Tiếng Việt | English

30/03/2021 - 08:44

Hợp tác xã điểm, điển hình nông nghiệp còn gặp khó

Việc xây dựng mô hình hợp tác xã (HTX) về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trên địa bàn tỉnh Long An là điều tất yếu, theo quy luật phát triển, tăng giá trị sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đã có hiệu quả nhưng chưa có sự đột phá

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, cách tổ chức sản xuất, lợi nhuận cho nông dân, tỉnh đã quyết định xây dựng 16 HTX điểm và 4 HTX điển hình về nông nghiệp ƯDCNC trên 3 cây, 1 con (cây lúa, thanh long, rau và con bò).

Hiện nay, tổng diện tích sản xuất của các HTX được chọn làm điểm và điển hình của tỉnh là gần 3.000ha. Trong đó, có gần 2.500ha lúa, 57ha rau, 260ha thanh long, bò quy mô 327 con và hơn 100ha ngoài vùng nông nghiệp ƯDCNC. Để xây dựng các HTX điểm, điển hình, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ để thực hiện các mô hình sản xuất, vốn, cơ sở vật chất,...

Sản xuất ứng dụng công nghệ cao là hướng đi bền vững cho trái thanh long

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, việc xây dựng các mô hình HTX điểm và HTX điển hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC của tỉnh vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi, tuy nhiên, bước đầu đã hình thành được mô hình HTX điểm sản xuất nông nghiệp ƯDCNC. Thông qua mô hình góp phần nâng cao nhận thức của người dân về mô hình HTX kiểu mới, về sản xuất nông nghiệp ƯDCNC tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, có tính tập trung, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân.

"Có những mô hình HTX điểm cho hiệu quả cao, tạo sức lan tỏa và được sự ủng hộ của người dân. Nhiều hộ dân sau khi tham quan học tập đã chủ động xin tham gia HTX và thực hiện áp dụng quy trình sản xuất ƯDCNC mà HTX đang thực hiện" - ông Nguyễn Chí Thiện thông tin.

Như các HTX điểm sản xuất nông nghiệp ƯDCNC trên cây lúa đã xây dựng 4 mô hình theo hướng VietGAP với diện tích thực hiện 50ha/mô hình. Qua đánh giá, giảm được giống, phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. "Tính ra, hiệu quả kinh tế ước cao hơn ngoài mô hình từ 4-7 triệu đồng/ha" - ông Nguyễn Văn Phương, tham gia sản xuất trong mô hình, cho biết.

Hoặc như xây dựng HTX điểm, điển hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC trên cây rau sử dụng phân hữu cơ sinh học, trồng trong nhà lưới, nhà màng đã cho thấy sự phát triển tốt hơn, sâu, bệnh ít hơn, giảm được lượng phân vô cơ, giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Theo tính toán của xã viên, năng suất tăng 5-20%, lợi nhuận cao hơn từ 2-5 triệu đồng/1.000m2 so với cách trồng theo phương pháp truyền thống, mặt khác sản phẩm được kiểm tra đạt an toàn.

Bên cạnh những chuyển biến, kết quả bước đầu thì các HTX điểm, điển hình về sản xuất nông nghiệp ƯDCNC vẫn chưa có sự đột phá. Theo quy định, HTX điểm nông nghiệp ƯDCNC có 5 tiêu chí (TC). Thế nhưng, trong 16 HTX được chọn điểm của tỉnh thì hiện nay mới có 4 HTX đạt 5/5 TC; các HTX còn lại chỉ đạt từ 2-4 TC. So với ban đầu, có 6 HTX không thay đổi; 5 HTX tăng 1 TC và 5 HTX tăng 2-3 TC.

Trong khi đó, xây dựng HTX điển hình nông nghiệp ƯDCNC thì yêu cầu còn cao hơn vì có tới 8 TC. Hiện trong 4 HTX xây dựng điển hình, chỉ có HTX Phước Thịnh đạt 8/8 TC, còn lại 3 HTX chỉ đạt từ 4-6 TC. Phần lớn TC mà 3 HTX chưa đạt là hiệu quả hoạt động; tổ chức một số dịch vụ đời sống cho thành viên; tiếp cận vốn vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa HTX, doanh nghiệp và ngân hàng; lợi ích của các thành viên HTX.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Nhìn chung, việc xây dựng các HTX nông nghiệp điểm, điển hình ƯDCNC còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Qua ghi nhận tại HTX điển hình chăn nuôi bò thịt xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, chúng tôi nhận thấy vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại, trụ sở được Nhà nước cho mượn nhưng diện tích rất nhỏ, hẹp, vỏn vẹn chưa đầy 60m2. Kết quả xây dựng HTX điển hình đến nay mới chỉ đạt 3/8 TC.

HTX hiện hoạt động chính là chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, thời gian chăn nuôi dài trên 12 tháng, vốn đầu tư nhiều; hộ chăn nuôi, thành viên HTX nuôi phân tán không tập trung, trình độ chăn nuôi còn thấp, không đồng đều, chủ yếu là kinh nghiệm; người chăn nuôi chưa có tinh thần hợp tác, liên kết. Cán bộ quản lý HTX xuất thân từ nông dân, chưa có kinh nghiệm quản lý sản xuất, kinh doanh tập thể, đa phần lớn tuổi.

Hiện đã có hợp tác xã sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò thịt

"Ngoài ra, HTX cũng chưa chủ động xây dựng phương án hoạt động sản xuất, kinh doanh; một bộ phận người chăn nuôi thành viên HTX còn tâm lý về HTX kiểu cũ trước đây nên thiếu niềm tin, còn tư tưởng trông chờ Nhà nước hỗ trợ, khó vận động. Một số cơ chế, chính sách liên quan HTX khó tiếp cận như quỹ hỗ trợ phát triển HTX, thuê đất đai, mặt bằng xây dựng trụ sở làm việc” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Liêu Văn Bùng thông tin.

HTX Nông nghiệp Tân Thành, huyện Thủ Thừa, thành lập từ tháng 4/2018, có quy mô vừa. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX này còn đơn điệu, manh mún, chưa năng động. Thực tế, HTX chưa chủ động xây dựng kế hoạch, phương hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh nên hiệu quả thấp, còn thiếu vốn, chưa mở rộng hình thức kinh doanh theo hướng đa ngành nghề; chưa có các hình thức liên doanh, liên kết khu vực HTX, HTX với các tổ chức doanh nghiệp.

Còn HTX Phước Thịnh, huyện Cần Giuộc, được đánh giá là có sự nổi trội hơn các HTX còn lại khi đã đạt 8/8 TC HTX điển hình. Tuy nhiên, cũng gặp những khó khăn như đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà màng đòi hỏi nguồn vốn khá lớn trong khi khả năng của người dân còn hạn chế. HTX ƯDCNC chỉ dừng ở mức độ nông hộ nên phạm vi ứng dụng còn giới hạn ở một số nội dung.

Về liên kết "4 nhà": Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp và nhà nông hiện nay còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến nông sản rơi vào tình trạng ùn tắc đầu ra, được mùa - rớt giá, nông dân thường xuyên bị động, bị thương lái ghìm giá, ép giá.

Ở huyện Châu Thành, HTX điển hình Dương Xuân được đánh giá tương đối cao, đạt 6/8 TC nhưng vẫn còn những khó khăn chưa tháo gỡ được. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Phạm Văn Thật, trình độ, năng lực quản lý Ban Quản trị HTX còn hạn chế nên công tác quản lý, điều hành chưa đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường. Hiện nay, HTX chỉ dừng lại ở mức sơ chế gia công, đóng gói, chưa tạo được sự liên kết trong sản xuất giữa các thành viên.

Ngoài ra, một số xã viên còn ngán ngại trong việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, sản phẩm đạt chuẩn VietGAP còn ít. HTX còn nghiêng về kinh doanh, chưa đi sâu khâu tổ chức, sản xuất. Sản lượng nông sản xuất khẩu còn hạn chế so với tiềm năng và lợi thế. Đầu ra sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP còn gặp nhiều khó khăn, không ổn định, thường là những hợp đồng ngắn hạn, thị trường tiêu thụ bấp bênh, thiếu ổn định./.

Kết quả đạt tiêu chí HTX nông nghiệp điểm, điển hình ƯDCNC vẫn còn thấp. Điều đó cho thấy, thay đổi vẫn chưa rõ nét đối với mô hình HTX điểm sản xuất nông nghiệp ƯDCNC. Công tác hỗ trợ gặp rất nhiều khó khăn, một số HTX năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn yếu, tuổi cao, chưa có tâm huyết thực hiện. Năng lực nội tại của HTX còn yếu cả về nhân lực, tài chính nên thiếu nguồn lực cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, thiếu đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn; thiếu đầu tư máy móc, thiết bị, hạ tầng sản xuất. HTX chưa thể hiện được vai trò kết nối doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và nông dân.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết