Tiếng Việt | English

03/05/2019 - 15:30

Hàng ngàn người đổ về Hội trường Thống nhất viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Hàng ngàn người dân, các đoàn đại biểu về Hội trường Thống nhất TP.HCM để viếng nguyên Chủ tịch nước – Đại tướng Lê Đức Anh.

Đại tướng Lê Đức Anh trong lòng nhân dân

Từ sáng sớm, các tuyến đường quanh Hội trường Thống nhất TP.HCM đông nghẹt các đoàn xe từ khắp tác tỉnh, thành miền Nam cũng như nhân dân thành phố về Hội trường Thống Nhất để viếng nguyên Chủ tịch nước – Đại tướng Lê Đức Anh.

Hội trường Thống nhất TP.HCM diễn ra lễ viếng nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh

Trong dòng người đến viếng từ sớm có bà Lê Thị Hợi, nguyên bộ đội Trường Sơn, hiện sinh sống tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.

Bà Hợi cho biết, khi hay tin nguyên Chủ tịch nước – Đại tướng Lê Đức Anh từ trần, những người lính Trường Sơn năm xưa đều rất đau buồn. Cách đây 2 ngày, bà bắt xe từ Đắk Lắk vào TP.HCM chỉ để được tận tay thắp nén hương đến Đại tướng.

Với bà cũng như những người lính Trường Sơn năm xưa, hình ảnh Đại tướng Lê Đức Anh luôn là những hình ảnh đẹp nhất của người lính bộ đội Cụ Hồ. Đại tướng từng trải qua cả 4 cuộc chiến cũng như trên cương vị Chủ tịch nước nhưng luôn gần gũi, giản dị, được nhân dân tin yêu, quý mến.

“Tôi sẽ chờ sau lễ viếng để được đưa tiễn linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh về nơi an nghỉ cuối cùng trước khi về lại quê nhà ở Đắk Lắk”, bà Lê Thị Hợi cho biết.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Bật đến viếng Đại tướng Lê Đức Anh

Cũng như bà Hợi, cựu chiến binh Nguyễn Đình Bật, Trưởng phân ban - Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sơn quận Tân Bình, TP.HCM cũng có mặt tại Hội trường Thống nhất từ sáng sớm để viếng Đại tướng Lê Đức Anh. Ông từng nhiều lần được gặp và chịu sự chỉ huy trực tiếp từ Đại tướng Lê Đức Anh tại Mặt trận 479.

Trong tâm trí của ông Nguyễn Đình Bật, ngoài thiên tài chỉ huy quân sự trong các cuộc chiến tranh thì Đại tướng Lê Đức Anh còn là Nhà lãnh đạo đất nước tuyệt vời. Trong các cuộc chiến tranh, Đại tướng luôn có mặt ở những điểm nóng chỉ huy các chiến dịch cũng như động viên anh em chiến sĩ. Khi còn là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng còn trực tiếp ra thăm Trường Sa và lên ý tưởng xây dựng các nhà giàn DK1 để bảo vệ cũng như khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước.

“Tôi còn nhớ thời kỳ công tác tại Cục Kỹ thuật của Mặt trận 479 - Quân tình nguyện Việt Nam. Lúc này, Đại tướng Lê Đức Anh đang là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Nhiều lần trong các chiến dịch lớn nhằm truy quét tàn quân Pôn Pốt, Đại tướng Lê Đức Anh trực tiếp xuống kiểm tra và nghe các báo cáo về quyết tâm chiến đấu cũng như phương án chiến đấu của các đơn vị tại Mặt trận 479. Dù là Tư lệnh nhưng Đại tướng Lê Đức Anh rất ân cần, gần gũi, quan tâm sâu sát, động viên anh em chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Những tình cảm đó, đến suốt đời tôi vẫn không thể quên”, cựu chiến binh Nguyễn Đình Bật xúc động.

Có cụ già ngồi xe lăn cũng cố gắng đến thắp nén hương cho nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh

Còn ông Bùi Tổng Hoàn, ngụ quận 2, TP.HCM, sáng nay cũng nhờ người con chở đến viếng nguyên Chủ tịch nước – Đại tướng Lê Đức Anh.

