình. Với vóc người nhỏ bé, đôi chân khập khiễng, anh Ngân ấp ủ giấc mơ vượt lên chính mình. Không thể kể hết bao khó khăn, cực nhọc mà chàng trai khuyết tật gặp phải khi anh bắt đầu thử nghiệm nuôi ếch kết hợp nuôi gà rừng lai.

Thời gian đầu, do kỹ thuật nuôi chưa hoàn thiện, tỷ lệ ếch con chết cao. Anh lên mạng tìm các diễn đàn chăn nuôi để học hỏi. Sau đó, anh bắt đầu nhân rộng. Khi số lượng càng nhiều, vấn đề tìm đầu ra lại khiến anh trăn trở. Trong những lần lên mạng tìm kiếm thông tin về kỹ thuật nuôi, anh tình cờ thấy mọi người rao bán hàng hóa. Anh thử đăng tin bán ếch giống và gà rừng lai trên chợ nông sản online. Chỉ vài ngày sau, anh nhận được điện thoại đặt hàng. Cứ thế, đơn hàng ngày càng nhiều, khách hàng có người ở TP.HCM, miền Đông Nam bộ, lại có cả khách hàng ở tận TP.Đà Nẵng và miền Bắc.

Anh Ngân cho biết: ‘‘Là TN khuyết tật, không đủ sức khỏe để làm công việc nặng nhọc nên muốn có việc làm, mang lại thu nhập cho gia đình, bản thân mình phải lựa chọn việc làm phù hợp. Từng học chuyên ngành kỹ thuật tại Trường Cao đẳng Nghề - Kỹ thuật - Công nghệ TP.HCM nên có điều kiện tiếp xúc với máy tính, Internet, nhờ đó, mình chọn lựa và tìm tòi, học hỏi. Bán hàng qua mạng cũng là gợi ý rất hay cho những bạn trẻ muốn lập nghiệp”. Câu chuyện về tinh thần cầu tiến của anh được nhắc đến trong những lần sinh hoạt, tuyên truyền, nêu gương của các cơ sở Đoàn.

Đó cũng là một trong những hình thức đổi mới về công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn TN các cấp. Không chỉ qua các đợt sinh hoạt chính trị, bồi dưỡng mà còn qua các diễn đàn, đối thoại với TN. Ngoài ra, Trung tâm Hoạt động thanh, thiếu nhi và Nhà Thiếu nhi do Đoàn quản lý tiếp tục phát triển, là nơi tập hợp, tổ chức nhiều mô hình hoạt động, giáo dục kỹ năng cho thanh, thiếu nhi thông qua các chương trình: “Học làm người hiếu thảo”, “Học kỳ trong quân đội”, hội trại huấn luyện,...

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn, điểm nhấn trong công tác tuyên truyền, giáo dục nhiệm kỳ qua chính là đổi mới phương thức giáo dục của Đoàn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: Báo, đài, website và các trang mạng xã hội,... Rất nhiều cá nhân vượt khó, học tập và làm theo gương Bác, mô hình hay ở cơ sở được đăng tải,... Qua đó, kịp thời biểu dương, khích lệ, hun đúc thêm ý chí, sự trưởng thành và tinh thần yêu nước của các bạn đoàn viên (ĐV) TN.

Hoạt động Đoàn trong nhiệm kỳ qua hướng mạnh về cơ sở. (Trong ảnh: Đoàn viên, thanh niên thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách)

Áo xanh tình nguyện

Tuổi trẻ cần lao động và cống hiến, sống có ích cho gia đình và xã hội. Đó là chia sẻ của bạn Lê Huỳnh Ngọc Phố - Đoàn trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An. Chính suy nghĩ đó, không lúc nào Phố cho phép mình được nghỉ ngơi. Phố tự hào khi được khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện. Bạn thường có mặt trong hầu hết các cuộc thi tìm kiếm tài năng của trường, là người vận động ĐV lớp tham gia các hoạt động của trường: Hiến máu nhân đạo, tham gia câu lạc bộ,... đặc biệt là chiến dịch tình nguyện hè.

Phố cho biết: “Ngay từ khi còn là học sinh, nhìn thấy các anh chị tham gia Mùa hè xanh, em rất thích. Hơn nữa, đồng hành cùng chiến dịch, em học hỏi được nhiều điều mới mẻ, trưởng thành hơn và được chia sẻ với những người dân có hoàn cảnh khó khăn,...”. Năm 2016, Phố được UBND huyện Tân Hưng tặng giấy khen vì hoàn thành tốt nhiệm vụ Mùa hè xanh; là đại biểu trẻ tuổi nhất trong đoàn của tỉnh tham dự lễ tuyên dương “TN tiên tiến toàn quốc làm theo lời Bác” của Trung ương Đoàn năm 2016.

Nhiều năm nay, những dấu chân tình nguyện có mặt khắp nẻo đường quê. Trong màu áo xanh, các bạn hăng hái đào đất, làm cầu, đường, giúp dân sửa nhà, quét dọn nhà bia, phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường; khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho gia đình chính sách, tổ chức vui chơi cho các em nhỏ,... góp phần tô đẹp thêm hình ảnh “Đâu cần TN có”. Theo đánh giá của Tỉnh đoàn Long An, phong trào TN tình nguyện phát triển ngày càng mạnh mẽ, thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia, xây dựng nên hình ảnh TN Việt Nam biết sống, làm việc và cống hiến vì cộng đồng.

Đoàn viên, thanh niên tham gia chiến dịch tình nguyện

Ngoài hoạt động tình nguyện, công tác an sinh xã hội được các cơ sở Đoàn quan tâm. Đầu năm 2016 đến nay, ‘‘Tủ bánh mì từ thiện’’ do Câu lạc bộ Thiện Tâm, Thành đoàn Tân An khởi xướng, san sẻ niềm vui với những người nghèo.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ - anh Phạm Hoài Phong thông tin, tủ bánh mì duy trì nhờ vào tấm lòng thơm thảo của những ‘‘người dưng’’. Có người góp tiền, có người góp hiện vật, mỗi người một ít, mang yêu thương cho đi. Ngoài những tấm lòng ấy, để tủ bánh mì hoạt động, không thể không kể đến tâm huyết và sự nhiệt tình của các thành viên câu lạc bộ. Hàng ngày, có từ 150-200 ổ bánh mì phục vụ những người đi đường, đa phần là những người lao động nghèo, có hoàn cảnh không may. Nụ cười ấm áp của những cụ già bán vé số, các bác xe ôm, xe ba gác,... là niềm vui, động lực để các thành viên trong nhóm nỗ lực nhiều hơn nữa.

Cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp

5 năm qua, 2 phong trào: “Xung kích, tình nguyện phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với TN lập thân, lập nghiệp” khơi dậy tiềm năng to lớn của lực lượng TN trong tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đoàn TN các cấp tập trung vào các đối tượng TN ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tạo môi trường thuận lợi cho TN phát huy về mọi mặt, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Phát triển TN Long An.

Khởi điểm với 20 triệu đồng vốn vay từ Quỹ David Dương, anh Cao Phú Khánh, TN ấp 2, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa mạnh dạn đầu tư nuôi lươn không bùn kết hợp nuôi ếch mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Sau 5 năm thử nghiệm, vay thêm 12 triệu đồng từ nguồn vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cùng tiền tích lũy, anh mở rộng diện tích và nuôi thêm nuôi cá trê, rắn. Tổng thu nhập hàng năm của anh đạt hơn 100 triệu đồng, trở thành TN sản xuất - kinh doanh giỏi.

Anh Khánh chia sẻ: ‘‘Lúc đầu, tôi gặp khó về đầu ra cho sản phẩm. Khi ấy, tôi dành thời gian đi tìm kiếm thị trường tại chợ Bình Điền, TP.HCM. Vài lần chào hàng, tôi có được mối quen và tiến hành bán ếch giống, lươn. Làm gì cũng cần có đam mê nên tôi luôn tâm niệm, khi gặp khó, mình không nên nản lòng mà phải tìm cách khắc phục”. Bước đầu đạt kết quả, anh Khánh mở đại lý cung ứng nguồn giống, thuốc và hướng dẫn kỹ thuật cho những TN có chí lập nghiệp.

Đến nay, tổng nguồn vốn do Đoàn TN các cấp quản lý từ ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội trên 270 tỉ đồng, với hơn 12.200 hộ vay. 5 năm qua, toàn tỉnh thành lập 513 câu lạc bộ TN phát triển kinh tế với sự tham gia của hơn 11.000 ĐVTN. Đồng thời, có 461 mô hình TN làm kinh tế giỏi, ngoài mô hình của anh Cao Phú Khánh, còn có một số mô hình tiêu biểu: Trồng ổi sạch của anh Lương Văn Tỵ, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ; trồng chanh theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Huỳnh Minh tại xã An Thạnh, huyện Bến Lức; Cơ sở Mộc - sắt - nhôm của anh Lê Thanh Thừa, xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh; nuôi bò sữa của anh Nguyễn Thanh Phong, xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An; trồng thanh long của Trần Thanh Liêm, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành,...

Bên cạnh đó, còn có các TN khởi nghiệp thành công: Anh Đặng Văn Thượng, TP.Tân An với ki-ốt giặt nón bảo hiểm Wash Speed; anh Dương Minh Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nhà đất Dương Đức và chuỗi cửa hàng cà phê sạch Rio tại Bến Lức, Tân An;...

Bí thư Tỉnh đoàn - Bùi Quốc Bảo khẳng định, với phương châm “Hướng về cơ sở, lấy địa bàn dân cư là trọng tâm, ĐVTN là trung tâm”, các hoạt động Đoàn và phong trào TN trong nhiệm kỳ hướng mạnh về cơ sở, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Bên cạnh những kết quả, công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi của tỉnh trong 5 năm qua còn một số hạn chế, khó khăn: Hoạt động tuyên truyền, giáo dục do Đoàn tổ chức mặc dù có nhiều cố gắng nhưng chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của TN trước sự phát triển mạnh mẽ của thời kỳ công nghệ số. Nhận thức và công tác chỉ đạo một số nội dung 2 phong trào lớn của Đoàn ở một vài cơ sở Đoàn còn hạn chế trong việc xác định nhiệm vụ và giải pháp phù hợp đặc thù địa phương, đơn vị nên tổ chức thực hiện hiệu quả chưa cao. Nội dung, hình thức sinh hoạt chi đoàn và hoạt động của Đoàn cơ sở có nơi chưa hấp dẫn, chưa thu hút đông đảo ĐV, thanh, thiếu nhi, nhất là ở vùng nông thôn, doanh nghiệp. Việc sơ kết, tổng kết, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phong trào TN chưa được duy trì thường xuyên, kịp thời.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh đánh giá, 5 năm qua, đội ngũ cán bộ, ĐV, thanh, thiếu niên tỉnh nhà thông qua nhiều phong trào hành động cách mạng thiết thực do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp TN Việt Nam tỉnh phát động đóng góp vào sự phát triển KT-XH của tỉnh. Tiêu biểu là phong trào hành động “Xung kích phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với TN lập thân, lập nghiệp”,... tạo dấu ấn tốt trong thanh, thiếu nhi và đời sống xã hội.

Đoàn tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, góp phần hoàn thành nghị quyết Tỉnh ủy: Tham gia thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế của tỉnh; thực hiện nhiều công trình, phần việc TN tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh với nhiều công trình mang dấu ấn TN tình nguyện; TN có bước thay đổi tư duy trong làm kinh tế, bám sát những quy luật của thị trường, chuyển đổi mô hình, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nhất là biết liên kết hợp tác làm ăn, hình thành nên các mô hình phát triển kinh tế tập thể; thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử phục vụ nhân dân; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh,...

Thông qua các phong trào, xuất hiện ngày càng nhiều TN tiêu biểu trên các lĩnh vực, qua đó, tổ chức Đoàn ngày càng được củng cố và phát triển, mặt trận đoàn kết, tập hợp TN được mở rộng.

Một số kết quả của nhiệm kỳ 2012-2017:

- Đoàn TN các cấp tuyên dương 4.915 cá nhân, tập thể tiên tiến trên các lĩnh vực; có 8 gương TN tiên tiến được tuyên dương tại Đại hội TN tiên tiến làm theo lời Bác cấp toàn quốc.

- Trao học bổng cho học sinh, sinh viên với số tiền 13,9 tỉ đồng; tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho hơn 119.000 TN, học sinh; tổ chức dạy nghề trên 14.000 TN; giới thiệu việc làm cho trên 30.000 TN; vận động gần 19.300 ĐVTN, sinh viên tham gia hiến máu tình nguyện;...

- Thực hiện 11 công trình TN cấp tỉnh, 429 công trình TN cấp huyện, 4.455 phần việc TN cấp cơ sở, làm lợi cho xã hội gần 35 tỉ đồng. Sửa chữa và xây mới 220 cây cầu giao thông nông thôn; vận động tu sửa, trải đá xanh, bêtông hóa 509km đường giao thông nông thôn; trồng hơn 450.000 cây xanh các loại; sửa chữa và xây mới 200 căn nhà nhân ái, nhà tình bạn;...

- Đoàn TN các cấp tặng hơn 21.000 phần quà cho gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trị giá hơn 10 tỉ đồng; khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, tư vấn sức khỏe sinh sản cho trên 53.600 lượt người dân;...

- Toàn tỉnh kết nạp hơn 68.400 ĐV, giới thiệu trên 8.900 ĐV ưu tú cho Đảng, qua đó, có hơn 5.700 đồng chí được kết nạp vào Đảng./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích