Tiếng Việt | English

08/04/2018 - 15:11

Bến cảng lòng dân của đoàn tàu không số

Theo đường Làng Chài, ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong, tỉnh Bến Tre, chúng tôi đến thăm Bến tàu không số - Vùng đất nằm cuối Cù lao Minh chạy dài hơn 20km ven biển được giới hạn bởi 2 cửa sông lớn là Cổ Chiên và Hàm Luông. Một không gian rộng xa ngút mắt với rừng ngập nước, cồn bãi. Bến tàu không số còn được mệnh danh là “Bến cảng giữa lòng dân”, bởi sự tồn tại của nó gắn với sự đùm bọc chở che của nhân dân trong sự bủa vây càn quét của kẻ thù.

Đài tưởng niệm Bến tàu không số xã Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre

Đài tưởng niệm Bến tàu không số xã Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre

Bến tàu không số huyền thoại

Tại đây, vào đầu tháng 6/1960, chiếc tàu của tỉnh Bến Tre chở 8 chiến sĩ do thuyền trưởng Lê Công chỉ huy đã ra Bắc mở đường vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam. Sau 2 năm học tập, huấn luyện ở miền Bắc, tháng 11-1962, tàu chở 75 tấn vũ khí trở về miền Nam. Từ chuyến mở đường lịch sử đó đã khai thông tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Cũng tại vùng đất Thạnh Phong hình thành Bến tàu không số huyền thoại, nơi tiếp nhận vũ khí của đoàn tàu không số vận chuyển từ Bắc vào Nam bằng đường biển. Sau chuyến vượt biển đầu tiên thắng lợi, liên tiếp sau đó ngày 04/7/1963 và ngày 15/8/1963, các tàu của đội 4, đội 5, Đoàn 125 Hải quân tiếp tục cập bến và chỉ sau 2 đêm, gần 150 tấn vũ khí, hàng hóa được bốc dỡ, cất giấu và trung chuyển an toàn. Chuyến trở về Nam lần này bí mật diễn ra với tàu đánh cá vỏ thép ngụy trang tàu đánh cá mở ra triển vọng vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường các tỉnh ven biển miền Nam. Chỉ riêng từ tháng 6/1963 đến tháng 11/1970, có 24 chuyến tàu cập bến Thạnh Phong, gần 400 lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia đoàn tàu và hơn 600 cán bộ, chiến sĩ tham gia tiếp nhận, vận chuyển, cất giấu vũ khí. Trong số gần 1.500 tấn vũ khí, vật chất được tiếp nhận tại đầu cầu xã Thạnh Phong chỉ có chưa tới 5% lượng vũ khí, vật chất bị thất thoát, số còn lại được vận chuyển an toàn ra chiến trường phục vụ chiến đấu.

Gặp lại người cựu du kích Thạnh Phong ngay trên vườn xoài cạnh Bến tàu không số - ông Nguyễn Trưởng ấp Thạnh Hòa, kể lại: “Tàu mắc cạn, bộ đội không thể tải hết đạn, vũ khí trong đêm, sáng ra sẽ bị lộ nên ngay trong đêm, tôi cùng hàng trăm người được huy động để chuyển vũ khí vào căn cứ, đi suốt đêm đến Mỏ Cày giao hàng”. 60 năm trước, bến Thạnh Phong là khu rừng rậm với đước, mắm, bần, dừa nước,… nên được chọn làm bến cảng của Đoàn tàu không số. Địch phát hiện Thạnh Phong là điểm xuất phát và tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam, đất và người Thạnh Phong bắt đầu đối mặt với những trận càn đẫm máu. Pháo kích ngoài biển vào, B52 rải thảm, biệt kích lùng sục, chất độc diệt cỏ,... nhưng bến cảng vẫn tồn tại giữa vòng vây của kẻ thù.

Bia lưu niệm đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam tại xã Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre

Bia lưu niệm đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam tại xã Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre

So với đường Hồ Chí Minh trên bộ, khối lượng vũ khí vận chuyển theo đường Hồ Chí Minh trên biển ít hơn nhưng lại chi viện kịp thời đến các vùng ven biển miền Trung và Tây Nam bộ (khu 8, khu 9), những nơi vận tải bộ chưa đến được. Và từ những bến cảng lòng dân, những con tàu không số lặng lẽ thực hiện các nhiệm vụ, chi viện kịp thời sức người, sức của, mang lại niềm tin, tinh thần lạc quan đánh thắng giặc Mỹ xâm lược đến quân và dân miền Nam.

50 tấn “hàng” nằm lại dưới biển

Hàng chục năm qua, Đại úy Huỳnh Phước Hải (78 tuổi), cựu thủy thủ tàu không số vẫn nhớ như in ngày ông vượt biển ra Bắc chuyến đầu tiên được gặp Bác Hồ (cái tên Nguyễn Phước Hải là do Bác Hồ đặt cho bao hàm ý nghĩa may mắn trên biển). Ông nhớ lại: “Năm 1961, tôi được tuyển chọn tham gia đoàn tàu không số vượt biển ra Bắc. Sau khi ở lại hơn một năm để học tập, huấn luyện, đến năm 1962, tham gia chở chuyến vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau đó, tôi tham gia 7 chuyến tàu nữa với bao khó khăn, nguy hiểm, đồng đội tôi phần lớn nằm lại nơi biển cả”. Ông Hải kể: “Chuyến cuối cùng chở 50 tấn “hàng” đến Thạnh Phong vào cuối tháng 11/1970. Lúc còn cách bờ biển chừng 20 hải lý, tàu bị tàu tuần tiễu của địch phát hiện, siết chặt vòng vây. Sau cuộc đọ súng ác liệt nhưng không cân sức, chúng tôi quyết định hủy tàu rồi lệnh cho tất cả chiến sĩ còn sống sót rời tàu bơi vào bờ bằng thuyền thúng. 5 chiến sĩ bơi đến bờ nhưng 3 người đã không còn có thể nhìn thấy ngày thống nhất của nước nhà. 50 tấn “hàng” cũng vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển khơi.

Ông Hải chuyển “hàng” vào Bến Thạnh Phong 2 chuyến, còn 6 chuyến nữa vận chuyển vào các bến Vũng Tàu, Cà Mau, Trà Vinh,... Kỷ niệm sâu sắc của ông là niềm vui mỗi lần cập bến. Sau năm 1962, nhờ những chuyến tàu không số huyền thoại vận chuyển một lượng lớn vũ khí vào miền Nam góp phần rất lớn cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước nên quân và dân ven biển khu 8 chờ mong các anh từng ngày,...

Đại úy Huỳnh Phước Hải - Cựu thủy thủ tàu không số (trái) chụp ảnh lưu niệm tại Công viên Nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển

Đại úy Huỳnh Phước Hải - Cựu thủy thủ tàu không số (trái) chụp ảnh lưu niệm tại Công viên Nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển

Thạnh Phong - căn cứ tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam năm xưa, vùng đất ven biển Đông dãi dầu trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên, lắt lay trong gian khó của những năm kháng chiến. Đó là một vùng đất “đứng mũi chịu sào”, từng nếm trải bao cuộc càn quét đẫm máu của giặc nhưng vẫn đứng vững, không hề nao núng. Tại Cồn Rừng - Hồ Cỏ cũng là nơi diễn ra trận chống càn đẫm máu trong 21 ngày đêm (giáp tết năm 1964). Một trong những chứng tích chiến tranh từ trận chống càn trên là ngôi mộ tập thể 21 người dân ở Hồ Cỏ. Cả 21 người trên (thực ra chỉ có 19 người lớn nhưng có 2 phụ nữ đang mang thai) bị thiêu cháy vì bom napan thả xuống ngay miệng hầm. 5 năm sau, vào đêm 15/02/1969, một toán lính biệt kích hải quân mỹ (SEAL) đột nhập vào ấp 5, xã Thạnh Phong (gần Vàm Khâu Băng) giết hại 21 thường dân đang trú ẩn trong hầm,...

Ghi nhớ những cống hiến hy sinh của những thủy thủ đoàn tàu không số cùng quân và dân Bến tàu không số, tại ấp 8, Cồn Bửng, xã Thạnh Hải (Thạnh Phú), UBND tỉnh Bến Tre xây dựng Công viên Nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển. Công viên có 3 khu chính: Khu nước Việt Nam; bờ biển Việt Nam thu nhỏ; khu bảo tàng, đài tưởng niệm các bến tàu và đường đi trên biển của đoàn tàu không số.

Từ bến cảng của những đoàn tàu không số năm xưa, những con tàu lại lướt sóng ra khơi, lớp lớp tuổi trẻ lại lên đường vững vàng tay súng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc./.

Trung Dũng

Chia sẻ bài viết