Ông Hoàn cho biết: “Trong suốt cuộc đời, Đại tướng Lê Đức Anh cống hiến trọn vẹn cho đất nước, dân tộc. Trước đây, khi ba tôi còn sống thì ông và Đại tướng là những người bạn chiến đấu, những người thuộc thế hệ đầu tiên hoạt động cách mạng tại các nông trường cao su trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Vì vậy, hôm nay, tôi cũng thay mặt cho ba dâng nén hương đưa tiễn Đại tướng về cõi vĩnh hằng”.

Niềm thương tiếc đối với Đại tướng

Ngoài những người dân, những cựu chiến binh thì trong buổi sáng ngày 03/5, hàng trăm đoàn đại biểu của TP.HCM cũng như các tỉnh, thành miền Nam tập trung tại Hội trường Thống Nhất để viếng nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh.

Trong sổ tang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM – Nguyễn Thiện Nhân viết: “Vô cùng thương tiếc và tưởng nhớ một vị tướng tài ba, quả cảm, trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, là Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, gắn bó sâu nặng với nhân dân Nam bộ, với quân – dân Sài Gòn – Gia Định – TP.HCM. Một nhà lãnh đạo xuất sắc, có tầm nhìn sâu rộng trong những vấn đề chiến lược, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Xin kính cẩn nghiêng mình tiễn đưa đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh – chú Sáu Nam về yên nghỉ trong lòng đất Nam bộ thành đồng Tổ quốc”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Phạm Văn Cảnh ghi sổ tang

Trong cuộc đời cách mạng của mình, Đại tướng Lê Đức Anh từng có những kỷ niệm cùng quân và dân Long An. Đó là trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, Đại tướng Lê Đức Anh lúc ấy là Phó Chỉ huy Chiến dịch kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam tiến đánh giải phóng Sài Gòn và là Tư lệnh Mặt trận 479 chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Campuchia.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Phạm Văn Cảnh cũng cùng đoàn đại biểu của tỉnh đến đặt vòng hoa kính viếng Đại tướng Lê Đức Anh tại Hội trường Thống nhất TP.HCM. Trong sổ tang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh viết: “Đồng chí Lê Đức Anh là nhà lãnh đạo lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, Người cộng sản, chiến sĩ cách mạng kiên trung, người chỉ huy quân sự tài ba, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội, vì hạnh phúc nhân dân. Đồng chí đã có nhiều cống hiến, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UB.MTTQ Việt Nam tỉnh Long An cũng như toàn thể nhân dân Long An sẽ mãi mãi ghi nhớ, biết ơn công lao đóng góp to lớn của đồng chí cho đất nước và nguyện sẽ học tập, noi gương đồng chí, chung sức, chung lòng góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Nhiều đoàn đại biểu thuộc lực lượng vũ trang đến viếng Đại tướng Lê Đức Anh

Đặc biệt, trong các đoàn đại biểu đến viếng nguyên Chủ tịch nước – Đại tướng Lê Đức Anh tại Hội trường Thống nhất TP.HCM có rất nhiều đoàn của lực lượng vũ trang Quân khu 7, Quân khu 9 - nơi Đại tướng Lê Đức Anh từng làm Tư lệnh.

Trong sổ tang, Tư lệnh Quân khu 7 – Trung tướng Võ Minh Lương viết: “Đại tướng Lê Đức Anh – một nhà chính trị lớn, nhà quân sự tài ba, luôn nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, có tư duy sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; một chiến sĩ cách mạng tài trí kiên cường; một vị tướng, Tư lệnh, Chính ủy đức độ, tài năng. Suốt đời gắn với sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc, với quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam và lực lượng vũ trang Quân khu 7. Vĩnh biệt Đại tướng Lê Đức Anh – vĩnh biệt bác Sáu Nam kính mến! Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 7 nguyện trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, kiên định, vững vàng, chủ động, sáng tạo xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, lực lượng vũ trang quân khu vững mạnh toàn diện, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa!”.

Tư lệnh Quân khu 7 - Trung tướng Võ Minh Lương ghi trong sổ tang

Đến 11 giờ, lễ viếng nguyên Chủ tịch nước – Đại tướng Lê Đức Anh tại Hội trường Thống nhất TP.HCM kết thúc và bắt đầu lễ truy điệu.

Chiều nay, linh cữu nguyên Chủ tịch nước – Đại tướng Lê Đức Anh được di quan từ Hà Nội về TP.HCM để chuẩn bị cho lễ an táng vào 17 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang TP.HCM./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích